CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Tạo đột phá tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025
Thứ ba 03/01/2023 15:51

Năm 2023, ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, đề án, dự án, kế hoạch nhằm thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Dựa trên chương trình chung, toàn ngành xây dựng kế hoạch của năm 2023 với những tiêu chí và giải pháp phù hợp.

Nỗ lực hoàn thành mục tiêu chung của toàn ngành

Trên lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh thực hiện xuống giống vụ Đông Xuân 2022 - 2023 thích ứng với điều kiện thời tiết diễn biết bất thường; đồng thời thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng địa phương. Đến nay, đã rà soát chuyển đổi hơn 5.000 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây thế mạnh, có giá trị kinh tế cao hơn. Để nâng cao cả chất lượng và sản lượng, Sở NN&PTNT giao các đơn vị chuyên môn nghiên cứu chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ vào sản xuất; tiếp tục duy trì và mở rộng các vùng trồng trọt hợp chuẩn VietGAP.

Liên kết sản xuất lúa giống theo phương thức SRI tại HTXNN Nhơn Thọ 2 (TX An Nhơn). Ảnh: PHẠM VĂN TÂN

Trên lĩnh vực chăn nuôi, triển khai đồng bộ hoạt động tái đàn, duy trì đàn vật nuôi và phòng chống dịch, bệnh động vật. Ngay thời điểm này, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là một số bệnh dễ phát sinh, nguy hiểm hiện nay như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục trâu bò; kiểm soát hoạt động mua bán, vận chuyển và giết mổ vật nuôi dịp cao điểm tết Nguyên đán. Cùng với đó là thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi trên cơ sở 3 nhóm vật nuôi chủ lực của tỉnh gồm heo, bò, gà.

Năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định đặt mục tiêu tăng trưởng nông, lâm và thủy sản đạt 3 - 3,2% trong tổng sản phẩm địa phương (GRDP). Trong đó, trồng trọt duy trì sản lượng lương thực đạt 686.510 tấn; chăn nuôi duy trì tổng đàn vật nuôi ổn định với sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 207 nghìn tấn; tăng tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 57,3%; tái cơ cấu đội tàu khai thác xa bờ theo hướng nâng cao chất lượng, sản lượng khai thác đạt 270 nghìn tấn.

Trên lĩnh vực thủy sản, ngành khai thác được cơ cấu theo hướng tăng cường khai thác thủy sản vùng khơi hiệu quả, bền vững; xây dựng cơ cấu tàu thuyền, nghề nghiệp, xác định và phân bổ hạn ngạch khai thác thủy sản vùng lộng, ven bờ và khai thác nội địa phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản. Về nuôi trồng, sẽ quy hoạch theo từng vùng, tăng diện tích nuôi thủy sản theo hướng khép kín và đầu tư công nghệ để hạn chế dịch bệnh, hạn chế các vấn đề ô nhiễm môi trường.

Bám sát các chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp

Năm 2023 là năm có nhiều chương trình khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp được triển khai và nhân rộng. Có thể kể đến các chương trình như khuyến khích phát triển gà thả đồi, khuyến khích đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời duy trì tốt các chương trình trước đó như phát triển chăn nuôi tập trung, chăn nuôi nông hộ, xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung, phát triển rừng cây gỗ lớn.

Với ngành nông nghiệp, năm 2023 là năm để tạo đột phá cho tăng trưởng toàn ngành trong giai đoạn 2021 - 2025. Đây cũng là năm mà ngành nông nghiệp rà soát toàn diện, tập trung đầu tư chuyên sâu vào các lĩnh vực còn dư địa để tăng trưởng tối đa; gia tăng chất xám, công nghệ để nâng cao phẩm cấp, chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, trong mỗi lĩnh vực, ngành nông nghiệp có những chính sách khuyến khích đầu tư phát triển, thu hút các DN lớn tham gia, tạo sự dẫn dắt, liên kết với nông dân nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Ở từng giai đoạn, ngành lựa chọn lĩnh vực phù hợp để xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để tạo dấu ấn trước, từ đó lan tỏa và nhân rộng trong toàn ngành. Cùng với đó, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành những chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp; đồng thời các đơn vị chuyên môn của Sở phối hợp với các địa phương trong triển khai các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thu hút các DN đầu tư có tiềm năng để tạo đà phát triển.

“Với nhiệm vụ nghiên cứu và chuyển giao các ứng dụng KHKT, công nghệ, năm 2023 Trung tâm Khuyến nông tiếp tục đầu tư các mô hình với hàm lượng công nghệ tăng cao, đồng thời tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả đã có”.

Ông HUỲNH VIỆT HÙNG, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông

“Năm 2023, toàn tỉnh trồng mới 8.000 ha rừng, duy trì và bảo vệ diện tích rừng tự nhiên đang có, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng 57,3%. Bên cạnh đó, toàn ngành tiếp tục hỗ trợ (kỹ thuật, giống, công tác quản lý…) thu hút người dân, DN tham gia phát triển trồng rừng gỗ lớn”.

Ông LÊ ĐỨC SÁU, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm

“Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng gia tăng tỷ lệ cơ sở chăn nuôi tập trung áp dụng quy trình đảm bảo an toàn dịch bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển chính sách trong đầu tư chăn nuôi và chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi, tăng thu nhập, lợi nhuận cho nông dân, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn ngành”.

Ông HUỲNH NGỌC DIỆP, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Nguồn Báo Bình Định