Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố, Bình Định đạt 68,32 điểm, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, thuộc nhóm Tốt, tăng 26 bậc so với năm 2020. Đây là số điểm mà tỉnh đạt được cao nhất trong nhiều năm gần đây, phản ánh sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác cải cách hành chính và tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2021 của tỉnh Bình Định, có 07 chỉ số tăng điểm so với năm 2020, gồm: Tính minh bạch tăng 0,63 điểm; Chi phí thời gian tăng 0,21 điểm; Chi phí không chính thức tăng 1,23 điểm; Tính năng động của chính quyền tỉnh tăng 1,08 điểm; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng 1,59 điểm; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tăng 0,31 điểm; Cạnh tranh bình đẳng tăng 0,35 điểm.
Bình Định luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (Trong ảnh: Lãnh đạo UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Kurz của CHLB Đức đầu tư vào Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định)
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, có rất nhiều yếu tố góp phần tăng chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2021 như: Tỉnh rút ngắn hơn nhiều thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp so với quy định, trong đó, thời gian giải quyết hồ sơ thành lập mới doanh nghiệp trung bình 1,62 ngày, thời gian giải quyết hồ sơ thay đổi trung bình 1,18 ngày; tỷ lệ trả kết quả đúng và trước hạn đạt 100%, không có hồ sơ trễ hạn.
Việc thực hiện minh bạch các thông tin, tài liệu của các cơ quan nhà nước như: Tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý, tài liệu về ngân sách đủ chi tiết để doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động kinh doanh cũng được đẩy mạnh. Các thông tin, tài liệu của các cơ quan nhà nước được đăng tải tương đối đầy đủ, kịp thời. Thông tin các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh đều được đăng tải công khai trên Mạng Đấu thầu quốc gia và các website của các cơ quan của tỉnh.
Tỉnh đã đẩy mạnh cải cách hành chính, nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục mang tính liên thông. Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và bộ phận một cửa các huyện, thị xã, thành phố niêm yết công khai danh mục các thủ tục hành chính và mức phí, lệ phí; 100% thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 2 trên cổng thông tin điện tử của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh… Nhờ đó, đã góp phần khắc phục tình trạng phiền hà, tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian cho các tổ chức, doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, trong năm 2021 tỉnh đã rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục về đầu tư với tổng thời gian giảm là 07 ngày (từ 32 ngày xuống còn 25 ngày) so với quy định của Luật Đầu tư năm 2020, đây là bước đột phá để giảm chi phí thời gian cho các doanh nghiệp đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của các cơ quan chức năng của tỉnh đều tuân thủ đúng thời gian, thời hạn, không làm ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp.
Cùng với đó, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa tại các huyện, thị xã, thành phố đã góp phần giảm thiểu các chi phí không chính thức của doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai dự án, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính về thuế, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, phòng cháy chữa cháy, đất đai, giải phóng mặt bằng.
Việc chỉ số năng động của chính quyền tăng điểm cho thấy khả năng thích ứng và thay đổi tư duy của lãnh đạo tỉnh, thân thiện, lắng nghe, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp. Đặc biệt, UBND tỉnh đã thành lập Tổ Công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, qua đó đã kịp thời tổng hợp, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh cho các doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào tỉnh, từ đó giảm tối đa các chi phí liên quan trong quá trình thực hiện các thủ tục của dự án. Tỉnh từng bước đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp như hỗ trợ xúc tiến thương mại, tư vấn pháp luật, tìm kiếm đối tác kinh doanh, đào tạo về quản trị kinh doanh… dần đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.
Việc cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm. Các doanh nghiệp được tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực về đất đai, các khoản vay, trong thực hiện thủ tục hành chính, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đăng tải thông tin các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin pháp luật của tỉnh, hỗ trợ pháp lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp được các ngành chức năng của tỉnh quan tâm thực hiện tốt…
Những nỗ lực của các cấp, các ngành như trên đã góp phần đưa Bình Định vươn lên vị trí thứ 11 trên Bảng xếp hạng PCI cả nước. Trong 12 địa phương thuộc Vùng duyên hải miền Trung, Chỉ số PCI của Bình Định đứng thứ 3, sau Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế. Kết quả ấn tượng này cũng đặt ra yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục nỗ lực hơn nữa để duy trì điểm số cũng như thứ bậc cao tại bảng xếp hạng PCI trong thời gian tới.
Thanh Sang