CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Chủ động phòng, chống dịch tả heo châu Phi
Thứ ba 06/08/2024 10:42

Dịch tả heo châu Phi đang bùng phát ở nhiều địa phương trong nước. Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), cho biết ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan vào địa bàn; cử nhân viên thú y xuống cơ sở hướng dẫn nông dân cách chăm sóc đàn heo đúng cách.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Ảnh: T.LỢI

 

*Ông có thể cho biết, tình hình chăn nuôi heo của bà con nông dân trong tỉnh như thế nào?

- Hiện nay, tổng đàn heo toàn tỉnh hơn 621 nghìn con, giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng sản lượng thịt heo xuất chuồng ước đạt hơn 80.700 tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, các nông hộ, DN thả heo nuôi bán thịt từ tháng 4 đến tháng 5 năm nay đã xuất chuồng khi heo vừa đủ trọng lượng. Đây là quãng thời gian giá heo hơi duy trì ở mức cao, bình quân từ 60.000 - 62.000 đồng/kg. Do đó, đa phần người chăn nuôi heo, nhất là các trang trại chăn nuôi đảm bảo điều kiện an toàn sinh học giai đoạn này đều lãi và chuẩn bị tái đàn, phục vụ những tháng cuối năm 2024. Tuy vậy, các nông hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ, xuất chuồng từ tháng 5 về trước hầu như chịu lỗ do giá heo xuống thấp nên tâm lý còn dè dặt chưa mạnh dạn tái đàn vì thiếu vốn đầu tư.

* Lúc này, nguy cơ lây lan dịch bệnh vào Bình Định rất cao, đặc biệt khi Quảng Ngãi đã xuất hiện nhiều ổ dịch tả heo châu Phi. Ngành Chăn nuôi và Thú y đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ra sao?

- Từ đầu năm 2024 đến nay, theo thông tin của Bộ NN&PTNT, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 660 ổ dịch ở 44 tỉnh, thành trong cả nước, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Đến nay, tại Bình Định, tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế, nhưng mầm bệnh các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vẫn còn tồn tại trong môi trường. Thêm vào đó, thời tiết vẫn đang diễn biến bất thường, ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng, phát triển và sức đề kháng của đàn vật nuôi. Nguy cơ dễ tái phát dịch bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh là rất cao, nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi.

Trước tình hình đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phân công lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn phối hợp với các địa phương hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác tiêm phòng, phòng, chống dịch bệnh động vật; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Kiện toàn tổ cơ động chống dịch của Sở NN&PTNT, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương tổ chức chống dịch khi xảy ra. Tăng cường hoạt động kiểm tra, phúc kiểm động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập, quá cảnh qua địa bàn tỉnh tại các chốt kiểm dịch động vật, đầu mối giao thông cũng như công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển tại gốc. Kiểm tra hoạt động mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm tại các cơ sở giết mổ, các chợ trên địa bàn tỉnh.

Chi cục còn phối hợp với các trung tâm dịch vụ nông nghiệp xây dựng nội dung tuyên truyền, hướng dẫn quy trình chăn nuôi, chăm sóc, nuôi dưỡng và biện pháp phòng bệnh cho đàn vật nuôi, cung cấp cho các cơ quan liên quan, phục vụ tuyên truyền, giúp bà con chăn nuôi thay đổi hành vi, chủ động thực hiện.

Kiểm soát vận chuyển, kiểm tra vệ sinh thú y cho đàn heo trước khi di chuyển ra khỏi huyện Hoài Ân. Ảnh: ĐVCC

* Chi cục đã hướng dẫn người chăn nuôi heo các biện pháp chăm sóc, phòng chống dịch như thế nào?

- Để bảo vệ sức khỏe cho đàn vật nuôi, Chi cục đề nghị người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Cụ thể: Theo dõi thông tin tình hình dịch bệnh để sớm thực hiện biện pháp phòng, chống, ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài vào cơ sở chăn nuôi; heo nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh; trước khi nhập đàn, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo phương thức “cùng vào - cùng ra”. Sử dụng nước cho chăn nuôi phải đảm bảo an toàn. Thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng và an toàn. Bổ sung khoáng, vitamin nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Định kỳ vệ sinh tiêu độc sát trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi ít nhất 2 lần/tuần và phun thuốc sát trùng trong chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần.

Đặc biệt, phải hạn chế tối đa người ngoài ra, vào khu vực chuồng nuôi. Kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi; có lưới bao xung quanh chuồng nuôi và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian truyền bệnh (chuột, chim, ruồi, muỗi…). Các phương tiện vận chuyển trước và sau khi vào chuồng nuôi phải được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Trường hợp phát hiện đàn vật nuôi có biểu hiện bất thường, nghi dịch bệnh báo cáo ngay cho nhân viên thú y cấp xã hoặc chính quyền địa phương để phối hợp kiểm tra, xử lý, hạn chế dịch lây lan diện rộng.

* Xin cảm ơn ông!

TRỌNG LỢI (Thực hiện) - Nguồn Báo Bình Định