CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Cát Sơn đã cán đích nông thôn mới
Thứ tư 09/09/2020 11:01
Sau Quốc Khánh 2/9, chúng tôi có dịp về thăm xã miền núi Cát Sơn, huyện Phù Cát, nơi đây từng là chiến khu của Tỉnh ủy Bình Định. Đi trên những con đường bê tông xi măng, hai bên đường là những ngôi nhà mới; hệ thống điện - đường - trường - trạm khang trang, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh, văn hóa - xã hội thêm khởi sắc, đặc biệt là thu nhập và đời sống của nhân dân được nâng cao đáng kể cho thấy vùng chiến khu xưa hôm nay đã đổi thay rất nhiều.

Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã miền núi Cát Sơn có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn; nhưng sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, với sự thống nhất đồng lòng giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, bức tranh NTM Cát Sơn đang dần khởi sắc.

Ông Phan Đông Luật - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã miền núi Cát Sơn cho biết: Cát Sơn có được như hôm nay là nhờ có sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Là xã miền núi, bước đầu Cát Sơn gặp nhiều khó khăn, do xuất phát điểm kinh tế thấp, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng khó khăn, mạng lưới giao thông không thuận lợi. Làm thế nào để chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt được hiệu quả; là điều mà Đảng bộ luôn trăn trở tìm hướng đi cho phù hợp với điều kiện của địa phương.

Trên cơ sở nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của các đơn vị bạn, Đảng bộ xã Cát Sơn tập trung nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, xây dựng Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM và chương trình, kế hoạch cụ thể phù hợp cho từng thời gian; để thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Với phương châm "đảng viên đi trước - làng nước theo sau", nghị quyết được triển khai đến cấp ủy, đảng viên trong 9 chi bộ để thực hiện vận động người dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM như: Hiến đất, di dời tường rào, cổng ngõ, hoa màu… để mở rộng giao thông nông thôn; trong đó chú trọng đến tiêu chí nào dễ làm trước - khó làm sau.  Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo cấp xã, Ban điều hành cấp thôn, tổ chức họp dân, để tạo sự thống nhất cao trong chủ trương phát triển kinh tế - xã hội... Quá trình thực hiện Nghị quyết xây dựng NTM nói chung và từng tiêu chí nói riêng, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ xã đến thôn, xóm, đã thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch, theo đúng phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát". Có nghĩa là, mỗi thôn thành lập Ban giám sát, Ban thanh tra nhân dân, theo dõi từ việc triển khai, tiến độ đến chất lượng công trình.

Ông Phan Đông Luật - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã miền núi Cát Sơn cho biết thêm: cán bộ chủ chốt của xã rất tận tâm, gần dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân để có phương án cụ thể phù hợp với từng thời điểm thực hiện các tiêu chí NTM. Ông Luật đúc kết kinh nghiệm: "Đảng ủy, UBND xã luôn cầu thị tiếp thu những ý kiến đóng góp chính đáng của nhân dân, để có kế hoạch điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Mọi việc có liên quan đến đời sống của người dân được đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai, thấu tình, đạt lý".

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", xã miền núi Cát Sơn tập trung mọi nguồn lực đầu tư gần 110 tỷ đồng, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Trong đó, Trung ương hỗ trợ trên 05 tỷ đồng, tỉnh 07 tỷ đồng, huyện 1,5 tỷ đồng, xã trên 17 tỷ đồng, người dân đóng góp như hiến đất, tài sản, ngày công trị giá gần 2,8 tỷ đồng, số còn lại là vốn lồng nghép từ các dự án khác... Hiện nay, toàn xã có 25km trục đường liên xã -  liên thôn và 24,2 km kênh mương bê tông được xây dựng kiên cố, tạo điều kiện đi lại dễ dàng cho nhân dân và góp phần phát triển nông nghiệp toàn diện, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.

Ông Võ Thanh Hùng, một người dân ở thôn Thạch Bàn Đông, vui mừng khi thấy quê hương đổi thay từng ngày: "Tôi thấy bộ mặt nông thôn của xã từng ngày được thay da đổi thịt, cuộc sống của dân mỗi ngày một khá lên, ánh sáng khoa học kỹ thuật đã được người dân áp dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, hệ thống điện - đường - trường - trạm được xây dựng khang trang, các cháu có nơi học hành thật tốt".

Nhằm từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã quy hoạch vùng sản xuất theo mô hình luân canh, xen canh, chú trọng phát triển kinh tế rừng, đồi, nuôi cá lồng... cho thu nhập cao. Tổng sản lượng lương thực bình quân năm 2020 đạt trên 3.300 tấn lương thực, tăng 18% so với năm 2015; tổng đàn gia súc gia cầm đạt 4.460 con, thu nhập bình quân đầu người là 44 triệu đồng/năm. Cả xã có 100 hộ sử dụng điện, 98% nhà ngói và có phương tiện nghe nhìn, 94% có xe máy, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho địa phương.

Bên cạnh đó, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại cũng được xã chú trọng phát triển. Toàn xã hiện có 16 cơ sở mộc dân dụng, 12 cơ sở sửa chữa xe máy, công cụ sản xuất, điện cơ, điện tử, hàn xì, 06 hộ xay xát, 2 cơ sở khai thác vật liệu xây dựng, 2 cơ sở cưa xẻ gỗ, 19 xe ô tô, 112 hộ kinh doanh bán buôn vừa và nhỏ, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Từ một địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện (27% năm 2010), đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống chỉ còn 4,72%. Kinh tế từng bước phát triển, văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc, nhân dân xã miền núi Cát Sơn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, đã tích cực đóng góp tiền của, công sức để xây dựng kết cấu hạ tầng. Đến nay, sau hơn 10 năm xây dựng NTM, xã miền núi Cát Sơn đã đạt 19/19 tiêu chí và đang hoàn tất hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020./.

Bài và ảnh: Thế Hà