CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
XÂY DỰNG CƠ SỞ GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT TẬP TRUNG GIAI ĐOẠN 2021 -2025: Kiểm soát tốt nguồn gốc động vật, đảm bảo an toàn thực phẩm
Thứ ba 17/08/2021 14:25
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng ở mỗi địa phương ít nhất một cơ sở giết mổ động vật tập trung; đến năm 2023 kiểm soát được tình hình giết mổ động vật, đảm bảo 80% lượng thịt tiêu thụ trên địa bàn đều xuất phát từ cơ sở giết mổ tập trung.

 Kiểm soát nguồn gốc động vật

Cuối năm 2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 33/2014/ QĐ-UBND về chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở giết mổ động vật tập trung (GMĐVTT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020; quy hoạch 26 điểm GMĐVTT trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2020, có 2 nhà đầu tư xây dựng 2 nhà máy GMĐVTT trên địa bàn TP Quy Nhơn. Cụ thể, năm 2018, Công ty TNHH Sản xuất và chế biến thực phẩm Quy Nhơn đầu tư và đưa vào hoạt động nhà máy GMĐVTT quy mô cơ giới - 700 con heo, 30 con bò, 2.000 con gia cầm/ngày đêm tại KV 3, phường Nhơn Bình; năm 2019, Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bình Định xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy GMĐVTT tại KV 9, phường Trần Quang Diệu.

Hoạt động giết mổ tại cơ sở GMĐVTT ở phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn). Ảnh: Chi cục Chăn nuôi và thú y

Theo đánh giá của ngành Thú y tỉnh, khi 2 nhà máy này đi vào hoạt động giúp TP Quy Nhơn giải quyết được bài toán tập trung các hộ giết mổ gia súc, gia cầm trong khu dân cư nội thành (54 hộ), góp phần hạn chế ô nhiễm, ngộ độc thực phẩm có nguồn từ động vật; đồng thời đưa sản phẩm động vật an toàn ra thị trường. Hiện nay 80% lượng thịt tiêu thụ trên địa bàn TP Quy Nhơn đều xuất phát từ 2 nhà máy giết mổ tập trung này.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), đánh giá: "Đầu tư cơ sở GMĐVTT xét về hiệu quả xã hội rất lớn; nhưng do tính chất, quy mô của dự án nông nghiệp thường có độ rủi ro cao, suất đầu tư lớn, nên trong giai đoạn 2015 - 2020, chỉ có 2 nhà đầu tư tham gia. Đánh giá lại toàn bộ quá trình, Chi cục tham mưu Sở NN&PTNT để trình UBND tỉnh xem xét tiếp tục triển khai giai đoạn 2021 - 2025 có thêm nhiều thay đổi, có sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền cơ sở để thúc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các cơ sở GMĐVTT".

Tháo gỡ nút thắt

Chính sách khuyến khích xây dựng cơ sở GMĐVTT giai đoạn 2021 - 2025 chính thức có hiệu lực từ ngày

"Thời gian qua, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ DN triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến sản phẩm động vật, như: Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Công ty TNHH giống gia cầm Cao Khanh và Công ty TNHH San Hà (TP Hồ Chí Minh); Dự án nhà máy giết mổ và chế biến sản phẩm động vật của Tập đoàn CP Việt Nam tại KCN Nhơn Hòa (TX An Nhơn); Công ty TNHH chế biến và sản xuất thực phẩm Quy Nhơn". Phó Giám đốc Sở NN&PTNT ĐÀO VĂN HÙNG 

1.1.2021. Theo đó, đến năm 2025, mỗi địa phương phải có ít nhất 1 cơ sở GMĐVTT. Đến năm 2023, địa phương nào chưa kêu gọi được nhà đầu tư thì phải xuất kinh phí huy động xây dựng cơ sở GMĐVTT. Đồng thời, chính sách này xây dựng trên cơ chế đặc thù của địa phương. Các nhà đầu tư xây dựng cơ sở GMĐVTT được hưởng chính sách ưu đãi của Trung ương, của tỉnh dựa trên quy mô cơ sở GMĐVTT, điều kiện từng vùng…

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến thực phẩm Quy Nhơn (chủ đầu tư cơ sở GMĐVTT tại KV 3, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn), cho biết: "Sau cơ sở ở phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), chúng tôi đang xây dựng cơ sở thứ 2 tại xã Nhơn An (TX An Nhơn) dự kiến đi vào hoạt động trong cuối năm nay. Cơ sở ở Nhơn An khi đi vào hoạt động sẽ tập trung các hộ giết mổ trên địa bàn TX An Nhơn và cả các hộ ở khu Đông Tuy Phước".

Được biết hiện Công ty TNHH Sản xuất chế biến thực phẩm Quy Nhơn cũng đang xúc tiến đầu tư xây dựng thêm một cơ sở GMĐVTT tại TX Hoài Nhơn (đã hoàn thiện thủ tục, hồ sơ bước đầu). Còn ở TX An Nhơn, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tiến độ xây dựng nhà máy tại xã Nhơn An bị chậm lại. Điểm đáng mừng là trong quá trình triển khai thực hiện, nhà đầu tư đều nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp chính quyền. Trong khi đó, huyện Hoài Ân quy hoạch Trung tâm mua bán và giết mổ động vật tại xã Ân Phong, quy mô 2,4 ha; đến nay cơ bản giải phóng xong mặt bằng, kêu gọi nhà đầu tư sớm xây dựng.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn xác nhận, hiện nay, chính sách đầu tư cơ sở GMĐVTT đang được UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến khích. Thị xã có buổi làm việc với DN khảo sát địa điểm phù hợp, xúc tiến đầu tư xây dựng cơ sở GMĐVTT.

 

Theo Quyết định số 51/2020/QĐ-UBND ngày 3.8.2020, ban hành quy định về chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021 - 2025: Với dự án đầu tư tại 3 huyện miền núi An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh - ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%; đối với dự án đầu tư tại Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Tây Sơn - ngân sách tỉnh hỗ trợ 60%, ngân sách huyện hỗ trợ 40%; đối với dự án đầu tư xây dựng tại TX An Nhơn và Hoài Nhơn - ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, ngân sách thị xã hỗ trợ 50%; riêng TP Quy Nhơn tự cân đối ngân sách hỗ trợ đầu tư dự án.

 

THU DỊU - Nguồn Báo Bình Định