CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Mã số vùng trồng: Nâng phẩm cấp, đưa nông sản đi xa
Thứ tư 02/11/2022 10:54

Ngày 18.10, UBND tỉnh đã giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) triển khai kế hoạch cấp và quản lý mã số vùng trồng. Cùng với đó, Chi cục tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình cấp và quản lý, giám sát việc sử dụng mã số vùng trồng trên toàn địa bàn và bắt đầu triển khai thực hiện từ đầu năm 2023.

Rà soát, cấp MSVT cho nhóm cây trồng chủ lực

Đến nay, toàn tỉnh có 10 mã số vùng trồng (MSVT) chủ yếu cho các loại cây trồng: Xoài, dưa hấu và ớt tươi. Tuy nhiên, trên thực tế các MSVT này gần như chưa phát huy tác dụng. Nhằm chấm dứt tình trạng sở hữu MSVT nhưng không sử dụng, không phát huy tác dụng, thời gian qua, ngành nông nghiệp khẩn trương rà soát, kiểm tra công tác quản lý và sử dụng MSVT ở cơ sở. Qua kiểm tra, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT&BVTV) đề xuất Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) hủy một số mã vùng trồng không còn đủ điều kiện, điều chỉnh lại thông tin về diện tích một số mã vùng trồng.

Huyện Phù Mỹ rà soát xây dựng hồ sơ cấp mã số vùng trồng cho cây ớt.  Ảnh: T.D

Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV cho biết, để có thể triển khai việc cấp MSVT vào đầu năm 2023, hiện Chi cục đang phối hợp với cơ quan chuyên môn của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh rà soát diện tích các cây trồng chủ lực, cây trồng thế mạnh để xây dựng kế hoạch cấp MSVT. Khác với trước, tới đây các địa phương phải chủ động nhiều hơn trong lựa chọn và định hướng việc cấp MSVT; tham gia liên tục, nhiều hơn trong quá trình giám sát nhằm tạo thuận lợi lớn hơn cho người sử dụng. Việc triển khai ngay từ cơ sở giúp chúng ta lựa chọn và quy hoạch được các vùng trồng đủ lớn, áp dụng cùng một tiêu chí trong sản xuất, kiểm soát tốt quy trình canh tác để hướng tới có nhiều sản phẩm đạt phẩm cấp tốt. Hơn nữa, hiện nay Bộ NN&PTNT đã xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về MSVT lên phần mềm dùng chung, đồng thời tích hợp với cơ sở dữ liệu của Bộ NN&PTNT tạo sự đồng bộ, minh bạch và liền mạch thông tin từ Trung ương đến địa phương. Nắm chắc được điều này và tổ chức tốt các vùng chuyên canh nông sản chất lượng cao, tỉnh ta sẽ có thêm cơ hội thu hút các DN tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Bài toán liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản ở Bình Định lâu nay vướng nhiều rủi ro, quy mô liên kết chưa đủ lớn để các DN có tiềm năng mạnh dạn đầu tư. Xét ở góc độ kiểm soát quy trình sản xuất, việc xây dựng được MSVT dựa trên cùng một tiêu chí là yếu tố quan trọng giúp tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi trong quản lý, kiểm soát, chuỗi liên kết được bền vững. Việc quản lý tốt MSVT nhờ thế từng bước tạo thuận lợi từ canh tác, thu hoạch đến tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

MSVT đưa nông sản đi xa

Phân tích về những thuận lợi từ MSVT, ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân cho biết, chúng tôi đang phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung quy mô 1.500 ha, trong đó đã có 40 ha cây ăn quả hợp chuẩn VietGAP đang thu hoạch với lợi nhuận ổn định 150 triệu đồng/năm/ha. Huyện đã kết nối thành công với một số DN có tiềm lực tốt để liên kết tiêu thụ nông sản, hướng đến xuất khẩu nông sản chủ lực của Hoài Ân. Vùng sản xuất cây ăn quả của huyện khi có MSVT sẽ tạo điều kiện, đảm bảo cho liên kết thêm bền vững.

MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Điều kiện để cấp MSVT đối với cây trồng lâu năm phải có quy mô diện tích tối thiểu 10 ha; đối với cây trồng hằng năm (rau màu, gia vị) tùy thuộc vào yêu cầu của nước nhập khẩu.

Tương tự, ông Trần Minh Tuấn, Trường Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, cho hay, năm 2023 huyện tiếp tục duy trì vùng chuyên canh ớt 1.200 ha. Do nhu cầu thực tế từ phía người dân rất cao, ngành nông nghiệp khẩn trương rà soát toàn diện để đăng ký xây dựng MSVT cho loại cây trồng này; hướng dẫn kỹ thuật canh tác hợp chuẩn VietGAP, đồng thời thu hút các DN xuất khẩu ớt tham gia vào liên kết và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Trước mắt, huyện tổ chức hướng dẫn người dân canh tác ớt hợp chuẩn VietGAP để nâng cao phẩm cấp sản phẩm; quy hoạch vùng trồng ớt tập trung để tạo thuận lợi trong xây dựng hồ sơ cấp MSVT, đây là cơ sở quan trọng để DN tham gia liên kết hoặc mua gom sản phẩm.

“Khi được cấp MSVT với đầy đủ các thông tin về sản xuất, kiểm soát chất lượng, DN có thể mua sản phẩm tại địa phương để xuất khẩu, giúp bà con nông dân an tâm sản xuất. Sản lượng ớt của Phù Mỹ khá lớn, đủ chất lượng và số lượng để xuất khẩu chính ngạch. Đây là một hướng đi phù hợp để ổn định sản xuất, giảm dần sự phụ thuộc vào việc xuất tiểu ngạch như lâu nay vốn phập phù, kém ổn định!”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Kiều Văn Cang, thoạt nhìn sẽ thấy MSVT chỉ phát huy tác dụng vào việc xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, nếu quan sát vấn đề toàn diện, sẽ thấy việc xây dựng và sở hữu MSVT còn giúp người sản xuất có ý thức tuân thủ quy trình, đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm, từ đó tạo ra được nông sản an toàn đủ điều kiện thỏa mãn quy định của nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng.

Nguồn Báo Bình Định