Ngày 1.1.2023, công trình đường bộ cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Bình Ðịnh dài 118,8 km thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Ðông giai đoạn 2021 - 2025 khởi công. Tỉnh Bình Ðịnh đặt quyết tâm chính trị cao nhất, dồn toàn lực để bàn giao mặt bằng dự án đúng kế hoạch.
7 tháng - tính từ thời điểm khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Ðông giai đoạn 2021 - 2025 đến nay, hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã, thôn nơi có cao tốc đi qua làm việc hết công suất, với mục đích có đủ mặt bằng sạch bàn giao cho chủ đầu tư.
Để triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua địa bàn, tỉnh Bình Định phải thu hồi 1.674 ha đất thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố; di dời, tái định cư (TĐC) 1.439 hộ, đồng thời bố trí 43 khu TĐC với tổng diện tích hơn 118,7 ha.
Nghị quyết 18 của Chính phủ yêu cầu hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án trong quý II/2023, song…
Tập trung gỡ vướng cho giải tỏa trắng
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trục xương sống đoạn đường thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lập Ban chỉ đạo và phát động chiến dịch hoàn thành công tác GPMB dự án đường cao tốc; lập các tổ công tác xuống làm việc với 8 huyện, thị xã, thành phố và các địa phương để thống nhất về phương pháp, tiến độ triển khai, vận động, tuyên truyền các hộ dân, tổ chức bàn giao mặt bằng phục vụ dự án.
Công tác chỉ đạo GPMB dự án được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng trực tiếp phụ trách, tập trung cao độ kiểm tra, đánh giá hằng tuần.
Công trường thi công tuyến đường cao tốc phần đi qua huyện Hoài Ân.
Không thể phủ nhận những cố gắng, sự tập trung và tinh thần trách nhiệm của các địa phương, song về tổng thể, Bình Định vẫn chưa đạt yêu cầu Nghị quyết 18 của Chính phủ khi mặt bằng tuyến chính mới bàn giao đạt 91%, phần còn lại tuy ít nhưng thuộc loại “khó nhằn”, nhiều phát sinh trong giải tỏa trắng.
“Cả hệ thống chính trị tập trung cho dự án. Đặc biệt tập trung cao độ cho các khu TĐC, đến ngày 30.7.2023 phải cơ bản hoàn thành, xét cấp đất cho các hộ dân, đặc biệt chú ý phải đảm bảo công bằng trong việc này. Trong tháng 8.2023, các địa phương phải di dời toàn bộ hạ tầng kỹ thuật khác để bàn giao mặt bằng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chỉ đạo.
Có 27,7 km đường thuộc đoạn tuyến của dự án đi qua địa bàn, khối lượng GPMB tại TX Hoài Nhơn rất nặng khi có tới hơn 4.100 hộ dân thuộc diện giải tỏa. Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn Phạm Trương cho hay: Chúng tôi thành lập 9 tổ phản ứng nhanh đặt tại trụ sở các thôn, khu phố và xã, phường để tuyên truyền, vận động những hộ dân chưa thống nhất phương án đền bù GPMB. Các tổ đến từng nhà dân ngoài giờ hành chính để tuyên truyền; tận dụng mạng xã hội zalo, facebook… thông tin công khai, minh bạch các quy định, cơ chế, chính sách, đơn giá bồi thường GPMB. Nhờ đó, người dân hiểu, nắm bắt rõ, đồng thuận.
Đến cuối tháng 7.2023, Hoài Nhơn đã hoàn tất công tác bồi thường, GPMB, chi trả 813.135 tỷ đồng cho dân; bàn giao 29,04/29,27 km tuyến chính. Ông Dương Bá Kim (ở xã Hoài Sơn), người có 3.000 m2 đất ruộng, đất ở và giải tỏa trắng 2 căn nhà, được bồi thường gần 3 tỷ đồng và 2 lô đất TĐC 400 m2, chia sẻ: Có chút buồn khi dời khỏi nơi chôn rau cắt rốn, nhưng cứ nghĩ dự án mang lại lợi ích cho quốc gia, cho người dân thì gia đình tôi vui vẻ ủng hộ. Tôi chấp thuận và vận động người dân xung quanh mình cùng thực hiện. Cao tốc xây xong, giao thương, đi lại thuận tiện hơn, cuộc sống của con cháu mình phải khá giả, đầy đủ, làm ăn tốt hơn!
Trong khó khăn của câu chuyện giải tỏa trắng 21/691 hộ dân bị ảnh hưởng, ông Nguyễn Đình Bản - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoài Sơn, cho hay: Chúng tôi công khai mọi thông tin liên quan đến dự án, cơ chế, chính sách và phương án đền bù, GPMB ở thôn, xã, trong các cuộc họp tiếp xúc, đối thoại, tạo cho người dân niềm tin vào hệ thống chính trị, ủng hộ, đồng tình di dời. Đến nay Hoài Nhơn đã hoàn thành 100% GPMB.
Tại huyện Phù Mỹ, là một trong những hộ bị ảnh hưởng bởi dự án, ông Huỳnh Quang Hải (ở thôn Bình Tân Tây, xã Mỹ Hiệp) đã chủ động bàn giao hơn 500 m2 đất sản xuất. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hải bày tỏ: Qua nhiều lần tiếp xúc, trao đổi với ngành chức năng và chính quyền địa phương, tôi và bà con hiểu rõ việc xây dựng cao tốc sẽ giúp giao thương thuận lợi, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển, mức đền bù như thế cũng hợp lý vì thế ai cũng ủng hộ, tích cực phối hợp để công tác kiểm kê, áp giá đền bù diễn ra thuận lợi.
Đến ngày 20.7.2023, huyện Phù Mỹ đã phê duyệt 39 phương án đền bù, GPMB với hơn 565 tỷ đồng chi trả cho 12 tổ chức và 1.597 hộ dân (đạt 100%); tổng diện tích thu hồi trên 124,2 ha (100%). Huyện đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư 18,56 km, đạt 96% chiều dài toàn tuyến qua các xã Mỹ Trinh, Mỹ Hòa, Mỹ Hiệp. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Dũng cho biết: Chúng tôi đặc biệt tập trung công tác tuyên truyền, phố biến, giải thích cho người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của dự án; công khai thông báo thu hồi đất với các tổ chức, người dân nằm trong phạm vi phải thu hồi đất để cùng đồng thuận; hỗ trợ các thủ tục cần thiết khi thực hiện chính sách đền bù, GPMB. Chính sách đền bù, GPMB được thực hiện công khai, minh bạch; các yêu cầu chính đáng của người dân đều được giải quyết kịp thời.
Không để dân bị thiệt
Cuối tháng 7.2023, chúng tôi đi cùng tổ công tác của huyện Phù Cát do Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Quốc Nghị dẫn đầu, đến hộ ông Đinh Văn Hưng (SN 1972, ở thôn Hòa Đại, xã Cát Hiệp) - một trong số ít hộ chưa đồng thuận phương án đền bù GPMB.
Ông Hưng nói: Phần diện tích của gia đình bị ảnh hưởng là 185 m2 (90 m2 đất thổ cư, còn lại là đất vườn và đất khai hoang), tôi thấy khoản đền bù thấp, chưa thỏa đáng. Đến giờ, lãnh đạo huyện xuống trao đổi kỹ càng và cùng chia sẻ với đề xuất đổi 90 m2 đất thổ cư để lấy 1 lô TĐC 250 m2 ở khu TĐC Hòa Đại, phần đất vườn và đất khai hoang tính theo giá bồi thường của dự án nên tôi đồng ý.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Bùi Quốc Nghị (bìa phải) trực tiếp làm việc và lắng nghe đề xuất của ông Đinh Văn Hưng (ngồi giữa), ở thôn Hòa Đại, xã Cát Hiệp, về việc đền bù giải phóng mặt bằng.
Ông Bùi Quốc Nghị cho hay, tuyến cao tốc dài 9,2 km đi qua 2 xã Cát Hiệp, Cát Hanh; còn rất ít trường hợp như ông Hưng. Cùng với xã, huyện đến tận nơi lắng nghe từng trường hợp cụ thể và linh hoạt phương án để không thiệt cho người dân. Địa phương cố gắng cân bằng, thu hồi diện tích đất bao nhiêu thì bố trí TĐC bấy nhiêu, hạn chế thấp nhất việc người dân phải đóng thêm tiền khi đến nơi ở mới. Ngày 10.7.2023, UBND tỉnh có Quyết định 30, hỗ trợ 3 lần đất khai hoang đã giúp các địa phương gỡ vướng đền bù, GPMB đất khai hoang cho dân.
Đến nay, huyện Tuy Phước đã duyệt 14 phương án đền bù, GPMB với tổng giá trị 132,2 tỷ đồng cho 995 trường hợp bị ảnh hưởng (đạt 95,4%). Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Xuân nhấn mạnh: Lòng dân thuận thì mọi việc mới thông. Chúng tôi xác định thực hiện dự án không thể thiếu sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Ngay khi khởi động, điều đầu tiên và quan trọng nhất là tuyên truyền vận động sao cho được lòng dân. Riêng xã Phước Thành là xã miền núi, người dân có tâm tư áp giá đền bù GPMB thấp hơn vùng khác, huyện cùng với xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân hiểu.
“Đây là dự án lớn, khi hoàn thành sẽ tạo động lực để phát triển kinh tế cho bà con. Vì vậy, đến nơi ở mới sẽ có nhiều thay đổi, nhưng chúng tôi tin là sẽ làm quen và thích ứng tốt, ủng hộ hết sức để dự án được thông suốt”, ông Phạm Đình Nghĩa (60 tuổi, thôn Bình An 1, xã Phước Thành) - một trong những hộ dân giải tỏa trắng trên tuyến chính cao tốc, bày tỏ.
NHÓM PV KINH TẾ - XÃ HỘI - Nguồn Báo Bình Định