CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku: Ðẩy nhanh tiến độ từ bước lập dự án
Thứ sáu 11/04/2025 10:03

Ðể đảm bảo tiến độ và chất lượng Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, các bộ, ngành Trung ương cùng UBND tỉnh và các cơ quan liên quan đã và đang tích cực hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư, phấn đấu khởi công dự án vào cuối năm 2025.

Cam kết mạnh mẽ từ địa phương

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn- Pleiku có tổng chiều dài khoảng 125 km, đi qua tỉnh Bình Định (40 km) và tỉnh Gia Lai (85 km), điểm đầu tại xã Nhơn Mỹ (TX An Nhơn) và điểm cuối tại xã Ia Kênh (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai). Với quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, dự án dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 43.510 tỷ đồng.

Hướng tuyến Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku ở phía Nam QL 19 vào khu vực địa hình khó khăn đèo An Khê. Ảnh: HẢI YẾN

Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Xây dựng) là đơn vị được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đến nay hồ sơ đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 15/TTr-BXD ngày 31.3.2025.

Ông Cao Việt Hùng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2, cho biết: Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bình Định và Gia Lai để cập nhật các yếu tố thực tiễn; đồng thời kiến nghị một loạt cơ chế đặc thù, tương tự các dự án cao tốc Bắc - Nam, nhằm tạo điều kiện thuận lợi triển khai. Các chính sách đáng lưu ý gồm: Khai thác vật liệu xây dựng, chỉ định thầu, bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất lúa... Dự án đi qua nhiều địa hình phức tạp như khu vực đèo An Khê, đập Văn Phong, rừng phòng hộ…, do đó, Ban phải chuẩn bị kỹ lưỡng về phương án thiết kế và bố trí công trình kỹ thuật. Trên địa phận Bình Định, tuyến sẽ giao cắt với cao tốc Bắc - Nam đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn tại km 55+500, đồng thời có 2 nút giao liên thông với QL 19 và QL 19B.

Tại cuộc họp ngày 4.4 do UBND tỉnh Bình Định tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp bách của dự án, đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh sẵn sàng vào cuộc đồng bộ, chủ động. Tỉnh cam kết bố trí 750 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác cho công tác giải phóng mặt bằng; yêu cầu các địa phương chủ động rà soát quỹ đất tái định cư, phối hợp với Ban Quản lý dự án 2 sớm bàn giao mốc, tim tuyến ngoài thực địa, bảo đảm tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn tất trong năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đề nghị Ban Quản lý Dự án 2 phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của tỉnh cập nhật quy hoạch các công trình cầu, cống, hầm chui, đường gom để hồ sơ khả thi phù hợp thực tế, đồng thời tổ chức khảo sát đầy đủ các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải, khu tái định cư, cải táng...

UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án các công trình giao thông và dân dụng tỉnh làm đầu mối phối hợp thực hiện dự án, xây dựng kế hoạch chi tiết công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư theo từng hạng mục cụ thể, đảm bảo đồng bộ, không để ách tắc thi công.

Tính toán hợp lý, đảm bảo khả thi

Theo hồ sơ tiền khả thi, tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 942,15 ha; trong đó có 324,88 ha đất rừng phải chuyển đổi mục đích sử dụng, gần 150 ha đất trồng lúa 2 vụ, ảnh hưởng đến 3.013 hộ dân. Chi phí dự kiến cho công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư khoảng 4.715 tỷ đồng.

Hướng tuyến Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku ở phía Nam QL 19 vào khu vực địa hình khó khăn đèo An Khê. Ảnh: HẢI YẾN

Trên địa bàn tỉnh Bình Định sẽ xây dựng một trạm dừng nghỉ tại xã Bình Tường (huyện Tây Sơn), 2 nút giao liên thông, hệ thống chiếu sáng tại các cầu lớn, nút giao, công trình hầm. Riêng Dự án thành phần 1 (km 0+000 đến km 22+000) thuộc hoàn toàn địa bàn tỉnh Bình Định có tổng mức đầu tư khoảng 6.888 tỷ đồng, UBND tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng xem xét giao tỉnh Bình Định làm cơ quan chủ quản triển khai để chủ động, kịp thời.

Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku khi hoàn thành sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa miền biển và vùng Tây Nguyên, tạo động lực liên kết vùng, thúc đẩy giao thương, phát triển KT-XH cho cả hai tỉnh Bình Định và Gia Lai, đồng thời tăng cường tính kết nối quốc tế qua cửa khẩu Lệ Thanh và các trục giao thông Đông - Tây.

Tỉnh Bình Định xác định dự án là nhiệm vụ chính trị trọng tâm giai đoạn 2025 - 2030, đồng thời huy động tổng lực hệ thống chính trị cùng vào cuộc để xử lý kịp thời các phát sinh, đặc biệt là về đất đai, bồi thường, vật liệu xây dựng…

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Cao Việt Hùng chia sẻ: Chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp tích cực, cầu thị của UBND tỉnh Bình Định. Với sự vào cuộc quyết liệt từ đầu, dự án có nhiều điều kiện để khởi công vào tháng 12.2025 và hoàn thành vào năm 2029 như kế hoạch đã trình.  

Bộ Xây dựng dự kiến chia Dự án thành 3 dự án thành phần:

- Dự án thành phần 1 (km 0+000 - km 22+000) dài khoảng 22 km, thuộc địa phận tỉnh Bình Định; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 6.888 tỷ đồng; UBND tỉnh Bình Định làm cơ quan chủ quản thực hiện.

- Dự án thành phần 2 (km 22+000 - km 90+000) dài khoảng 68 km, thuộc địa phận tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 27.462 tỷ đồng; Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản thực hiện.

- Dự án thành phần 3 (km 90+000 - km 125+000) dài khoảng 35 km, thuộc địa phận tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 27.462 tỷ đồng; UBND tỉnh Gia Lai làm cơ quan chủ quản thực hiện.

Nguồn Báo Bình Định