Tỉnh Bình Ðịnh đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn vi phạm những quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) với tinh thần quyết tâm cao, làm thực chất. Ðồng thời, tỉnh xem đây là cơ hội sắp xếp lại ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững, ổn định, vừa đảm bảo lợi ích của người dân, vừa bảo vệ được vị thế, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo kế hoạch, giữa tháng 10.2023, Ðoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) làm việc với Việt Nam lần thứ 4 về việc tháo gỡ thẻ vàng hải sản. Tỉnh Bình Ðịnh là địa phương có nhiều nỗ lực thực hiện các nhóm khuyến nghị của EC, đồng thời luôn trong tâm thế sẵn sàng đón và làm việc với Ðoàn Thanh tra EC trong trường hợp đoàn chọn Bình Ðịnh là nơi kiểm tra trực tiếp. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã trao đổi với ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh Bình Ðịnh về IUU, xung quanh vấn đề này.
● Thưa ông, đến thời điểm này, tỉnh Bình Ðịnh đã thực hiện các khuyến nghị của EC như thế nào?
- Thực hiện chỉ đạo của bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh, Sở NN&PTNT cùng các đơn vị, sở, ngành, các địa phương nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm IUU. Riêng với Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, chúng tôi liên tục tổ chức nhiều đợt kiểm tra ở các địa phương, các cảng cá để giám sát việc tuân thủ, đồng thời hình thành trong ngư dân suy nghĩ mới về hoạt động khai thác hải sản.
Ông Trần Văn Phúc (thứ hai từ phải sang) trao đổi với Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng BĐBP Việt Nam (thứ ba từ phải sang) về công tác đối chiếu nhật ký khai thác tại cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: THU DỊU
Bước đầu đã ghi nhận nhiều kết quả khả quan. Tỉnh ta hiện có 5.592 tàu cá dài từ 6 m trở lên đã đăng ký, trong đó có 4.213 tàu cá thuộc diện đăng kiểm hằng năm. Hiện 78,59% tàu cá đã có đăng kiểm; 87% tàu có giấy phép khai thác; 98,97% đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Công tác kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng đảm bảo đúng quy định; việc xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đảm bảo đúng quy trình và tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay không có lô hàng nào được tỉnh Bình Định chứng nhận bị trả về.
Chúng tôi kiểm tra, làm việc với các địa phương ven biển và thấy rõ chính quyền các cấp đã nỗ lực hết sức, các giải pháp, các cách làm tốt đều đã được triển khai. Ðến nay, tỉnh Bình Ðịnh là địa phương đi đầu trong việc gặp gỡ với ngư dân xa quê, vừa hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho bà con, vừa tuyên truyền, hướng tới mục tiêu ngăn chặn vi phạm.
Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Bình Ðịnh đã cử 5 đoàn công tác gặp gỡ trực tiếp ngư dân có tàu cá thường xuyên di chuyển ngư trường hoạt động ở các tỉnh phía Nam hằng năm không đưa tàu về địa phương để tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài. Tỉnh Bình Ðịnh cũng là địa phương chủ động xây dựng các bộ quy chế phối hợp với các tỉnh trong quản lý tàu cá.
Song tỉnh Bình Ðịnh chưa đạt được 100% các khuyến nghị của EC.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh ta có 4 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Ðây là tồn tại mấu chốt của vấn đề, trăn trở lớn của chúng tôi. Với tinh thần quyết tâm cao, từ đây cho tới lúc Ðoàn công tác EC về làm việc, chúng tôi tiếp tục triển khai các biện pháp để hạn chế tối đa các vi phạm, đáp ứng được nhiều nhất các yêu cầu của EC.
● Chúng ta đều thấy phía EC rất quan tâm đến việc thực thi pháp luật trên biển...
- Ðúng vậy, đây là một trong 4 khuyến nghị mà EC đã nêu ra để phía Việt Nam khắc phục. Trên tinh thần đó, ở tỉnh Bình Ðịnh, vấn đề này đã có nhiều chuyển biến tốt hơn trước.
Cụ thể, về xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, chúng tôi chuyển toàn bộ thông tin để lực lượng biên phòng hoàn chỉnh hồ sơ và thực hiện đúng quy định. Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh tiến hành củng cố hồ sơ và xử phạt các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài.
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở NN&PTNT cùng các tổ IUU đã tổ chức 25 chuyến tuần tra, kiểm tra trên biển; trực tiếp kiểm tra 162 lượt tàu cá; đã xử phạt vi phạm hành chính 63 trường hợp với các vi phạm, như: Không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 - 24 m; không thực hiện đúng quy định khi thiết bị giám sát hành trình bị hỏng; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trên tàu cá hết hạn, ghi không đúng nhật ký khai thác tàu cá, vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản… Số tiền xử phạt vi phạm lên đến hơn 1 tỷ đồng.
Hiện Sở vẫn đang triển khai đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm khai thác IUU tại các vùng biển, các cảng cá trên địa bàn tỉnh. Tập trung điều tra, xác minh, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác IUU; trong đó xác minh, xử lý dứt điểm tàu cá từ 24 m trở lên mất kết nối trên 10 ngày theo thông báo của Cục Thủy sản, hoàn thành trước ngày 30.9.2023; kiểm tra, xử lý 100% vi phạm về nhật ký khai thác, tàu cá hoạt động sai vùng, vượt ranh giới trên biển, ngắt kết nối VMS… Đặc biệt là xử lý nghiêm khắc vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đảm bảo đầy đủ hồ sơ xử lý theo quy định. Báo cáo kết quả xử phạt vi phạm khai thác IUU, cung cấp hồ sơ xử lý theo yêu cầu Đoàn Thanh tra của EC, cập nhật đầy đủ kết quả xử phạt vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
● Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Bộ, ngành Trung ương cần đồng hành nhiều hơn với địa phương
Rõ ràng, tỉnh Bình Định đang dốc sức trong việc ngăn chặn vi phạm IUU, song khiếm khuyết vẫn còn đó... Ta nghiêm túc, quyết tâm rất cao, hành động với tinh thần vì một nghề cá phát triển bền vững, không làm kiểu đối phó, nên có thể tự tin báo cáo rõ kết quả đã thực hiện được, đồng thời chỉ rõ những nguyên nhân khiến vẫn còn khiếm khuyết. Công bằng mà nói, những khiếm khuyết đó phần nhiều vượt khỏi tầm với của tỉnh ta.
Tôi nghĩ, để ngăn chặn và chấm dứt triệt để vi phạm, ngoài nỗ lực và quyết tâm của các địa phương, bộ, ngành Trung ương cần đồng hành nhiều hơn với địa phương. Phía tỉnh Bình Định đề xuất bộ, ngành Trung ương tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển (kiểm ngư), tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tàu cá hoạt động sai vùng, sai tuyến và tại các vùng biển giáp ranh với các nước trong khu vực để kịp thời bảo vệ, ngăn chặn và xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước.
Kiến nghị với bộ, ngành Trung ương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương, nhất là các tỉnh ở phía Nam tăng cường công tác tuyên truyền, kết hợp kiểm tra, kiểm soát, quản lý nghiêm đối với nhóm tàu cá ngoài tỉnh xuất, nhập bến thường xuyên tại các địa phương, đặc biệt là các tàu cá có chiều dài từ 12 - 15 m hoạt động ở vùng lộng không được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để phòng ngừa, hạn chế, ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Giám đốc Sở NN&PTNT TRẦN VĂN PHÚC
THU DỊU (Thực hiện) - Nguồn Báo Bình Định