Năm qua, dù dịch bệnh Covid-19 hoành hành nhưng trừ những thời điểm khẩn trương phòng chống dịch bệnh, còn lại tiến độ thi công các vùng đô thị mới ở TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn… đều ổn định. Điểm đặc biệt là các khu đô thị dù nhỏ hay to đều tìm cách đan xen, hòa quyện với không gian cảnh quan rừng cây, sông biển, hồ đầm…
Phát triển đô thị hiện đại
Ở TP Quy Nhơn, khu đô thị (KĐT) Đại Phú Gia cơ bản được lấp kín với những căn biệt thự duyên dáng. Màu xanh của cây, hoa phủ ngợp từ cổng, nhiều cửa hàng, khách sạn, nhà hàng được mở ra khiến KĐT này bắt đầu căng tràn sức sống. KĐT An Phú Thịnh cũng khởi sắc với nhiều căn nhà cao tầng, chung cư thương mại được xây dựng hoàn chỉnh. Nhiều tuyến phố nội bộ với những hàng hoa điệp vàng đã đung đưa trong nắng, những rặng lim xẹt đã lên cao hứa hẹn mùa hè năm nay phố sẽ trổ hoa vàng...
Một góc Khu đô thị Đại Phú Gia (TP Quy Nhơn). Ảnh: DŨNG NHÂN
Tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Thái Huyền - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và hợp tác quốc tế, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) cho biết: "Hai năm qua, tôi có nhiều dịp về làm việc, nghiên cứu tại Bình Định. Bình Định có tốc độ phát triển đô thị khá nhanh; nhiều KĐT ven sông, đầm, biển khá ấn tượng, đặc sắc và tạo nét riêng. Bình Định đã thực hiện tốt nhiều khâu cùng lúc, đặc biệt là đồng bộ được hạ tầng kỹ thuật đường giao thông, cấp thoát nước, hệ thống điện lưới... khiến không chỉ giá trị kinh tế của dự án tăng tối đa mà còn thể hiện, nâng cao uy tín nhãn hiệu địa phương, giúp thu hút đầu tư rất tốt".
Ở TX An Nhơn, một số nơi trước đây là đồng ruộng, gò đồi, cư dân chủ yếu sinh sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp, từ khi chuyển đổi thành KĐT, đã một mặt đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân, mặt khác phát huy tối đa giá trị cộng thêm của đất đai. Sự xuất hiện của hàng trăm căn nhà liền kề, biệt thự… phân bố hợp lý tạo nên sinh khí mới cho một vùng không gian rộng lớn, hơn nữa còn tạo ra môi trường cho nhiều ngành nghề, việc làm cho dân cư, tác động tích cực đến các vùng lân cận. Với không gian xanh, sạch, đẹp, KĐT Bắc sông Tân An (phường Bình Định, TX An Nhơn) là một điển hình như vậy.
Chị Phạm Thị Hải Yến, ở lô 28, KĐT Bắc sông Tân An cho biết: "Tôi dọn về đây ở gần 1 năm thôi nhưng rất thích, sinh hoạt rất thuận tiện. Điểm dễ thấy nhất là hệ thống điện lưới, cung cấp nước sinh hoạt được quy hoạch hợp lý, rõ ràng ngay từ đầu; đặt ngầm, không giăng ngang trước căn hộ. Khuôn viên trồng nhiều cây cảnh đẹp và dễ chịu, không gian thoải mái, không khí trong lành, mọi người nghiêm túc thực hiện quy định của KĐT".
Việc triển khai hàng loạt KĐT ở TX An Nhơn vừa giải quyết bài toán an cư đang bức thiết của người dân, vừa hướng đến mục tiêu trở thành thị xã công nghiệp, thương mại, dịch vụ năng động và hiện đại theo quy hoạch phát triển chung đô thị An Nhơn đến năm 2035.
Tạo lập nét riêng, gầy dựng giá trị riêng
Toàn tỉnh có 22 dự án KĐT đã đưa vào sử dụng và đang lựa chọn nhà đầu tư, với tổng diện tích 634 ha, tổng mức đầu tư 41.763 tỷ đồng; chủ yếu phân bố tại TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn.
Ông Lê Đăng Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: "Những năm qua, lãnh đạo tỉnh quan tâm công tác quy hoạch các KĐT của tỉnh như: KĐT Khoa học và Giáo dục Quy Hòa, Quỹ đất dọc QL 19, KĐT khu vực xung quanh Tiểu chủng viện Làng Sông, Khu A - KĐT thương mại Bắc sông Hà Thanh, KĐT Long Vân… Khi quy hoạch, phát triển đô thị, tỉnh Bình Định rất quan tâm đến phát triển công viên, cây xanh và chiếu sáng; lưu tâm đến yếu tố hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Đặc biệt, TP Quy Nhơn đã có nhiều nỗ lực cải tạo công viên, trồng mới cây xanh và được vinh danh "Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2020".
Tỉnh Bình Định sẽ tập trung mọi nguồn lực để từng bước triển khai các quy hoạch xây dựng đô thị mới nhằm phát triển tỉnh Bình Định xứng tầm là một trong những trung tâm phát triển KT - XH, đóng góp tích cực vào sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng |
PGS.TS, kiến trúc sư Lê Quân, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho biết: "Sự xuất hiện của các KĐT mới ở khắp cả nước kéo theo làng lên phố, xã lên phường, nông dân thành thị dân. Quá trình ấy sẽ để lại một số hệ lụy rất khó điều chỉnh, khắc phục nếu không có những giải pháp quyết liệt bảo đảm quy hoạch và trật tự ngay từ đầu. Tôi thấy, thoạt nhìn Bình Định có vẻ là tỉnh phát triển chậm hơn Đà Nẵng, Khánh Hòa… nhưng chậm để có thể phát triển bền vững, chắc chắn là đáng quý. Bằng chứng là các đô thị mới ở Bình Định có những không gian sống xứng đáng, hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa truyền thống và hiện đại. Một điển hình là ở Bình Định, thành phố tỉnh lỵ Quy Nhơn không phải đối diện với bài toán "trả lại đường xuống biển cho người dân" như một số tỉnh thành lân cận".
Ở TX Hoài Nhơn, 7 KĐT mới sẽ được hình thành trong tương lai, như: Khu thương mại dịch vụ phía Đông đường Ngô Quyền, Khu thương mại dịch vụ và khu dân cư dọc sông Lại Giang (phường Bồng Sơn); KĐT Nam sông Lại Giang (phường Hoài Đức)… có quy mô trên 70 ha. Ông Phạm Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, cho biết: "Các dự án này phát triển các khu thương mại, dịch vụ du lịch tổng hợp và các khu dân cư cao cấp dọc hai bên bờ sông đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật với các khu vực xung quanh. Chúng tôi quyết tâm tạo nét khác biệt cho khu đô thị mới hiện đại, như xây dựng hồ cá biển lớn nhất tỉnh, quảng trường trung tâm… Tuy nhiên, nét xưa cũ vẫn được giữ lại, như hàng dừa dọc hai bên bờ sông, phục dựng cây cầu Bồng Sơn cũ…".
Nguồn Báo Bình Định