CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Kích cầu thị trường hàng hóa tết Ất Tỵ 2025
Thứ ba 14/01/2025 14:53

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng, đòi hỏi các doanh nghiệp, siêu thị, tiểu thương có kế hoạch cung ứng hàng hóa phù hợp. Trước tình hình biến động khó lường của thị trường, Sở Công Thương và các đơn vị kinh doanh chủ động triển khai nhiều biện pháp bình ổn giá, dự trữ hàng hóa, tổ chức các chương trình khuyến mãi để đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của người dân.

Đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường

Theo bà Lê Hà Thanh Thảo, Giám đốc siêu thị GO! Quy Nhơn, năm nay, lượng cung hàng thực phẩm tươi sống tại siêu thị dự kiến tăng 10 - 15% so với Tết năm ngoái. Hệ thống GO! đã phối hợp với các nhà cung cấp trên toàn quốc đảm bảo giao hàng xuyên Tết, không để xảy ra tình trạng khan hàng. Đặc biệt, siêu thị triển khai chương trình khóa giá, giữ giá ổn định cho hơn 10.000 sản phẩm tiêu dùng nhanh trong 6 tuần trước Tết, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trong bối cảnh giá cả các mặt hàng thực phẩm có xu hướng tăng nhẹ.

Để kích cầu thị trường hàng hóa Tết, các DN trên địa bàn tỉnh không chỉ tập trung vào việc dự trữ hàng hóa mà còn chú trọng cải thiện trải nghiệm mua sắm cho khách hàng.

Siêu thị Go! Quy Nhơn chuẩn bị nhiều mặt hàng Tết. Ảnh: HẢI YẾN

Ông Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng Tổ Marketing của siêu thị Co.opmart Quy Nhơn, chia sẻ, siêu thị đã chuẩn bị kỹ lưỡng danh mục hàng hóa với tổng giá trị dự trữ hơn 10 tỷ đồng, bao gồm các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, đường, gạo, bánh kẹo, thịt gia súc. Ngoài việc đảm bảo chất lượng, siêu thị còn tổ chức các chương trình khuyến mãi hấp dẫn như mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1, giảm giá lên đến 50% các sản phẩm đặc trưng dịp Tết.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Đình Kha, các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt gia súc, thủy hải sản, rau củ quả đều được các đơn vị phân phối trên địa bàn dự trữ đầy đủ. Ước tính, nhu cầu tiêu thụ gạo trong dịp Tết khoảng 50.556 tấn, thịt heo 5.429 tấn và rau củ quả 50.856 tấn. Nguồn cung cho các mặt hàng này được đảm bảo không gián đoạn, trong khi giá bán chỉ tăng nhẹ từ 1 - 2% đối với gạo và 8 - 10% đối với thịt gia súc, gia cầm.

Ông Nguyễn Đình Kha nhấn mạnh, Sở đã chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm soát giá cả, chống đầu cơ tích trữ và tổ chức bán hàng lưu động tại các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa như An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh. Đồng thời, các kênh bán hàng online và hotline cũng được khuyến khích phát triển nhằm đáp ứng nhanh chóng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Người dân đi mua sắm Tết tại siêu thị Co.opmart Quy Nhơn. Ảnh: HẢI YẾN

Tạo khác biệt đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng

Hiện nay, tại tỉnh xuất hiện thêm hệ thống cửa hàng đặc sản như Vissan, Bách Hóa Xanh… cung cấp các sản phẩm chế biến sẵn như giò chả, lạp xưởng, bánh mứt… Với sự tiện lợi và chất lượng đảm bảo, các cửa hàng này ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng trong dịp Tết.

Đặc biệt, siêu thị Co.opmart Quy Nhơn cũng tập trung vào các mặt hàng mang đặc trưng địa phương, như bánh tét, rượu Bàu Đá, các loại hải sản khô để phục vụ nhu cầu sử dụng và làm quà biếu. Theo ông Nguyễn Văn Minh, siêu thị không chỉ cung cấp sản phẩm mà còn mong muốn giới thiệu văn hóa ẩm thực địa phương đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Thị trường tiêu dùng Tết năm nay được đánh giá có nhiều thay đổi nhanh và khó dự đoán. Người dân ngày càng quan tâm đến chất lượng sản phẩm và các trải nghiệm mua sắm toàn diện. Trước xu hướng này, các DN tại tỉnh cần tập trung vào việc tạo ra sự khác biệt để cạnh tranh hiệu quả.

Tại các chợ truyền thống, các tiểu thương cũng nỗ lực kích cầu bằng cách tăng cường trưng bày hàng hóa và đẩy mạnh giao dịch qua mạng xã hội. Chị Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương chợ Đầm Quy Nhơn, cho biết: Năm nay, khách hàng có xu hướng mua sắm trực tuyến nhiều hơn, nên chúng tôi đã tạo các nhóm Zalo để giới thiệu sản phẩm, đồng thời hỗ trợ giao hàng tận nơi.

Đối với các sản phẩm đặc sản địa phương, nhiều DN tăng cường chất lượng, mẫu mã bao bì, kể câu chuyện về nguồn gốc sản phẩm là điều cần thiết. Sản phẩm không chỉ cần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà còn phải mang giá trị văn hóa, thể hiện đặc trưng vùng miền. Điển hình như Công ty TNHH MTV Vidata (Tây Sơn) sản xuất bánh tét ngũ sắc đẹp mắt từ màu tự nhiên của lá cẩm, lá gấc, lá dứa được gói và nấu kiểu truyền thống; cơ sở sản xuất bánh Minh Đức (TX Hoài Nhơn) với món bánh xôi vị lá cẩm, đậu xanh, dừa, mè trắng; Công ty TNHH Dulah với món đậu phộng rang gia vị…

Ngoài ra, các chương trình lễ hội và sự kiện kết hợp bán hàng cũng được kỳ vọng sẽ thu hút sự chú ý của khách hàng. Lễ hội thịt heo, lễ hội đồ chua, hay hội chợ Xuân ở các siêu thị đều là những ý tưởng giúp tăng tương tác giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng, tạo không khí mua sắm sôi động trước thềm năm mới.

Kích cầu thị trường hàng hóa tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại tỉnh không chỉ là nhiệm vụ kinh tế mà còn là trách nhiệm xã hội, góp phần ổn định đời sống nhân dân và giữ vững nét đẹp truyền thống Tết Việt, với sự chủ động và phối hợp chặt chẽ giữa Sở Công Thương, các DN và tiểu thương, người dân có thể yên tâm về một mùa Tết đủ đầy và nhiều niềm vui.              

HẢI YẾN - Nguồn Báo Bình Định