Mô hình trồng ớt tại thôn Tiên An, xã Vĩnh Hòa cho thu nhập cao
Trong năm 2019, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền chuyển giao KHKT tại các địa phương cho trên 5.000 lượt hội viên nông dân. Qua khảo sát nhu cầu thực tế của hội viên nông dân, Hội Nông dân huyện phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức 3 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn như kỹ thuật nuôi gà thả vườn, kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi, kỹ thuật trồng keo, bạch đàn làm nguyên liệu giấy cho 105 hội viên nông dân theo học. Phối hợp Phòng Kinh tế - Hạ tầng xây dựng mô hình "Xử lý chất thải chăn nuôi khu dân cư" tại thôn Vĩnh Cửu, xã Vĩnh Hiệp nhằm chuyển giao ứng dụng sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao, gắn phát triển sản xuất theo hướng bền vững với bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Hội Nông dân huyện đã phối hợp Hội Làm vườn tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 3 lớp tập huấn phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu, tuyên truyền về phát triển kinh tế VAC và tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng vụ Mùa với gần 200 hội viên nông dân tham dự. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện đã sử dụng nguồn vốn từ ngân sách của đơn vị đầu tư mô hình nuôi gà thả vườn cho 2 hộ ở làng Kon Trú, xã Vĩnh Kim, góp phần chuyển giao KHKT cho hội viên nông dân, nhất là hội viên vùng đồng bào miền núi.
Với việc tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác chuyển giao KHKT cho nông dân, nhiều tiến bộ KHKT mới đã được ứng dụng, giúp nông dân tiếp cận với quy trình sản xuất tiên tiến, từng bước nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi. Hội thực hiện tốt công tác tạo vốn cho nông dân thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội và vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Đến nay, tổng các nguồn do Hội quản lý và nhận ủy thác trên 140 tỉ đồng, với 3.363 hộ vay để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh đã giúp nông dân mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với thế mạnh của từng địa phương, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Điển hình trong phong trào này có thể kể đến ông Đinh Khuân, ở làng 2, xã Vĩnh Thuận nhờ được vay vốn từ Quỹ HTND, vốn NHCSXH huyện và được hướng dẫn KHKT, đã mạnh dạn thuê đất đầu tư trồng dưa hấu, bí đỏ và đậu đỗ các loại… mua chiếc máy cày để phục vụ cho gia đình, đồng thời cày thuê cho các hộ khác, mỗi năm đem lại cho ông nguồn thu nhập trăm triệu đồng. Và mô hình kết hợp nông - lâm nghiệp và dịch vụ chế biến, phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng đa canh, đa ngành của hội viên Trịnh Xuân Lời ở thôn Tiên An, xã Vĩnh Hòa; mô hình trồng trọt và chăn nuôi của hội viên Đoàn Văn Thọ ở thôn Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thịnh, lấy ngắn nuôi dài của hội viên Đinh Dun ở làng 8, xã Vĩnh Thuận và chuyển đổi cơ cấu cây trồng của ông Đỗ Cộ xã Vĩnh Quang.
Có thể nói, với việc tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ vốn của Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh trong thời gian qua đã góp phần vận động hội viên, nông dân mạnh dạn đầu tư để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, góp phần củng cố, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
ĐINH THỊ NƠK