Sáng 21.4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chủ trì hội nghị.
Về Chương trình mục MTQG xây dựng NTM, đến nay cả nước có 5.706/8.227 xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ 69,4%, trong đó có 663 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn NTM; có 16 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM và 5 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; ít nhất 50% số huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu… Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Dự kiến tổng vốn thực hiện chương trình này là 196.332 tỷ đồng.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Định.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì ở mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm. 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Trong giai đoạn này, Chương trình đề ra 7 dự án gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho khoảng 10.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 74 huyện nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực giám sát và đánh giá Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Tổng vốn thực hiện dự kiến tối thiểu là 75.000 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá, đến nay, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương đã hoàn thành thể chế chính sách cho 3 chương trình MTQG (chương trình MTQG còn lại là Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Như vậy, về cơ chế, chính sách đã đầy đủ, Trung ương đã có kế hoạch phân bổ vốn từ Trung ương đến địa phương để thực hiện 3 chương trình MTQG nói trên. Các ban chỉ đạo các cấp ở địa phương nghiên cứu và triển khai vào thực thế; ưu tiên bố trí ngân sách, huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tuyên truyền để đảm bảo triển khai hiệu quả các chương trình MTQG. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện kết quả thực hiện các chương trình MTQG. Về phía các bộ, ban ngành Trung ương, trong tháng 5.2022, các bộ, ban, ngành được phân công khẩn trương ban hành các thông tư đã được giao, phê duyệt các chương trình chuyên đề, dự án thành phần; phối hợp ban hành các kế hoạch lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình MTQG đồng bộ, không chồng chéo.
THU DỊU - Nguồn Báo Bình Định