CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Ðể vốn ODA phát huy hiệu quả
Thứ ba 16/06/2020 10:47
Trong điều kiện hạn chế tối đa đầu tư công để kiềm chế lạm phát thì nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ nước ngoài thực sự là một trợ lực cho tỉnh.

Sức bật từ vốn ODA

Sở KH&ĐT cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Bình Định thu hút được 8 dự án với hơn 188 triệu USD vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)… Giám đốc Sở, ông Nguyễn Thành Hải, khẳng định: "Tỉnh tập trung thu hút nguồn vốn ODA cho những dự án có quy mô lớn, mang tính lan tỏa cao, có tính chất liên vùng. Từ nguồn vốn này, các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng, khắc phục hậu quả thiên tai được xây dựng, tạo nền tảng để phát triển KT-XH".

Cụm xử lý nước rỉ rác Long Mỹ công suất 400 m3/ngày đêm được xây dựng từ nguồn vốn vay Dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên hải - Tiểu dự án TP Quy Nhơn.

Năm 2016, Bình Định hứng chịu 5 đợt lũ, thiệt hại nặng về hạ tầng giao thông, thủy lợi và dân sinh, ước tính đến 2.214 tỷ đồng. Dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung - tỉnh Bình Định được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 3.2017, với tổng mức đầu tư 58,24 triệu USD (gồm vốn vay WB 52 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách tỉnh 6,24 triệu USD). Dự án gồm 9 dự án thành phần, tương ứng với 53 hạng mục công trình đầu tư, đến nay đã thi công hoàn thành 25/53 hạng mục. Ông Nguyễn Nhật Tiến, Phó Chánh văn phòng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, cho hay: Với nguồn vốn lớn từ ODA, tỉnh có thêm nguồn lực để sửa chữa, khắc phục và nâng cấp các công trình như đê, kè sông, đập dâng, kênh tưới tiêu, công trình hạ tầng giao thông.

Giai đoạn 2021 - 2025, Bình Ðịnh dự kiến sẽ triển khai thực hiện 12 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, trong đó có 6 dự án chuyển tiếp và 6 dự án khởi công mới. Tỉnh tập trung đề xuất dự án phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH, thích ứng biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh… Tổng nhu cầu vốn cho 12 dự án khoảng hơn 5.000 tỷ đồng. 

 

Trong khi đó, dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP Quy Nhơn được WB tài trợ, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư thực hiện từ năm 2018 - 2020, đang được triển khai đúng tiến độ với các gói thầu xây dựng hai cầu chữ Y và cầu Huỳnh Tấn Phát, cống hộp thay thế kênh hở Phú Hòa, cụm xử lý nước rỉ rác Long Mỹ, nhà vệ sinh trường học. Trong giai đoạn 2 (2020 - 2022), dự án tiếp tục triển khai 6 gói thầu xây lắp: Cải tạo cống chung thoát nước thượng lưu hồ Bàu Sen và đường Bạch Đằng; xây dựng các tuyến cống hộp tại khu vực hóc Bà Bếp; mở rộng nâng công suất nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình lên 28.000 m3/ngày đêm; mở rộng khu chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ… "Dự án được triển khai đã giải quyết được bài toán khó về môi trường đô thị ở thành phố, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường. WB đã đánh giá, dù nguồn vốn được phân bổ chậm nhưng dự án ở TP Quy Nhơn có thể hoàn thành vượt tiến độ", ông Lê Văn Lịch - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, nhấn mạnh.

Thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn

Việc thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Tổng nguồn vốn huy động trong giai đoạn 2016 - 2020 chưa đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư cấp thiết của tỉnh và còn thấp so với bình quân cả nước. Tỉnh chưa thu hút được các nhà tài trợ nguồn lực lớn như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), các ngân hàng hoặc quỹ phát triển thuộc khối liên minh châu Âu (EU), các tài trợ song phương.

Trong điều kiện hạn chế tối đa đầu tư công để kiềm chế lạm phát thì nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ nước ngoài thực sự là một trợ lực cho tỉnh.

Ông Nguyễn Thành Hải cho biết, một vướng mắc rất lớn hiện nay là việc ký các hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ thường kéo dài, ảnh hưởng đến việc bố trí kế hoạch vốn giai đoạn trung hạn và hàng năm cho các dự án. Khoảng thời gian từ khi làm thủ tục cho đến triển khai thực hiện kéo dài 2 - 3 năm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng cho rằng, để thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, các bộ, ngành Trung ương cần chia sẻ thông tin về xu hướng, lĩnh vực nhà tài trợ đang quan tâm để các địa phương nắm bắt, thu hút nguồn lực. Đề nghị Bộ KH&ĐT sớm trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và vốn vay của các nhà tài trợ nước ngoài; Nghị định 132/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 16/2016/NĐ-CP phù hợp Luật Đầu tư công. Trong đó, Bộ KH&ĐT xem xét, đơn giản hóa thủ tục liên quan dự án ODA, tránh tình trạng kéo dài thời gian chuẩn bị dự án, quyết định, ký hiệp định và giao kế hoạch vốn.     

THU HIỀN - Nguồn Báo Bình Định