Quyết định 734/QÐ-TTg ngày 31.7.2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Bình Ðịnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh. Phóng viên Báo Bình Ðịnh có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở KH&ÐT, về những nội dung chính của kế hoạch nói trên và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Bình Ðịnh trong thời gian tới.
• Quyết định số 734/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bao gồm những nội dung chính nào, thưa ông?
Giám đốc Sở KH&ĐT LÊ HOÀNG NGHI
|
- Theo Quyết định thì Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh có 4 nội dung, gồm: Dự án đầu tư công, dự án sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, kế hoạch sử dụng đất, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Theo đó, đối với dự án đầu tư công, tập trung triển khai thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng khung (hạ tầng giao thông, thông tin truyền thông, hạ tầng KHCN đổi mới sáng tạo...) để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế khác đầu tư vào các lĩnh vực phục vụ phát triển KT-XH. Đồng thời, thực hiện các dự án nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đảm bảo ổn định sản xuất, an toàn nguồn nước, an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo bền vững của địa phương.
Cùng với đó, triển khai các dự án cần thiết đầu tư để đồng bộ giữa quy hoạch tỉnh và các quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia khác có liên quan đến tỉnh Bình Định, nhằm bảo đảm phát huy hiệu quả, sức lan tỏa và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh phù hợp với nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.
Có 141 dự án ưu tiên đầu tư thực hiện trong quy hoạch tỉnh dự kiến sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, được phân kỳ đầu tư trong giai đoạn 2021- 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Cụ thể, có 37 dự án trên lĩnh vực giao thông. Các lĩnh vực hạ tầng an sinh xã hội, hạ tầng thương mại, hạ tầng KHCN và đổi mới sáng tạo, kết nối hạ tầng khu vực đặc biệt khó khăn, mỗi lĩnh vực có 3 dự án. Hai lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng thủy lợi, cấp thoát nước, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, mỗi lĩnh vực có 23 dự án. Ngoài ra, có 4 dự án trên lĩnh vực quản lý nhà nước, 17 dự án hạ tầng y tế, 5 dự án hạ tầng giáo dục, 11 dự án hạ tầng văn hóa thể thao, 9 dự án về môi trường.
Về dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công; đồng thời thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các vùng động lực, trục hành lang động lực của tỉnh.
Danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 dự kiến vốn ngoài ngân sách có 132 dự án, trong đó có 65 dự án trên lĩnh vực bất động sản, dịch vụ, thương mại và du lịch.
- Trong ảnh: Phát triển đô thị khu vực ven đầm Thị Nại (TP Quy Nhơn). Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 và 2026- 2030 dự kiến vốn ngoài ngân sách có 132 dự án. Cụ thể, có 29 dự án trên lĩnh vực công nghiệp; 65 dự án trên lĩnh vực bất động sản, dịch vụ, thương mại và du lịch; 7 dự án trên lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản; lĩnh vực xã hội hóa giáo dục, TDTT có 4 dự án; hạ tầng thông tin và truyền thông có 3 dự án; lĩnh vực cảng biển có 9 dự án, bao gồm cả dự án cảng cạn Thị Nại và cảng cạn Quy Nhơn. Các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, y tế, môi trường, mỗi lĩnh vực có 5 dự án.
• Ông có thể thông tin thêm về nguồn lực, cơ cấu các nguồn vốn mà tỉnh cần huy động để thực hiện quy hoạch tỉnh?
- Về nguồn lực thực hiện quy hoạch, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP là 8,5% bình quân hằng năm trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, tỉnh Bình Định dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng từ 800 - 850 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu vốn giai đoạn 2021 - 2025 bao gồm nguồn vốn khu vực nhà nước chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư, tương đương 70.000 tỷ đồng; nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước chiếm 76,2%, tương đương 250 nghìn tỷ đồng; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 2,5%, tương đương 8.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 - 2030, nguồn vốn khu vực nhà nước chiếm 21%, tương đương 110 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước chiếm 76,6%, tương đương 400 nghìn tỷ đồng; vốn FDI chiếm 2,3%, tương đương 12.000 tỷ đồng.
• Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Bình Định trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
- Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh nêu rõ 9 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển; thu hút đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ môi trường; tăng trưởng xanh và bền vững; phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo; bảo đảm nguồn lực tài chính; bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo Quyết định số 734/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bình Định có 9 dự án lĩnh vực cảng biển được ưu tiên đầu tư.
- Trong ảnh: Cảng Quy Nhơn đón tàu hàng có trọng tải lớn vào cảng. Ảnh: TIẾN DŨNG
Mỗi lĩnh vực đều có những nhóm giải pháp, riêng đối với công tác thu hút đầu tư phát triển, Bình Định nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo nguồn thu cho ngân sách; đồng thời xây dựng cơ chế chính sách đột phá phù hợp với quy định của pháp luật để thu hút các nhà đầu tư chiến lược làm động lực thúc đẩy phát triển KT-XH.
Bình Định phải nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu du lịch, khu, cụm công nghiệp và thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư đúng tiến độ đề ra. Đồng thời, tăng cường và tổ chức hội nghị đối thoại giữa DN và các cấp chính quyền; thường xuyên theo dõi, rà soát, đánh giá các hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư; thu thập ý kiến và kịp thời giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, tỉnh xây dựng hệ thống thông tin phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; rà soát, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ công việc cũng như việc thẩm định, cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để triển khai nhanh các dự án; đồng thời rà soát, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án triển khai chậm, kém hiệu quả...
• Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện) - Nguồn Báo Bình Định