Kiểm tra thủ tục tàu cá ra vào cảng tại cảng cá Tam Quan.
Bình Định hiện có hơn 6.100 tàu cá/khoảng 45.000 lao động, trong đó có 3.300 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản (KTTS) tại vùng khơi. Từ ngày 1.1.2019, khi Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT quy định về ghi, nộp báo cáo nhật ký khai thác thủy sản của Bộ NN&PTNT có hiệu lực thi hành, ngành Thủy sản tỉnh đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân nhận thức và chấp hành các quy định ghi, nộp nhật ký KTTS trên biển cho cơ quan chức năng trong vòng 24 giờ sau khi hoàn tất việc bốc dỡ thủy sản qua cảng, đảm bảo theo yêu cầu kiểm tra, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.
"Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử eCDT đã được áp dụng ở nhiều quốc gia; trong đó Philippines và Thái Lan đã áp dụng thành công hệ thống này và họ đã gỡ được "thẻ vàng" của EC. Tổng cục Thủy sản đang triển khai việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và thí điểm ứng dụng công nghệ eCDT trong truy xuất nguồn gốc thủy sản nhằm định hướng lâu dài trong công tác quản lý nghề cá hiện đại, minh bạch, phát triển bền vững, nâng cao đời sống ngư dân". Ông PHẠM NGỌC TUẤN, Phó Vụ trưởng Vụ KTTS (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) |
Ngư dân Đỗ Minh Tú, ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, chủ tàu câu cá ngừ đại dương BĐ 97441-TS, cho hay: "Nhật ký KTTS là cơ sở quan trọng để truy xuất nguồn gốc thủy sản, thể hiện đầy đủ thông tin về số hiệu tàu, công suất máy chính, số lượng thuyền viên, nghề khai thác, nơi xuất, cập bến; tọa độ tàu hoạt động; tổng sản lượng thủy sản, loại thủy sản khai thác…. Nhưng khi thời tiết sóng to gió lớn thì việc ghi nhật ký gặp nhiều khó khăn, nhật ký bằng giấy cũng khó bảo quản hơn".
Còn ngư dân Lê Văn Hội, cũng ở xã Tam Quan Bắc, chủ tàu câu cá ngừ đại dương BĐ 97417-TS, cho rằng: "Mặc dù việc ghi nhật ký khai thác thủy sản và truy xuất nguồn gốc thủy sản được triển khai chặt chẽ, nhưng việc kiểm tra, đối chiếu thông tin trong nhật ký, kiểm tra sản lượng lên bến tại các cảng cá cũng mất rất nhiều thời gian. Nếu mọi việc được thực hiện qua hệ thống điện tử thì rất thuận tiện cho cả ngư dân và cơ quan quản lý".
Tháng 1.2020, tổ chức MCD phối hợp với Sở NN&PTNT Bình Định tổ chức hội thảo tham vấn và lập kế hoạch triển khai thí điểm công nghệ ghi nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) trong chuỗi giá trị cá ngừ tại Bình Định. Bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc Trung tâm MCD, cho biết: "Năm 2019, chúng tôi phối hợp Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) triển khai thí điểm công nghệ eCDT tại Bình Thuận. Thực tế cho thấy, eCDT mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo thuận lợi cho các bên liên quan, như: Cơ quan quản lý nghề cá, ngư dân, ban quản lý cảng, chủ nậu và DN thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thủy sản theo quy định, góp phần tăng hiệu quả công tác quản lý nghề cá, đặc biệt góp phần tháo gỡ "thẻ vàng" thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC). Trong tháng 3.2020, chúng tôi sẽ phối hợp ngành Thủy sản Bình Định để lựa chọn áp dụng thí điểm công nghệ eCDT cho 10 tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân trong tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá, xây dựng lộ trình cập nhật và hoàn thiện hệ thống eCDT quốc gia".
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, đến nay, việc ghi, nộp nhật ký KTTS được ngư dân nắm bắt, tuân thủ khá nghiêm túc trong mỗi chuyến biển, là cơ sở quan trọng để truy xuất nguồn gốc thủy sản trong việc thực hiện các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm MCD để triển khai công nghệ eCDT nhằm quản lý nghề cá tại các địa phương theo hướng hiệu quả, bền vững.
Nguồn: Báo Bình Định