Tiếp tục phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 6 HÐND tỉnh khóa XIII vào chiều 19.7, nhiều vấn đề trong phát triển KT-XH và dự thảo các chính sách quan trọng được các đại biểu quan tâm, phân tích, đóng góp cụ thể để góp phần khắc phục hạn chế, phát huy hiệu quả thiết thực, bền vững hơn.
Các đại biểu thảo luận tổ vào chiều 19.7. Ảnh: H.PHÚC
Đầu tư cho miền núi phải mang lại hiệu quả thiết thực
Tại phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng có những định hướng, nhắc nhở về việc thực hiện các chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian tới, trong đó tập trung vào huyện nghèo An Lão. Để thực hiện hiệu quả, huyện An Lão không dàn trải đầu tư nhiều công trình; cần xác định được những mục tiêu cụ thể, lồng ghép, kết hợp các nguồn vốn để tập trung vào đầu tư những công trình thực sự cần thiết, góp phần nâng cao đời sống người dân, như về y tế, giáo dục, giao thông ở những vùng sâu vùng xa, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Bên cạnh đó, các đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh rất quan tâm đến báo cáo kết quả giám sát về “Tình hình thực hiện chính sách đầu tư các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ năm 2019 đến năm 2021” của Ban Dân tộc HĐND tỉnh. Báo cáo nêu thực trạng: Trên địa bàn các huyện miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có 94 công trình cấp nước, qua giám sát chỉ có 1 công trình được đánh giá hoạt động bền vững, 72 công trình hoạt động kém bền vững và 21 công trình không hoạt động.
Theo ĐB Trần Kim Vũ (đơn vị Vân Canh), sau khi công trình nghiệm thu, UBND các xã được giao trách nhiệm quản lý, vận hành; cộng đồng dân cư sử dụng nước sạch có cam kết trách nhiệm quản lý công trình. Tuy nhiên, cả cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân chưa thực hiện tốt trách nhiệm; điều kiện tự nhiên, địa hình… cũng góp phần khiến các công trình không phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, UBND xã không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời; việc thu phí sử dụng nước, hay huy động đóng góp của người dân cho việc này là rất khó...
“Hiện nay, nguồn nước từ vùng thượng nguồn ở Vân Canh rất ít, rất mong tỉnh quan tâm có đề án xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch vùng nông thôn, như lấy nước từ hồ Núi Một hoặc hạ nguồn sông Hà Thanh đưa lên phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân”, ông Vũ kiến nghị.
Về vấn đề trên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân cho rằng ngân sách đầu tư rất lớn, nhưng các công trình cấp nước sinh hoạt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hầu như không hiệu quả; đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của sở, ngành, địa phương từ khảo sát, thẩm định, xây dựng đến quản lý các công trình.
Đối tượng thu hút, hỗ trợ cần cụ thể, hợp lý
Tờ trình về việc ban hành Quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 - 2025 thu hút sự quan tâm góp ý của các ĐB. ĐB Phạm Văn Nam (đơn vị An Lão) cho rằng nội dung Tờ trình thiên về thu hút nguồn nhân lực khối kinh tế và kỹ thuật; đề nghị đối tượng được thu hút cần bổ sung thêm ngành công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bởi lĩnh vực này rất quan trọng và đang thiếu nhân lực chất lượng cao.
ĐB Phạm Văn Nam (đơn vị An Lão) đề nghị đối tượng trong chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao cần bổ sung thêm ngành công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Ảnh: H.PHÚC
Đồng thời, ông Nam cũng đề nghị khi thu hút nhân lực chất lượng cao bằng hình thức xét tuyển đối với các trường hợp tiến sĩ, thạc sĩ, sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc... thì đối tượng tốt nghiệp thạc sĩ phải có bằng tốt nghiệp đại học chính quy.
“Các luật, quy định trong lĩnh vực GD&ĐT hiện nay không phân biệt hình thức đào tạo, nhưng hình thức thu hút là xét tuyển thì phải lựa chọn được nguồn lực chất lượng cao, tốt nghiệp chính quy”, ĐB Nam bày tỏ. Đồng tình với ý kiến này, ĐB Lê Thị Vinh Hương (đơn vị Hoài Nhơn) cũng đề nghị bổ sung thêm nội dung đối tượng tốt nghiệp thạc sĩ nhưng phải là ngành nối tiếp theo ngành đã học đại học chính quy để thể hiện tính liên tục và chuyên môn hóa.
Hỗ trợ ngư dân bám biển ĐB Văn Thanh Gia (đơn vị Hoài Nhơn) bày tỏ lo lắng khi giá xăng dầu tăng cao khiến người dân có thu nhập thấp, ngư dân bị ảnh hưởng lớn, buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chi tiêu. “Với khoảng 2.300 tàu thuyền, hoạt động đánh bắt thủy sản là hoạt động kinh tế mang lại thu nhập cao cho ngư dân Hoài Nhơn. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao khiến hoạt động đánh bắt của ngư dân vốn đã khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giờ lại càng thêm khó khăn. Hiện có hơn 60% tàu cá của ngư dân phải nằm bờ vì không kham nổi chi phí cho mỗi chuyển biển. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý cho ngư dân để họ có thể vươn khơi, bám biển, ổn định cuộc sống”, ông Gia kiến nghị. |
Còn theo ĐB Nguyễn Thị Ánh Hồng (đơn vị An Nhơn), quy định đối tượng áp dụng chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là “Sinh viên tốt nghiệp đại học đạt loại xuất sắc tại các cơ sở giáo dục đại học trong nước…” có tiêu chuẩn quá cao, đề nghị có thể mở thêm đối tượng là sinh viên đạt loại giỏi ở trong nước cũng được hưởng ưu đãi chính sách.
Cũng liên quan đến vấn đề nguồn nhân lực, Chánh án TAND tỉnh Lê Văn Thường (ĐB đơn vị Phù Mỹ) cho biết: Lượng vụ việc mà tòa án hai cấp thụ lý tăng nhiều; trong khi đó, cán bộ, thẩm phán còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. “Sau khi giảm 10% biên chế theo quy định của TAND tối cao, TAND tỉnh hiện còn thiếu 15 biên chế. Chưa kể, trong năm nay, sẽ có 5 thẩm phán nghỉ hưu. Công tác bổ nhiệm thẩm phán chậm, hoàn toàn phụ thuộc theo phân bổ từ Trung ương. Trong bối cảnh đó, ngành Tòa án động viên nhau cùng cố gắng, làm thêm giờ, làm ngày cuối tuần. Chúng tôi cũng thực hiện điều động, tăng cường người cho những địa bàn thiếu thẩm phán trầm trọng, như huyện Phù Mỹ vừa được tăng cường thêm 1 thẩm phán”, ông Thường cho biết thêm.
Phát triển du lịch hướng đến bền vững
ĐB Lê Thị Vinh Hương (đơn vị Hoài Nhơn) đánh giá bức tranh du lịch Bình Định trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có nhiều khởi sắc và tăng trưởng đột phá. Tuy vậy, du lịch Bình Định vẫn còn những hạn chế, thách thức cần khắc phục.
ĐB Lê Thị Vinh Hương (đơn vị TX Hoài Nhơn) góp ý phát triển du lịch Bình Định bền vững hơn. Ảnh: H.PHÚC
ĐB Hương phân tích: Hiện nay, du lịch của tỉnh chủ yếu tập trung vào loại hình du lịch biển đảo, phần nhiều là nghỉ dưỡng cao cấp. Trong khi đó, những sản phẩm du lịch gắn với di tích lịch sử, truyền thống văn hóa, bản sắc con người Bình Định quá ít.
Vì vậy, các ngành chức năng trong tỉnh cần quan tâm xây dựng các sản phẩm du lịch trong lĩnh vực này để tương xứng với truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa của quê hương Bình Định. Đồng thời, các địa phương phía Bắc của tỉnh có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, cần có giải pháp, chương trình cụ thể hơn để “khai phá” khu vực này, làm phong phú thêm các loại hình du lịch của tỉnh.
“Đặc biệt, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về du lịch để xây dựng hình ảnh đẹp và bảo đảm kỷ cương, trật tự trong hoạt động du lịch; nhất là đảm bảo ANTT, mỹ quan đô thị ở khu vực Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) - nơi được nhiều khách du lịch lui tới”, bà Hương nhấn mạnh.
Cũng đề xuất giải pháp quản lý phát triển ngành du lịch biển mang tính bền vững, lâu dài, ĐB Nguyễn Thị Ánh Hồng đề nghị tỉnh cần quan tâm, quản lý chặt chẽ hơn các loại hình dịch vụ du lịch mới phát triển, nhất là các loại hình còn mang tính tự phát, chưa được đầu tư bài bản. Ở các xã ven biển TP Quy Nhơn, hoạt động du lịch lặn biển ngắm san hô phát triển mạnh, nhưng chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ, nếu không may xảy ra sự cố tai nạn đối với du khách sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường, hình ảnh du lịch của tỉnh.
Xóa bỏ các cụm công nghiệp hoạt động không hiệu quả
Nhiều ĐB HĐND tỉnh bày tỏ sự quan tâm đến thực tế, toàn tỉnh hiện có 45 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, nhưng tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 59%. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho hay: Trước đây, mỗi huyện có 3 - 4 cụm công nghiệp, thậm chí có huyện có 5 - 6 cụm công nghiệp do UBND huyện làm chủ đầu tư. Giai đoạn đó, vì kinh phí chưa đảm bảo nên có tình trạng cứ quy hoạch, đến khi DN đầu tư mới giải phóng mặt bằng, triển khai dự án. Vậy nên, hạ tầng các cụm công nghiệp không đồng bộ, nhất là xử lý nước thải, dẫn đến thu hút đầu tư rất khó.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 19.7. Ảnh: N.MUỘI
“UBND tỉnh đã triển khai khảo sát, đánh giá lại các cụm công nghiệp, nơi nào đã đầu tư được 70% thì tiếp tục đầu tư, không thì sẽ điều chỉnh, thay đổi đối với cụm công nghiệp nằm trong khu dân cư, xóa bỏ các cụm công nghiệp không hoạt động hiệu quả. Mặt khác, sẽ lựa chọn nhà đầu tư về hạ tầng, xử lý nước thải đồng bộ để đảm bảo thu hút DN, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp”, ông Nguyễn Tuấn Thanh nói.
Đối với vấn đề tỷ lệ vốn đăng ký đầu tư chưa sát với vốn thực hiện trong thực tế, UBND tỉnh cũng đang rà soát lại tất cả dự án, dự án nào triển khai chậm thì củng cố hồ sơ, thu hồi giấy phép để đón nhà đầu tư khác có tiềm năng, năng lực hơn vào triển khai thực hiện.
H.THU - N.HÂN - N.MUỘI - H.PHÚC - Nguồn Báo Bình Định