CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Xây dựng thương hiệu “Ðồ gỗ Bình Ðịnh”
Thứ sáu 10/01/2020 20:53
Nhiều năm qua, giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ chiếm trên 50% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Tuy nhiên, để Bình Ðịnh xứng danh là “thủ phủ” đồ gỗ của cả nước, ngành công nghiệp này cần phải nỗ lực nhiều hơn, trong đó có việc xây dựng thương hiệu “Ðồ gỗ Bình Ðịnh”.

Chế biến gỗ xuất khẩu tại một DN ở Khu kinh tế Nhơn Hội.   Ảnh: NGUYỄN HÂN

Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), năm 1999, số DN ngành công nghiệp chế biến gỗ (CNCBG) trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng vài chục, nay đã phát triển hơn 240 DN. Trong số này, có 115 DN là hội viên của FPA Bình Định.

Hội viên của FPA Bình Định có mặt ở 9 tỉnh, thành phố trong nước (Bình Định, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) và cả hội viên liên kết là các DN nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam.

Trong 20 năm qua, ngành CNCBG Bình Định đã có bước phát triển vượt bậc về cả giá trị kim ngạch xuất khẩu và giá trị sản xuất công nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu của ngành CNCBG tỉnh năm 1999 mới chỉ là 35,4 triệu USD thì đến năm 2019 đã tăng lên gần 479 triệu USD; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2000 là 345 tỷ đồng thì đến năm 2018 đã tăng lên gần 15.030 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Võ Mai Hưng cho biết, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh năm 2019 là 911 triệu USD, trong đó riêng kim ngạch xuất khẩu của ngành CNCBG đã chiếm 52%. Đáng ghi nhận là, mặc dù không có các điều kiện thuận lợi như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, song nhờ nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, giờ đây Bình Định cùng với 3 địa phương này đã trở thành 4 trung tâm chế biến gỗ lớn nhất nước.

Dù vậy, theo ông Lê Minh Thiện, ngành CNCBG vẫn còn một số khó khăn: Nguồn nguyên liệu đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn hạn chế; mối liên kết theo chuỗi giữa người trồng rừng với DN chưa chặt chẽ; trong chế biến, xuất khẩu gỗ ít chú trọng đến xuất khẩu thành phẩm để gia tăng giá trị…

Theo ông Võ Mai Hưng, trong số 240 DN nêu trên thì chỉ có 8 DN có vốn 200 tỷ đồng, số còn lại chỉ dưới 50 tỷ đồng. Không chỉ vậy, hoạt động của các DN trong ngành CNCBG trên địa bàn còn thiếu tập trung. "Từ thành quả và cả những tồn tại, khó khăn, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương lập Đề án Phát triển ngành CNCBG tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Mới đây, đề án này đã được UBND tỉnh phê duyệt, với mục tiêu phát triển ngành CNCBG của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững về KT-XH và môi trường; xây dựng thương hiệu "Đồ gỗ Bình Định". Đề án xác định: Phấn đấu đến năm 2025 đưa kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ gỗ đạt 750 triệu USD, tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hằng năm 5%; đến năm 2035, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ gỗ đạt 1,5 tỷ USD, tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hằng năm 4,8%...", ông Võ Mai Hưng cho biết.  

Nhằm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu trên, Đề án cũng đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, được UBND tỉnh giao cụ thể cho các sở, ngành, địa phương, FPA Bình Định triển khai thực hiện.

Về thị trường, Đề án xác định: Tiếp tục duy trì và phát triển các thị trường truyền thống; tập trung phát triển mạnh một số thị trường mục tiêu, có nền kinh tế phát triển ổn định, sức mua mạnh, như: EU, Mỹ, Nhật Bản; xây dựng Bình Định trở thành điểm đến thu hút các đơn vị kinh doanh đồ gỗ thế giới đến Việt Nam.

Về xúc tiến đầu tư, Đề án khuyến khích các DN đầu tư mới, đầu tư chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao, trong đó nhóm sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất, ván nhân tạo là chủ đạo…

Nguồn: Báo Bình Định