CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Đổi mới cách làm việc theo phương châm “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”
Thứ ba 08/11/2022 15:32

Ngày 7.11, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì Hội nghị trực tiếp và trực tuyến đánh giá tình hình KT-XH tháng 10 và 10 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 2 tháng cuối năm 2022 (ảnh).

Báo cáo của UBND tỉnh và các địa phương cho thấy, tình hình phát triển KT-XH 10 tháng đầu năm 2022 có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 8,92% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách 13.240 tỷ đồng, đạt 134,81% so với kế hoạch. Các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế tháng 10.2022 không còn nhiều gam màu sáng, tốc độ tăng trưởng nhiều ngành, lĩnh vực giảm mạnh. Kim ngạch xuất khẩu tháng 10.2022 giảm 9,7% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu giảm 15,2%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng giảm 1,5%. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhất là dịch sốt xuất huyết.

Tại hội nghị, các sở, ngành, địa phương đi sâu phân tích những nội dung, kết quả phát triển cụ thể của tỉnh thời gian qua và nhiệm vụ, giải pháp 2 tháng còn lại của năm. Trong đó, tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, đúng kịch bản theo văn bản chỉ đạo số 6090 ngày 21.10.2022 của Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng với đó là triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và Chương trình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với quyết tâm cao nhất.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Tình hình phát triển KT-XH trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy các sở, ngành, địa phương phải nhanh chóng đổi mới cách làm việc theo phương châm “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”. Trên tinh thần đó, các đơn vị phải dành 60 - 70% thời gian làm việc quản lý nhà nước thường xuyên, còn 30 - 40% thời gian tập trung nghiên cứu phát triển KT-XH, trong đó chú trọng tháo gỡ các nút thắt, tạo điều kiện cho người dân, DN phát triển kinh tế. Toàn hệ thống chính quyền phải lấy người dân, DN làm trung tâm, phải bám sát cơ sở, tạo điều kiện cho DN và người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Các sở, ngành, địa phương phải bám sát các chỉ tiêu, con số cụ thể để chỉ đạo, điều hành đúng và hiệu quả. Người đứng đầu ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm về chỉ tiêu của đơn vị mình.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TIẾN SỸ

Đi vào cụ thể nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH, đồng chí  Phạm Anh Tuấn yêu cầu Sở NN&PTNT tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phối hợp với Sở Công Thương tìm kiếm thị trường, giải quyết đầu ra cho nông sản. Sở Công Thương thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tạo điều kiện cho DN mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Sở KH&ĐT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm về số lượng DN đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh, tại địa phương. Sở KH&ĐT chuẩn bị thực hiện cơ chế một cửa trong cấp phép đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, thực hiện các dự án. Thời gian tới tỉnh cũng cần triển khai đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại lớn tại các địa phương, để thúc đẩy thương mại, dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Các sở: Du lịch, Công Thương, NN&PTNT phải làm việc với các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh về vấn tiêu thụ nông sản của nông dân.

Đối với công tác đầu tư công và chi ngân sách, đồng chí Phạm Anh Tuấn yêu cầu điều hành chi phải đúng, thực hành tiết kiệm và chống tham nhũng, lãng phí. Các chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo quy định, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Với công tác quy hoạch tỉnh, hiện nay tỉnh đang thực hiện phương án khoanh vùng đất đai, Sở TN&MT và đơn vị tư vấn khẩn trương báo cáo với UBND tỉnh về công tác này; đồng thời hoàn thiện phương án đảm bảo môi trường toàn tỉnh, nhất là vấn đề xử lý nước thải, rác thải. Về vấn đề chuyển đổi số, yêu cầu là tập trung làm từ tỉnh, các địa phương không làm riêng và không chi riêng cho công tác chuyển đổi số.

Đồng chí Phạm Anh Tuấn cũng chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH tập trung công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người dân trong dịp tết; chú trọng đến hoạt động dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Sở Y tế và các địa phương phải xây dựng, thực hiện phương án phòng chống dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành y tế. Ngành giáo dục phải rà soát, đảm bảo biên chế, nâng cao chất lượng dạy và học; vận động học sinh tham gia tiêm chủng phòng chống dịch bệnh. Ngành VH&TT chủ động thực hiện các hoạt động phục vụ vui xuân đón Tết. Các sở, ngành, đơn vị cũng phải tăng cường công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội…

TIẾN SỸ - Nguồn Báo Bình Định