CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Kinh tế
Tiếp sức cho doanh nghiệp lên sàn
Thứ hai 18/07/2022 14:48

Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ DN phát triển việc tiêu thụ hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử. Ðây là một trong những giải pháp nhm đẩy mạnh tiêu thụ đặc sản, sản phẩm OCOP địa phương.

Thời gian qua, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn ở Việt Nam như Tiki, Lazada,Voso, Postmart cùng các đối tác như VPBank, Visa hay iCheck liên tiếp hỗ trợ DN trong tỉnh đưa sản phẩm lên không gian kinh doanh của mình; cùng với đó còn hỗ trợ cách thức tiếp cận các giải pháp hỗ trợ tài chính số, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số…

 

Chuyên gia của sàn TMĐT Postmart hướng dẫn các đại diện DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh cách thức đưa sản phẩm lên sàn. Ảnh: HẢI YẾN

Ông Nguyễn Gia Bình, Giám đốc Bưu điện tỉnh Bình Định, đại diện Ủy quyền của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, cho biết: Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam có 13.000 điểm giao dịch ở các xã trong cả nước. Tại tỉnh Bình Định có 200 điểm giao dịch, đảm bảo 1 điểm/xã. Sàn TMĐT Postmart của Bưu điện Việt Nam triển khai nhiều chương trình hỗ trợ hàng nông sản các địa phương, tạo thói quen mua sắm mới cho người dân. Hiện nay, Postmart đã thu hút, triển khai 5.000 sản phẩm (trong đó, có 2.700 sản phẩm OCOP), gian hàng số, hơn 6 triệu lượt khách hàng giao dịch tại sàn. Trên không gian này có 300 gian hàng/hơn 130 sản phẩm OCOP đến từ Bình Định, hàng triệu sản phẩm đã đến tay người tiêu dùng.

Từ lâu sàn TMĐT đã trở thành kênh tiêu thụ đạt hiệu quả cao, đặc biệt là sau hơn 2 năm bị dịch Covid-19 đe dọa. Với lợi thế lượng truy cập lớn, mạng lưới vận chuyển rộng khắp, kỹ thuật đóng gói chuyên nghiệp, các sàn TMĐT như Sendo, Voso, Tiki, Postmart, Shopee... đang tích cực vào cuộc hỗ trợ các tỉnh, thành phố tiêu thụ tốt hơn các mặt hàng nông sản, trái cây sắp bước vào vụ thu hoạch chính.

Ông Huỳnh Văn Duy, Giám đốc HTX Thanh niên huyện Hoài Ân, chia sẻ: Chúng tôi đang nỗ lực tìm cách đưa sản phẩm lên sàn TMĐT và quảng bá sao cho thật ấn tượng, xây dựng được uy tín thương hiệu, củng cố niềm tin của người tiêu dùng, giá ổn định để tạo tiền đề cho thu nhập bền vững. Bên Postmart đã hỗ trợ, tập huấn chúng tôi cách thức đưa sản phẩm lên sàn. Từ đầu năm đến nay, qua kênh Postmart chúng tôi đã bán được hơn 50 tấn bưởi da xanh, đây là con số không nhỏ, tạo động lực để chúng tôi yên tâm khai thác kênh tiêu thụ này.

Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương chủ động phối hợp với các sàn TMĐT mở nhiều đợt tập huấn, xây dựng các gói hỗ trợ chuyên biệt dành cho nhà bán hàng mới, chương trình khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam như: Tôn vinh hàng Việt, Thương hiệu Việt của năm, Người Việt tự hào dùng hàng Việt...

Bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH MTV Giờ Giải Lao - đơn vị chủ quản của website thương mại điện tử www.lazada.vn, chia sẻ: Nhằm mở ra hướng đi mới, bền vững giúp cho DN đa dạng hóa các kênh bán hàng, giúp ngành hàng nông sản tiếp cận nhiều khách hàng hơn; 2 năm gần đây, chúng tôi đưa rất nhiều sản phẩm OCOP ở Bình Định lên sàn TMĐT. Tôi tin rằng, khi tham gia những không gian thương mại này, DN, HTX, hộ gia đình, nông dân ở Bình Định sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng nhanh chóng, dễ dàng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Hữu Huynh, Giám đốc phát triển kinh doanh Shopee Việt Nam (Công ty TNHH Shopee), cho biết: Để đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, chinh phục khách hàng online, ngoài các buổi tập huấn do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các sàn TMĐT tổ chức, chúng tôi còn hướng dẫn DN, HTX, hộ sản xuất chủ động hoàn thiện bao bì, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hình ảnh...

Để thúc đẩy TMĐT phát triển, hằng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển TMĐT với nhiều giải pháp: Thích ứng tốt với xu hướng và thời đại, tạo được môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, thuận lợi, từng bước đưa hoạt động TMĐT của tỉnh hội nhập với cả nước. Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Năm 2022, Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công. Cùng với đó, tuyên truyền, đào tạo kỹ năng TMĐT cho người dân và DN; khuyến khích DN ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguồn Báo Bình Định