CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Khuyến công hỗ trợ phát triển đa dạng ngành nghề
Thứ năm 29/09/2022 10:59

Những năm qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở công nghiệp nông thôn ở tỉnh với nhiều ngành nghề khác nhau được Nhà nước hỗ trợ đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm thành công.

Năm 2022, nhằm bù đắp, hạn chế những tác động xấu do dịch Covid-19 gây ra, chương trình khuyến công đã nỗ lực hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất. Tổng kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương được Bộ Công Thương và UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ là 5,2 tỷ đồng/29 chương trình, đề án (tăng 17,3% so với năm 2021). Trong đó, khuyến công quốc gia 2,2 tỷ đồng/2 đề án nhóm, khuyến công địa phương hơn 3 tỷ đồng/27 chương trình, đề án. Đến nay, 6 đề án đã được nghiệm thu và tỉnh phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch khuyến công trong tháng 10.2022.

Máy rang hạt tự động vừa được trang bị giúp Công ty TNHH DULAH (xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân) nâng cao năng suất, đạt 5.000 kg trà nụ hoa hòe/năm. Ảnh: HẢI YẾN

Nhờ được hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), DN nhỏ và vừa đã có thêm động lực vượt qua khó khăn. Ông Bùi Hiếu Dũng, cơ sở sản xuất bánh tráng Dũng Hà (thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn), cho hay: Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công của thị xã, gia đình tôi mua máy tráng bánh tự động được 1 năm nay. Nhờ đó, công suất bánh tăng lên thấy rõ, trước đây mỗi ngày chỉ dùng chừng vài chục cân gạo nguyên liệu thì nay bình quân là 200 kg. Dây chuyền vận hành rất nhanh, khoảng 7 - 8 tiếng là tráng xong toàn bộ, nên tôi phải thuê thêm 5 - 10 người làm mới kịp. Cũng như gia đình tôi, nhiều hộ sản xuất bánh tráng quanh đây sau khi tham quan cũng mạnh dạn đầu tư nâng cao năng lực và nhận được nhiều đơn đặt hàng lớn từ các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh ở Tây Nguyên.

Cơ sở sản xuất bánh tráng Dũng Hà chỉ là một ví dụ về hiệu quả và sức tác động của những dự án khuyến công đi vào thực tế ở Bình Định. Hoạt động khuyến công đã làm cầu nối, tiếp sức và thúc đẩy CNNT phát triển, các chương trình, đề án khuyến công đã thu hút được một lượng lớn vốn đối ứng của cơ sở CNNT. Ông Hồ Duy Đức, chủ cơ sở sản xuất cửa kính nhôm Xingfa ở xã An Tân, huyện An Lão, chia sẻ: Để có thể triển khai làm cửa kính nhôm Xingfa, tôi cần khoảng 220 triệu đồng. Nếu không được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Định hỗ trợ 110 triệu đồng, có lẽ còn lâu tôi mới đủ điều kiện thực hiện. Từ tháng 6.2022 đến nay, nhờ hệ thống thiết bị mới, chất lượng sản phẩm của chúng tôi cao lên hẳn, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ước tính tầm 2 năm là tôi thu hồi vốn.

Cơ sở sản xuất bánh tráng gia đình ông Bùi Hiếu Dũng (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) tăng lợi nhuận nhờ trang bị máy tráng bánh tự động. Ảnh: HẢI YẾN

Sau khi được hỗ trợ, hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, cơ sở đạt hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, đóng góp khá vào giá trị sản xuất công nghiệp và góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương.

Bà Lê Thị Cảnh, chủ cơ sở sản xuất thực phẩm KICAFOODS (thôn Hội Long, xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân), cho biết: “Để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, tôi đã đầu tư máy đùn bún mỏng, máy làm tơi bún, xe đẩy phơi bún, máy vo gạo, với tổng chi phí hơn 208 triệu đồng, trong đó vốn khuyến công địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng. Nhờ đó mỗi ngày cơ sở tôi sản xuất ra 500 kg bún, tăng 30% so với trước; đồng thời tạo việc làm ổn định cho 5 lao động, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/ người/tháng. Việc đầu tư mới các thiết bị còn giúp cơ sở hạn chế gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm điện”.

Hiệu quả đạt được từ hoạt động khuyến công trong thời gian qua khuyến khích đầu tư phát triển CNNT, góp phần tăng cường sức sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, còn có tác động tích cực đến nhận thức của người dân, giúp mọi người hiểu rõ về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế.

Đánh giá cao sự chủ động của các cơ sở CNNT trong việc triển khai thực hiện đề án, ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhận xét, nhờ được hỗ trợ mua sắm máy móc, hoàn chỉnh dây chuyền, thiết bị sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, hầu hết cơ sở đều đã tăng năng lực sản xuất thêm 10 - 30%, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, lợi nhuận cũng tăng từ 10 - 20%. Đặc biệt từ đó còn tạo hình mẫu, góp phần tác động để nhiều cơ sở, DN khác học tập, làm theo.

Nguồn Báo Bình Định