CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
HỆ THỐNG THỦY LỢI ĐỒNG MÍT - LẠI GIANG: Sẽ được phát huy hiệu quả như thế nào?
Thứ năm 24/06/2021 09:40
Cuối năm nay, hồ chứa nước Đồng Mít (huyện An Lão) sẽ tích nước chuẩn bị phục vụ đời sống các địa phương phía Bắc của tỉnh. Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của dự án, việc tính toán quy hoạch, xây dựng hệ thống thủy lợi sau thân đập đã được khẩn trương thực hiện. Phóng viên Báo Bình Định phỏng vấn ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT về vấn đề này.

Dự án hồ chứa nước Đồng Mít được Bộ NN&PTNT đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện An Lão; tổng mức đầu tư hơn 2.140 tỷ đồng, dung tích chứa gần 90 triệu m3, góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH cho 4 huyện phía Bắc của tỉnh.

Để phát huy tối đa hiệu quả của hồ chứa nước Đồng Mít, điểm hết sức quan trọng là quy hoạch khoa học, xây dựng tốt hệ thống thủy lợi sau thân đập, xin ông cho biết rõ hơn về hệ thống này?

- Không riêng gì Đồng Mít, hệ thống thủy lợi sau thân đập (cống, trạm bơm, hệ thống kênh dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợi, một số công trình khác…) quan trọng với tất cả các hồ đập. Bởi vậy việc quy hoạch sao cho khoa học, hợp lý, kết nối đồng bộ với các công trình thủy lợi đang có để phát huy tối đa hiệu quả toàn hệ thống được tính toán hết sức chi tiết.

Trước mắt, theo kế hoạch triển khai, Ban quản lý dự án NN&PTNT tỉnh đang thi công hệ thống kênh và đường ống chuyển nước từ hồ chứa nước Đồng Mít về tưới cho khoảng 165 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc huyện An Lão. Hệ thống kênh tưới này được đầu tư khoảng 39,5 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2022.

Được biết Chính phủ đầu tư dự án hồ chứa nước Đồng Mít không chỉ để phục vụ huyện An Lão, vùng hưởng lợi từ hồ phía hạ lưu rất rộng, đặc biệt còn chuyển nước tưới cho vùng phía Bắc huyện Phù Mỹ…

- Đúng là như vậy và như đã nói ở trên, cuối năm nay khi hồ chứa nước Đồng Mít tích nước kết hợp với tác động nhờ đập ngăn mặn trên sông Lại Giang đi vào vận hành, hai hệ thống này kết nối với nhau sẽ đảm bảo cấp nước cho cả một vùng rộng lớn thuộc huyện An Lão, TX Hoài Nhơn và phía Bắc huyện Phù Mỹ. Để làm được điều này hệ thống thủy lợi sau thân đập phải được tính toán rất chi tiết, các chuyên gia phải khảo sát, quan trắc, đo đạc để có thêm nhiều số liệu, dữ kiện từ thực tế mới có thể tính toán thiết kế chính xác, tiết kiệm.

Ta có thể tạm hình dung thế này, việc dẫn nước từ hồ chứa Đồng Mít về tới sông Lại Giang thông qua hệ thống ống dẫn dài khoảng 45 km. Hệ thống này kết hợp với các công trình thủy lợi đang có sẽ cấp đủ nước tưới cho 725 ha đất canh tác ven sông An Lão, bổ sung nước giúp hệ thống đập dâng Lại Giang đảm bảo nước tưới cho gần 5.000 ha. Đồng thời đập dâng này sẽ chuyển nước về phía Bắc huyện Phù Mỹ để tưới cho khoảng 700 ha nữa.

Công trường thi công hồ chứa nước Đồng Mít đang ở giai đoạn hoàn thành. Ảnh: THU DỊU

Phương án chuyển nước từ sông Lại Giang về vùng phía Bắc huyện Phù Mỹ thông qua hệ thống trạm bơm đặt trên sông Lại Giang (đoạn dưới cách đập tưới Lại Giang khoảng 1 km), cùng với đó là tuyến ống dẫn nước qua đèo Phủ Cũ. Hệ thống trạm bơm gồm 4 tổ máy, mỗi năm sẽ bơm khoảng 5 triệu m3 nước vào đường ống có chiều dài 6,6 km, xuyên đèo Phủ Cũ với 350 m đường hầm và hệ thống tuyến ống, kênh dẫn nước dài 11,6 km sau cửa hầm. Hệ thống dẫn nước này kết hợp với các công trình thủy lợi hiện có đảm bảo cấp đủ nước tưới thêm cho 700 ha đất sản xuất nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ hệ thống hiện có đảm bảo cấp nước cho 6.200 ha đất sản xuất nông nghiệp ở vùng ven đầm Trà Ổ; hệ thống mới còn tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 60.000 người dân thuộc các vùng khô hạn ven đầm Trà Ổ. 

Chuyển nước về vùng phía Bắc huyện Phù Mỹ, không chỉ giải được bài toán khô hạn mà còn tạo ra sự thay đổi có tính đột phá cho vùng đất này. Xét về mặt kỹ thuật, đủ nước sản xuất thì người dân thuận lợi gieo trồng, họ chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang những cây trồng phù hợp, năng suất, sản lượng tăng, thu nhập tăng theo.

Việc chuyển nước từ Lại Giang về phía Bắc huyện Phù Mỹ là quá trình không thuận lợi - đẩy nước từ vùng thấp lên vùng cao, do đó các chuyên gia phải tính toán cực kỳ chi tiết để đảm bảo an toàn, tùy theo địa hình thực tế ở mỗi vị trí có các giải pháp kỹ thuật thi công, vật liệu xây dựng đường ống phù hợp… Ước tính để thực hiện phương án này, cần đầu tư khoảng 120 tỷ đồng.

Tính khả thi và hiệu quả của phương án này đến đâu, thưa ông?

- Tỉnh ta hiện có 4 hệ thống thủy lợi lớn gồm hệ thống thủy lợi Sông Côn - Hà Thanh, hệ thống thủy lợi La Tinh, hệ thống thủy lợi phía Bắc huyện Phù Mỹ và hệ thống thủy lợi Lại Giang. Trong đó, phía Bắc huyện Phù Mỹ là vùng khô hạn nặng nhất tỉnh, nơi đây không có lưu vực sông lớn, hồ chứa nhỏ, ít mưa, cấu trúc địa chất và cả địa hình không mấy thuận lợi. Chính vì thế khi xây dựng phương án chuyển nước về vùng phía Bắc huyện Phù Mỹ không chỉ tưới, cấp nước trực tiếp, chúng tôi còn tính toán sao để dẫn nước về sẽ tích nước ở một số hồ chứa trên địa bàn huyện để tham gia điều tiết trên toàn vùng.

Cùng với nước sản xuất nông nghiệp, hệ thống này đảm bảo nước sinh hoạt cho sản xuất công nghiệp, vấn đề khô hạn lâu nay của vùng phía Bắc huyện Phù Mỹ sẽ có lời giải phù hợp. Chính vì thế mà lãnh đạo tỉnh quan tâm, đôn đốc thường xuyên để dự án này sớm thành hiện thực.

Ngày 17.6 vừa qua, khi khảo sát thực tế tiến độ thi công hồ chứa nước Đồng Mít và bàn phương án chuyển nước từ Đồng Mít về Lại Giang và phía Bắc huyện Phù Mỹ, sau khi nghe trình bày nhiều phương án khác nhau, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đã đồng ý với phương án kể trên, giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với Ban quản lý dự án NN&PTNT tỉnh khảo sát chi tiết, toàn diện xây dựng phương án hoàn thiện để sớm trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét.

Xin cảm ơn ông!

 

THU DỊU (Thực hiện) - Nguồn Báo Bình Định