CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Mặt trận và các hội, đoàn thể tỉnh
Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh
Thứ tư 30/09/2020 04:01
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội đã đạt được kết quả tích cực, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh.

Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Xác định được tầm quan trọng của công tác này, nhiệm kỳ qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã quan tâm, chú trọng đến công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 12-QĐi/TU ngày 14/9/2018 về "Trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong việc tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền"; Quy chế số 06-QC/TU ngày 14/9/2018 về "Đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh"; chỉ đạo thực hiện Quy định 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư về "Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên"... Từ đó, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã ban hành nhiều quy định về cơ chế, nội dung, kinh phí, tạo điều kiện để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội theo quy định.

Tập trung vào những vấn đề có liên quan trực tiếp đến người dân

Với phương châm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể đã tập trung vào các lĩnh vực, nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, những vấn đề dư luận quan tâm. Cụ thể trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, hoạt động tư pháp và những lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng như: xây dựng nông thôn mới; chính sách đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn lao động; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động... 

Qua 5 năm, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã thành lập 996 đoàn, tổ chức giám sát 1.863 cuộc, với hàng trăm nội dung, trong đó: MTTQ Việt Nam tỉnh đã thành lập 18 đoàn, tổ chức giám sát 105 cuộc, với 18 nội dung; các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh đã thành lập 106 đoàn, chủ trì giám sát 306 cuộc với gần 100 nội dung. Qua giám sát, đã kịp thời đề xuất các chủ trương phù hợp với tình hình thực tiễn của đời sống xã hội; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp. 

(Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh giám sát công tác xây dựng NTM tại huyện Tây Sơn)

Cùng với hoạt động giám sát, công tác phản biện xã hội được MTTQ và các đoàn thể các cấp quan tâm triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. MTTQ các cấp đã chủ trì, phối hợp tổ chức 72 hội nghị phản biện xã hội về các chủ trương, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội; tham gia góp ý và tổ chức lấy ý kiến góp ý hơn 1.500 văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương. Qua đó, đã phát huy được vai trò của các tổ chức thành viên, Hội đồng tư vấn trong hoạt động phản biện xã hội. Hoạt động phản biện xã hội của các địa phương đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình của địa phương có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân. Qua đó, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng các chính sách, quy định và các đề án, dự án khi ban hành, phù hợp với thực tiễn, được nhân dân đồng tỉnh hưởng ứng.

(Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo "Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025")

Phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tích cực

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát và phản biện xã hội nhiều nơi còn khó khăn, hiệu quả thấp, còn lúng túng trong việc lựa chọn nội dung và cách thức tổ chức thực hiện; năng lực giám sát, phản biện của cán bộ Mặt trận, các đoàn thể, nhất là ở cơ sở còn hạn chế... Từ thực tiễn đó, đòi hỏi MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tích cực làm tốt việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm; chú trọng lựa chọn nội dung giám sát, phản biện, cần tập trung vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân; những vấn đề nhân dân có nhiều bức xúc, kiến nghị, phản ánh. Cùng với đó cần sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của cấp ủy đảng, chính quyền; bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị cho MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp để có đủ khả năng thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội; mặt khác, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong việc tiếp thu góp ý của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và Quy định mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIX) đã ban hành./.

                                                                                 Minh Lực