Trong chuyến công tác tại Bình Định mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã đi kiểm tra nhiều mô hình chăn nuôi, nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh và trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Phù Cát đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020
Dịp này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ với phóng viên Báo Bình Định về định hướng, giải pháp đầu tư phát triển kinh tế đối với ngành nuôi tôm, chăn nuôi gia cầm và xây dựng nông thôn mới tại Bình Định.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất tôm ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Việt - Úc tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Ảnh: TIẾN SỸ
● Thưa Bộ trưởng, kiểm tra tình hình sản xuất giống gia cầm tại Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (huyện Phù Cát) và Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước), đồng chí có lưu ý đến việc xây dựng “nhân hiệu”, xin Bộ trưởng chia sẻ thêm về vấn đề này?
- Đây là 2 DN sản xuất, cung ứng giống gia cầm chất lượng cao hàng đầu của cả nước. Ứng dụng khoa học công nghệ cùng với các giải pháp về thị trường là những yếu tố góp phần giúp 2 DN này định vị được thương hiệu của mình trên thị trường.
Tuy nhiên, gà giống 1 ngày tuổi của 2 DN này khá giống nhau, nhìn trực quan rất khó phân định, vậy thì làm cách nào để khách hàng, nhất là nông dân, nhận diện được con gà nào là của Minh Dư, con nào là của Cao Khanh. Đó là vấn đề lớn, rất lớn chứ không nhỏ, rất nhiều DN biết nhưng lại chưa thực sự quan tâm. Tư duy kinh tế nông nghiệp là tư duy bán hàng. Muốn thành công thì phải “bán” chính bản thân mình thông qua những cảm xúc, tâm huyết, niềm tin, trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội.
Tôi nói thương hiệu phải được xây dựng từ “nhân hiệu” là vì thế! Đó là giá trị cá nhân bao gồm cả về ngoại hình, học thức, lối sống, trách nhiệm xã hội… mà DN gầy dựng nên, mang lại giá trị thế nào cho xã hội.
DN không chỉ đơn thuần bán sản phẩm và chỉ có sản phẩm, mà nhiều hơn, ta phải cộng vào đó cả niềm tin và sự trải nghiệm tin cậy cho khách hàng. Trải nghiệm đó là vô giá. Khi DN mang lại một năng lượng tích cực, đem đến giá trị cho cộng đồng thì chắc chắn sẽ phát triển bền vững. Ngược lại, DN không có dấu ấn gì, mờ nhạt, không xây dựng được thương hiệu cá nhân thì dù có được kiến tạo, hỗ trợ để được tiếp cận những cơ hội tốt đến mấy cũng khó mà thành công. Sản xuất, kinh doanh gia cầm giống không phải là ngoại lệ.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan (ngoài cùng bên trái) kiểm tra hoạt động sản xuất gia cầm giống tại Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư.
● Thưa Bộ trưởng, đồng chí có đề cập đến trách nhiệm xã hội của Tập đoàn Việt - Úc và việc hình thành hệ sinh thái ngành hàng tôm tại Bình Định…
- Đúng rồi, tôi đánh giá cao đóng góp của Tập đoàn Việt - Úc cho ngành tôm Việt Nam trong thời gian qua và quyết định của tập đoàn khi đầu tư phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại Bình Định. Tuy nhiên, theo tôi ngoài nỗ lực của DN thì việc quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cùng với cơ chế chính sách thông thoáng của tỉnh Bình Định là yếu tố quan trọng giúp Tập đoàn Việt - Úc phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Tập đoàn Việt - Úc đã thực hiện tốt chuỗi khép kín trong sản xuất, tiêu thụ của ngành tôm, đã vậy thì nên khép kín luôn giá trị mang lại cho cộng đồng, chia sẻ cùng cộng đồng. Tôi nghĩ, làm chuyện này thật ra không khó, chỉ cần DN dành một ít đất trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được UBND tỉnh Bình Định giao, xây dựng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tạo ra không gian mở, để cuối tuần hoặc cuối tháng, mời người nuôi tôm ở trong tỉnh và các địa phương khác quan tâm có thể đến tham quan, học tập, kết hợp với việc hỗ trợ kỹ thuật cho người có nhu cầu.
Cách làm này sẽ từng bước giúp người nuôi tôm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, kéo theo sự thay đổi về hiệu quả kinh tế, thu nhập của người dân địa phương, tạo tiền đề cho việc hình thành hệ sinh thái phát triển ngành tôm theo hướng bền vững tại Bình Định.
Đó là trách nhiệm xã hội của DN, dù không nói ra, nhưng chắc hẳn chính quyền và người dân cũng mong muốn DN thể hiện. Khi làm được điều này, tôi tin chắc Tập đoàn Việt - Úc cũng sẽ nâng tầm “nhân hiệu” của mình.
● Phát biểu tại buổi lễ công bố huyện Phù Cát đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020, Bộ trưởng đã nhấn mạnh đến “hậu” danh hiệu. Thưa Bộ trưởng, cụ thể thì ta nên làm như thế nào?
- Tôi đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Bình Định nói chung và huyện Phù Cát nói riêng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tỉnh Bình Định đã có 83/113 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 73,45%; có 7 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao và 5/11 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới.
Kết quả này sẽ là động lực cho Bình Định thực hiện chương trình trong giai đoạn tiếp theo, nhưng danh hiệu đạt được chỉ là điều kiện cần, nó tương đối; đời sống vật chất và tinh thần của người dân thay đổi, tốt hơn mới là điều kiện đủ. Sự hài lòng của người dân mới là tuyệt đối!
Vì thế, địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển toàn diện, bền vững trên tất cả các lĩnh vực, trong đó cần đặc biệt quan tâm tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ nông dân và cư dân nông thôn nâng cao năng lực quản trị, phát triển sản xuất kinh doanh; tạo sinh kế, việc làm ổn định, tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, tạo ra được giá trị gia tăng cao nhất trên một đơn vị diện tích chứ không phải chỉ tạo ra sản lượng cao. Địa phương cũng cần phát huy giá trị con người của chủ thể xây dựng nông thôn mới vì đây là những giá trị vô hình nhưng sẽ chuyển hóa thành những giá trị hữu hình nếu biết khơi dậy tiềm năng.
Tôi nghĩ, khi người dân tự làm giàu trên mảnh đất quê hương, quyền làm chủ được đảm bảo và phát huy thì chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn mới tại Bình Định sẽ thành công.
● Trân trọng cảm ơn đồng chí Bộ trưởng!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện) - Nguồn Báo Bình Định