Đội thanh niên tình nguyện Đại học Huế tham gia làm đường giao thông nông thôn trong chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè 2018
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành tình cảm, sư quan tâm, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ thanh niên Việt Nam; cổ vũ, phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
THANH NIÊN HỒI SINH, DÂN TỘC SẼ HỒI SINH VÀ PHÁT TRIỂN
Từ nhận thức sâu sắc rằng, thanh niên là những người trẻ, đầy nhiệt huyết, lực lượng tiên phong, xung kích, rường cột, hậu bị của Đảng, trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong Thư gửi Thanh niên An Nam, năm 1925: "Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh"[1].Và chính Người đã lựa chọn những thanh niên Việt Nam yêu nước, tập hợp họ trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin, phương pháp đấu tranh cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những cán bộ cốt cán cho phong trào cách mạng Việt Nam, chuẩn bị sáng lập Đảng - đội tiền phong của giai cấp và dân tộc.
Sau khi nước nhà giành được độc lập, Người đã nhấn mạnh trong Thư gửi các em học sinh nhân Ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 9/1945 rằng: "Ngày nay chúng ta phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nhà nước trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em"[2]. Không chỉ dừng ở đó, với chan chứa niềm thương yêu và kỳ vọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó" và trong thư Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến, tháng 1/1946, Người khẳng định: "Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội"[3].
Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già; đồng thời, là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai (các cháu thiếu niên, nhi đồng); là người đi xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; "là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ Tổ quốc" và "tính trung bình thanh niên chiếm độ 1 phần 3 tổng số nhân dân – tức là một lực lượng to lớn. Lực lượng to lớn thì phải có nhiệm vụ to lớn"[4], cho nên nhiệm vụ to lớn, vẻ vang nhất của thanh niên theo Người là góp sức mình để xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ và phát triển đất nước.
Vận mệnh của quốc gia, dân tộc thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên - những người có trách nhiệm thực hiện sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà các thế hệ cha anh đã chuyển giao vào tay mình, cho nên, với sức mạnh và khát khao cống hiến của tuổi trẻ, các thế hệ thanh niên Việt Nam phải luôn là những người "không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên". Tuy thanh niên có nhiệt huyết và sức trẻ, song Người cũng nhận thấy: "Ưu điểm của thanh niên ta là hăng hái, giàu tinh thần xung phong. Khuyết điểm là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh anh hùng". Vì thế, để thanh niên "ra sức phát triển những ưu điểm và tẩy sạch những khuyết điểm ấy" và phát huy được nguồn năng lượng của tuổi trẻ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang ấy, Người yêu cầu mỗi thanh niên phải thấm nhuần quan điểm: "Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?"[5]; phải xứng đáng "là người chủ tương lai của nước nhà", "người chủ của một nước xã hội chủ nghĩa". Nhất là, thanh niên phải trở thành một lực lượng to lớn, vững chắc; phải là những người không chỉ gánh vác trọng trách được trao mà còn phải "là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng... là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội"[6]…
Để hoàn thành trọng trách đó, mỗi thanh niên phải: 1) Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp. 2) Thấm nhuần đạo đức cách mạng, khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, người tiên tiến thì giúp đỡ người kém, người kém phải cố gắng để tiến lên, ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà. 3) Nghiêm khắc "chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo vun vén cho lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng và xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang"[7]; chống tham ô, lãng phí, xa hoa, không khoe công, không tự phụ; nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật; thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh để giúp nhau cùng tiến bộ mãi. 4) Cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì "muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức". 5) Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, việc khó có thanh niên, gặp gian khổ phải đi lên phía trước, khi hưởng thụ phải hưởng thụ sau mọi người và "điều gì phải, thì cố làm cho kỳ được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ"[8]…
Bác Hồ với thanh niên. Ảnh tư liệu
Đặc biệt, trước khi đi xa, Người dặn trong Di chúc: "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng" vừa "chuyên"[9] và "bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết"... Tình cảm, sự quan tâm và lời dặn của Người thể hiện sâu sắc tầm nhìn và tư duy chiến lược, giới quan khoa học, cách mạng, biện chứng về việc chăm lo vun trồng cội gốc của sự nghiệp cách mạng.
Để có thể phát huy tốt nhất sức mạnh, tính tiên phong của thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Tổ chức Đoàn và Hội Liên hiệp thanh niên không chỉ cần phải tìm ra nhiều hình thức và phương pháp thích hợp để đoàn kết và tổ chức thanh niên một cách rộng rãi và vững chắc mà còn phải làm tốt công tác tư tưởng trong thanh niên. Theo đó, cần phải tập hợp rộng rãi các đối tượng thanh niên, làm cho họ trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, mỗi cán bộ làm công tác Đoàn và Hội phải củng cố tổ chức, phải đoàn kết nội bộ thật chặt chẽ, phải cùng các gia đình và nhà trường tham gia giáo dục cho họ tinh thần yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, "yêu và trọng lao động", "giữ gìn kỷ luật", ý chí cố gắng vươn lên, tích cực, siêng năng, sáng tạo, trung thực, ngay thẳng, khiêm tốn, giản dị và nhất là luôn "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư", luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, thực hành tự phê bình và phê bình thường xuyên, nghiêm chỉnh để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
THANH NIÊN NỖ LỰC, SÁNG TẠO LÀM THEO LỜI BÁC
Thấm nhuần những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam luôn được Đảng đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Việc chăm lo, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển thanh niên được xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước và đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị.
Nối tiếp và phát huy truyền thống cao đẹp của các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành chính quyền, góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ hòa bình, độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, trong hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đã quán triệt quan điểm "xây dựng Đoàn là xây dựng Đảng trước một bước" để phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên trong thi đua thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trong thực tế, các cấp bộ Đoàn, Hội đã phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để triển khai nhiều phong trào hành động cách mạng: "Tuổi trẻ sáng tạo", "Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc", "Lập thân, lập nghiệp, xây dựng đất nước phồn vinh", "Bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an ninh", "Nâng cao dân trí, bồi dưỡng tài năng trẻ, phát triển văn hóa, thể thao", "Công tác xã hội, bảo vệ môi trường", "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam", "Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam"… Đặc biệt, phong trào "Thanh niên tình nguyện", "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", với những việc làm cụ thể ở các địa phương trong cả nước như thăm hỏi, làm vệ sinh, tặng quà gia đình chính sách, thương bệnh binh; phối hợp với cơ sở để tu sửa, trồng cây tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, thắp nến tri ân tại các đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ; chung sức cùng cộng đồng, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, bà mẹ việt Nam anh hùng, chăm lo cho thiếu nhi… đã làm cho tinh thần và sức trẻ Việt Nam lan tỏa trong cộng đồng. Cùng với đó, các phong trào thanh niên xung kích làm chủ khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, làm giàu chính đáng cũng góp phần để thanh niên được trải nghiệm, rèn luyện, trưởng thành trong học tập, lao động, hoạt động khoa học, xã hội, phấn đấu, trở thành nguồn lực bổ sung cho Ðảng, kế tục sự nghiệp cách mạng của các bậc cha anh.
Đặc biệt, năm 2019, cùng với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đợt sinh hoạt chính trị "Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác" với các phong trào thi đua, các hoạt động sôi nổi, được triển khai rộng khắp đã thêm một lần làm cho tuổi trẻ cả nước nhận thức sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; hiểu rõ hơn về tình thương yêu, sự kỳ vọng của Người dành cho tuổi trẻ nước nhà.
Năm 2019, sau hơn 8 tháng triển khai, đã có hơn 11 triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động do các cấp bộ Đoàn trong cả nước. Hơn 32.000 công trình thanh niên làm theo lời Bác các cấp được thực hiện, gần 34.000 điển hình thanh thiếu nhi làm theo lời Bác được tuyên dương. Một số hoạt động tiêu biểu đạt kết quả tốt như: Hội thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh "Ánh sáng soi đường" lần thứ III, với 686.590 sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước tham gia; Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh"; Hành trình theo chân Bác đến với các địa danh lịch sử, di tích cách mạng gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, với hơn 2 triệu lượt đoàn viên, thanh niên trong và ngoài nước tham gia… |
Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn một bộ phận thanh niên chậm tiến, rèn luyện, phấn đấu thiếu nghiêm túc, lười học tập và tu dưỡng đạo đức; phai nhạt lý tưởng, sống buông thả, vi phạm pháp luật; vô cảm trước những khó khăn, thử thách của đất nước; chạy theo lối sống thực dựng, trọng lợi ích vật chất; thiếu bản lĩnh trước những thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch…
Thời gian tới, để phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên trong học tập, lao động, rèn luyện, để tuổi trẻ nước nhà xứng đáng với sự kỳ vọng của Bác Hồ, cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, các cấp bộ Đoàn, Hội cần quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của thế hệ trẻ, về "đổi mới nội dung, phương thức chính trị, tư tưởng, truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật cho thế hệ trẻ"[10] nói chung, thanh niên nói riêng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc, có chất lượng cao Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015-2030" để bồi dưỡng lực lượng kế cận vừa hồng vừa chuyên.
Hai là, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - Đoàn, Hội - xã hội trong công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ toàn diện về mọi mặt nói chung, thanh niên nói riêng. Trong đó, chú trọng nguyên tắc đào tạo gắn với bồi dưỡng, tin tưởng giao việc, tạo điều kiện để tuổi trẻ được trải nghiệm, phấn đấu và trưởng thành; xây dựng nguồn cán bộ trẻ, đảm bảo quy hoạch cho trước mắt và lâu dài, góp phần xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước; có đạo đức, lối sống văn hóa, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, chủ động hội nhập; có trí thức, sức khỏe, hoài bão, khát vọng vươn lên.
Ba là, trong từng kế hoạch, chương trình, nội dung hành động của mỗi cấp bộ Đoàn và Hội phải gắn bồi dưỡng lý luận chính trị, lý tưởng cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tri thức khoa học với rèn luyện đạo đức cách mạng theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; coi đó là nhu cầu tự thân của mỗi người, mỗi tổ chức cơ sở Đoàn, Hội, mỗi thanh niên. Cùng với đó, gắn xây dựng tổ chức Đoàn, Hội trong sạch vững mạnh với thực hiện nhiệm vụ chính trị, với phòng chống suy thoái về đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, tạo động lực cho thanh niên học tập, tu dưỡng, phấn đấu, cống hiến tài năng, sáng tạo để xây dựng và phát triển đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh.
Trao quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Bốn là, tổ chức nhiều hơn những phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước phù hợp, gắn với công tác giáo dục truyền thống cách mạng và lịch sử dân tộc, bám sát các sự kiện lịch sử, chính trị, văn hóa của đất nước để khơi dậy sức trẻ của thanh niên. Tiếp tục triển khai hiệu quả ba phong trào hành động cách mạng: "Thanh niên tình nguyện", "Tuổi trẻ sáng tạo", "Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc" trong từng nhóm đối tượng và duy trì các phong trào đặc thù để da dạng hóa các hoạt động của Đoàn và Hội, tạo môi trường để thanh niên sáng tạo, tình nguyện, đóng góp tích cực vào đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ đó, xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong thế hệ trẻ để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Năm là, phát huy tính tự giác trong học tập nâng cao tri thức, rèn luyện đạo đức, lối sống, kỹ năng nghề nghiệp gắn với thường xuyên bồi dưỡng thể chất, rèn luyện thân thể của mỗi thanh niên ở mọi nơi, mọi lúc và suốt đời, để xây dựng tương lai cho chính mình và đi tiên phong "phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ người chủ của nước nhà"[11]. Cùng với đó, mỗi thanh niên tích cực dấn thân, đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, phê phán những thói hư, tật xấu, lối sống vị kỷ, thực dụng và cổ vũ lối sống trong sạch, có chí tiến thủ, tinh thần đoàn kết; thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình để giúp nhau cùng tiến bộ, vững tin thực hiện ước mơ, hoài bão của mình, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn./.
TS. Văn Thị Thanh Mai - Nguồn Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương