CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ÐỘNG SỐ 11-CTr/TU CỦA TỈNH ỦY: Tạo thay đổi toàn diện trong sản xuất nông nghiệp
Thứ ba 27/06/2023 08:00

Qua hơn 2 năm thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh giai đoạn 2020 - 2025”, ngành nông nghiệp ghi nhận nhiều thay đổi tích cực và toàn diện. Phóng viên Báo Bình Ðịnh có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, về kết quả thực hiện và nhiệm vụ, giải pháp nhằm đảm bảo các mục tiêu mà Chương trình hành động đề ra.

Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc

Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025” là 1 trong 7 chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về kết quả triển khai Chương trình hành động số 11 của Tỉnh ủy trong thời gian qua?

- Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU của Tỉnh ủy (gọi tắt là Chương trình hành động số 11), toàn ngành ghi nhận sự thay đổi khá toàn diện ở mọi lĩnh vực.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực nhằm từng bước tạo dựng một nền nông nghiệp xanh, sinh thái, trách nhiệm, bền vững; chuyển dần từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, tích hợp đa tầng giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, đã chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn và sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Kết quả, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh 2010) bình quân 2 năm 2021 - 2022 ước tăng 3,21%.

Khu nuôi tôm thẻ thương phẩm ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Việt Úc tại Phù Mỹ.

Theo ông, “công nghệ cao” có phải là chìa khóa then chốt trong toàn bộ Chương trình hành động này?

- Đúng vậy, công nghệ cao là những công nghệ mới, phù hợp, thúc đẩy sự phát triển trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ở từng lĩnh vực, ngành nông nghiệp có lộ trình cụ thể, chi tiết nhằm gia tăng hàm lượng công nghệ vào sản xuất.

Cụ thể, với trồng trọt, tập trung chuyển giao các mô hình canh tác tiên tiến tạo ra sản phẩm sạch, an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm. Với chăn nuôi, ưu tiên phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và quản lý dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Với thủy sản thì tổ chức chuyển giao công nghệ mới trong khai thác thủy sản, nhân rộng, nhanh các mô hình ứng dụng công nghệ khai thác thủy sản như bảo quản cá ngừ bằng công nghệ nano, là công nghệ Semi-biofloc, Biofloc trong nuôi tôm. Với lâm nghiệp là đầu tư thâm canh rừng trồng sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng, sử dụng cây giống nuôi cấy mô, cây giống lâm nghiệp mới, chất lượng cao phục vụ trồng rừng cây gỗ lớn gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC)…

Với những vướng mắc, khiếm khuyết còn tồn tại ngành nông nghiệp sẽ…

- Bên cạnh kết quả đã đạt được, một số vấn đề còn tồn đọng như tiêu thụ nông sản chưa bền vững, việc nhân rộng mô hình công nghệ cao chưa đồng đều, các HTXNN tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa mạnh… Để gỡ khó, trước mắt ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 - 2026 và đang từng bước triển khai.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 11, trong đó tập trung vào việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện; tổ chức đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý cấp cơ sở để tham gia hỗ trợ sâu hơn cho bà con nông dân trong việc triển khai thực hiện. Trong năm nay, ngành nông nghiệp cùng các địa phương đưa các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của từng lĩnh vực vào đời sống; ở mỗi địa phương có những mô hình phù hợp để khuyến khích người dân học hỏi và áp dụng. Sở NN&PTNT tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan xúc tiến tiêu thụ nông sản của Bình Định.

Xin cảm ơn ông!

Một số chỉ tiêu đề ra tại Chương trình hành động số 11-CTr/TU thực hiện đến năm 2025:

tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương của ngành nông nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 3,2 - 3,6%.

Cây lương thực đạt 707 nghìn tấn, 5.000 ha lúa SRI, 100 ha rau hợp chuẩn VietGAP. Tổng đàn bò đạt 303 nghìn con, trong đó bò thịt chất lượng cao 99.000 con, đàn heo 1,1 triệu con, trong đó đàn heo công nghệ cao 242 nghìn con, đàn gia cầm 10 triệu con, trong đó có 3,5 triệu con nuôi theo công nghệ cao.

Thủy sản khai thác đạt 220 nghìn tấn, trong đó 200 nghìn tấn khai thác xa bờ, 72.000 tấn khai thác áp dụng công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản đạt 24.000 tấn, trong đó 13.000 tấn nuôi theo công nghệ cao.

Diện tích rừng gỗ lớn đạt 10.000 ha, diện tích rừng trồng mới được cấp chứng chỉ FSC 10.000 ha.

THU DỊU (Thực hiện) - Nguồn Báo Bình Định