CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Theo gương Bác
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2020): BÁC HỒ VỚI BÌNH ĐỊNH
Chủ nhật 17/05/2020 17:47
Trên đường từ Huế vào Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh mở đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã dừng chân tại Bình Định khoảng hơn một năm (5/1909 - 7/1910). Thời gian học tập và hoạt động ở Bình Định, trong đó có An Nhơn của Người không dài nhưng đầy ý nghĩa, Người đã đến nhiều nơi, gặp nhiều người trên vùng đất lắng đọng tinh hoa văn hóa và chiều sâu lịch sử.

Di tích huyện đường Bình Khê - Tây Sơn - Bình Định

Cùng với Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận, Sài Gòn, quê hương Bình Định đã gắn bó với thân thế sự nghiệp vĩ đại của Nguyễn Tất Thành trong khoảng thời gian từ thuở thiếu thời, nuôi chí lớn, tiếp bước trên hành trình xuyên Việt, rồi rời bến cảng Nhà Rồng, tạm xa Tổ quốc ngót 30 năm (1911 - 1941) tìm đường cứu nước.

Những năm đầu thế kỷ XX là thời kỳ đen tối dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến. Trong bối cảnh ấy, năm 1909 khi đang học dở dang chương trình Tiểu học, Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào kháng thuế (1908), bị thực dân Pháp theo dõi và buộc phải thôi học. Rời bỏ Trường Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định là quyết định có tính bước ngoặt đầu tiên của người thanh niên yêu nước. Tạm dừng con đường học hành để lập thân theo lối truyền thống, Nguyễn Tất Thành rẽ sang con đường mới, con đường cứu nước, mà Bình Định là điểm dừng chân đầu tiên.

 Những ngày tháng Nguyễn Tất Thành ở Bình Định là thời gian xứ sở này mang đầy thương tích xã hội sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, triều nhà Nguyễn thực hiện  chính sách trả thù hèn hạ, dân chúng lầm than. Sau đó lại cùng cả nước rơi vào cảnh nô lệ bởi thực dân Pháp xâm lược, bị thực dân, phong kiến đàn áp đẫm máu, nhất là khi nổ ra phong trào Cần Vương và phong trào chống sưu thuế với khí thế đấu tranh sục sôi nhưng đều thất bại, chịu cảnh đầu rơi máu chảy, sống cơ cực dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân, phong kiến. Những trải nghiệm trên vùng đất trầm tích văn hóa "thượng võ, trọng văn, tụ nghĩa" đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng nhân văn của Người. 

Trong tập Ký ức Hội thảo khoa học "Nguyễn Tất Thành ở Bình Định", do Tỉnh ủy Bình Định phát hành năm 2010, có 57 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, các sử gia theo cách tiếp cận của mình đã phân tích, làm sáng tỏ sự kiện quan trọng trong buổi thiếu thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người dừng chân ở Bình Định.

Giáo sư Vũ Khiêu - Nguyên Viện trưởng Viện Triết học, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học và xã hội Việt Nam khẳng định: "Trước khi lên đường đi nước ngoài, Bác đã dừng chân tại đây với tấm lòng đầy quý mến đối với một địa danh lừng lẫy trong chiến đấu anh hùng chống áp bức bóc lột, với sự nghiệp vĩ đại của Tây Sơn và các thế hệ tiếp theo".

Bác Hồ đặt chân lên mảnh đất mang đậm những phẩm chất văn hiến và anh hùng và có những nét riêng khi nhìn lại lịch sử hơn 200 năm trước với cuộc khởi nghĩa Chàng Lía, chỉ ba năm sau diễn ra cuộc khởi nghĩa long trời lở đất của Tây Sơn, rồi liên tiếp những phong trào chống thực dân, phong kiến hừng hực khí thế…

Về ngày tháng Nguyễn Tất Thành ở Bình Định có một số tư liệu chưa thật khớp nhau, do điều kiện ghi chép và lưu trữ lúc bấy giờ khó khăn và tiếp cận tư liệu khó có thể từ một nguồn. Có tư liệu ghi ngày 01/7/1909, cụ Nguyễn Sinh Sắc nhậm chức Tri huyện Bình Khê, hai anh em Nguyễn Tất Đạt và Nguyên Tất Thành theo cha đến đây, nhưng có tài liệu nói tháng 4/1909 Nguyễn Tất Thành đã đến Quy Nhơn…

Tiến sỹ Phan Xuân Thành - Hội Khoa học lịch sử Nghệ An dẫn tác phẩm "Chuyện kể về thời niên thiếu của Bác Hồ" Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin năm 2008 thì cho rằng: Trung tuần tháng 5/1909 cụ Nguyễn Sinh Huy (tức Nguyễn Sinh Sắc) thân sinh Bác Hồ, có mặt ở Bình Định để chấm thi tại trường thi Hương (Hòa Nghi - Nhơn Hòa) khoa Kỷ Dậu vào ngày 6/3/1909, năm Duy Tân thứ 3, tức ngày 5/5/1909 - Dương lịch. Sau đó, cụ Nguyễn Sinh Sắc từ Quy Nhơn lên luôn Bình Khê nhậm chức Tri huyện mà không trở về Huế nữa, và đến tháng 6/1909, Nguyễn Tất Thành theo cha lên Bình Khê. Tư liệu này có sức thuyết phục, vì có lời khai của bà Nguyễn Thị Thanh (chị ruột Bác Hồ) với mật thám Pháp ngày 7/5/1920, nói rõ thân phụ bà đi nhậm chức Tri huyện Bình Khê có đưa Tất Đạt và Tất Thành cùng đi.

Thời gian ở Bình Khê, Nguyễn Tất Thành và anh là Nguyễn Tất Đạt được thân phụ đưa đi thăm các sĩ phu, những người có khí tiết, nghĩa cả. Đồng thời đi thăm các di tích lịch sử trên quê hương Hoàng đế Quang Trung, nơi phát tích phong trào nông dân Tây Sơn, thăm tháp cổ Chămpa và những danh thắng hai bên dòng sông Côn…

Nguyễn Tất Thành được cha gửi cho người bạn thân là trợ giáo Phạm Ngọc Thọ tại Trường Tiểu học Pháp - Việt ở Quy Nhơn (là cha bác sĩ Phạm Ngọc Thạch) để học hết lớp cao đẳng và học thêm tiếng Pháp. Anh thanh niên Nguyễn Tất Thành lúc ấy vừa tròn 20 tuổi, thông minh, nhanh nhẹn, chín chắn, lễ phép nên được gia đình thầy Phạm Ngọc Thọ hết mực yêu quý, dành mọi thuận lợi cho việc ăn ở và học hành, bố trí ở phòng đọc sách để học tập, nghiên cứu.

Trong thời gian này, anh Thành còn được cha đưa đến làng Vinh Thạnh (Phước Lộc, Tuy Phước) thăm gia đình danh nhân văn hóa, Quan Thượng Thư Đào Tấn, từng giữ chức Tổng Đốc An - Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh), Hậu Tổ hát Tuồng, có hai người con đều là học trò của cụ Nguyễn Sinh Sắc. Cụ Đào Vinh Thạnh là người có ơn nghĩa, lo chu đáo đám tang bà Hoàng Thị Loan (mẹ Bác Hồ) ở Huế khi cụ Sinh Sắc không về kịp, vì vậy mà hai cụ Đào - Nguyễn vốn là bạn thân thiết với nhau.

Vào tháng 01/1910, Nguyễn Tất Thành nhận được tin thân phụ, cụ Nguyễn Sinh Sắc, một ông quan liêm khiết, yêu nước thương dân, có tư tưởng tiến bộ, đã bị "triệu hồi" chức Tri huyện Bình Khê, chờ trở về kinh đô để xem xét. Nguyễn Tất Thành trăn trở suy nghĩ nhiều, nhưng quyết định không theo cha và anh Đạt về kinh mà đi tiếp xuống phía Nam. Anh ở lại nhà thầy Phạm Ngọc Thọ thêm một thời gian để thụ huấn từ người thầy giàu lòng yêu nước và tiếp tục học tiếng Pháp, đồng thời hoàn thành chương trình tiểu học vào khoảng tháng 6/1910, làm hành trang đi tiếp.

Đã đến lúc diễn ra cuộc chia ly lịch sử giữa ba cha con cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Có tư liệu ghi cuộc chia tay diễn ra tại một trong ba nơi: một là cầu Ba Di, hai là Vinh Thạnh, ba là Đồng Phó. Theo cách lý giải của tác giả Văn Sử - Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, thì ngày 17/01/1910 (tức mùng 7 tháng Chạp năm Kỷ Dậu) Nguyễn Sinh Sắc bị cách chức Tri huyện Bình Khê. Sau đó cụ phải bàn giao công việc ở huyện đường và về tỉnh thành (thành Bình Định) nằm chờ, đợi ngày đưa ra Huế xét xử. Thời gian chờ đợi có thể cụ Nguyễn Sinh Sắc ở tại nhà Dịch Đình (gọi là Dịch xá, Thừa dịch) nằm cạnh đường Thiên Lý, (quốc lộ 1A, ngay ngã ba đường lên Cửa Đông thành Bình Định xưa). Thời gian hơn một tháng nằm chờ, thực ra là bị quản thúc, cụ Nguyễn Sinh Sắc không thể đi đâu xa mà chỉ nhờ người nhắn tin Nguyễn Tất Thành đang ở nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ lên thăm ở Dịch Đình và cha con chia tay tại đây.

Dịch Đình là nơi đón tiếp các quan từ xa đến, các quan trong tỉnh về, lại sát con đường ra Bắc vào Nam. Những ngày đầu theo cha từ Huế vào Bình Định, Nguyễn Tất thành đã cùng cha và anh lưu trú tại nhà Dịch Đình. Vậy nên, khi nhận tin cha bị hoạn hạn, Nguyễn Tất Thành lập tức xin thầy giáo Phạm Ngọc Thọ từ Quy Nhơn lên thành Bình Định thăm và ở bên cha những ngày cuối cùng tại Dịch Đình cho tới khi cụ Nguyễn Sinh Sắc bị dẫn giải ra Huế.

Do mẹ mất sớm, cho nên đối với các con, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vừa là người cha, vừa là người mẹ, vừa là người thầy. Biết Nguyễn Tất Thành là người con nuôi chí lớn, những ngày ở Dịch Đình cụ Nguyễn Sinh Sắc đã dành cho Nguyễn Tất Thành tình cảm đặc biệt. Cụ đã viết thư cho thầy Phạm Ngọc Thọ để Nguyễn Tất Thành ở lại đó học thêm Pháp ngữ. Cụ còn viết thư cho người bạn đồng liêu là ông nghè Trương Gia Mô ở Bình Thuận, nhờ giúp đỡ khi Nguyễn Tất Thành vào tới trong đó. Rồi giây phút chia ly của ba cha con Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành cũng đã đến. Nếu tính từ ngày 17/01/1910, cụ Nguyễn Sinh Sắc bị cách chức Tri huyện Binh Khê, cộng với hơn một tháng cụ nằm chờ tại Dịch Đình, thành Bình Định, thì có thể cụ bị giải về Huế vào một ngày cuối tháng 02/1910.

Tại đây, không thể không diễn ra cảnh bịn rịn chia tay giữa ba cha con, cùng nhau rời nhà Dịch Đình bước ra con đường Thiên Lý. Cụ Phó bảng ân cần căn dặn Nguyễn Tất Thành về lại nhà thầy giáo Thọ ở Quy Nhơn để tiếp tục việc học và chuẩn bị hành trang lên đường vào Nam thực hiện chí lớn. Còn cụ Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Đạt đi giữa những người lính dẫn giải ra Huế cho kịp ngày quy định của triều đình. Sau cuộc chia ly lịch sử ấy, Bác Hồ không bao giờ gặp lại được người cha kính yêu, người anh quý mến và người dân Bình Định sâu nặng nghĩa tình.

Sau hơn bốn mươi năm từ khi chia tay cha ở Bình Định, năm 1955 đất nước bắt đầu chia cắt, khi gặp đoàn đại biểu Bình Định tại Hà Nội, biết có người quê ở huyện Bình Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi: "Nhà các cô, các chú có gần sông Côn không? Nước sông Côn vẫn trong đấy chứ? Ngấn nước sau mỗi mùa mưa vẫn cứ để lại trên các bờ cây ven sông?". Sinh thời, Bác đau đáu nghĩ tới miền Nam: "Miền Nam luôn trong trái tim tôi", Bình Định là vùng đất hơn một năm Bác lưu lại. Núi non hùng vỹ, sông nước hiền hòa và tình cảm ấm áp của người dân ở đây ít nhiều đã thôi thúc bước chân Người trên hành trình vạn dặm và càng không bao giờ phai nhạt nghĩa nặng, tình sâu giữa Bác Hồ với Bình Định và Bình Định với Bác Hồ.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ những lời ca da diết trong nhạc phẩm Miền Trung nhớ Bác của nhạc sỹ Thuận Yến, người con miền Trung tập kết ra Bắc: "Trời Bình Khê xanh trong bát ngát/ Lưu luyến một chiều Bác đến thăm Cha/ Chia sẻ ngọt lành trước lúc đi xa…" càng thấm thía nghĩa tình sâu nặng của nhạc sỹ, của người dân miền Trung đối với Bác Hồ kính yêu. 

Hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh Bác Hồ vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2020), là người dân Bình Định, càng vui mừng và tự hào khi ai cũng biết nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ anh minh - Danh nhân văn hóa thế giới - Anh hùng giải phóng dân tộc lại chính là Nguyễn Tất Thành mà 110 năm trước từng có những ngày tháng về sống với quê hương của đoàn quân áo vải Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Càng phấn khởi hơn, khi tượng đài cha con Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành - Tượng đài lòng dân, được xây dựng hoành tráng, sừng sững đứng giữa quảng trường trong lòng thành phố biển Quy Nhơn tươi đẹp lộng gió, ngay trên đại lộ mang tên Nguyễn Tất Thành, một di tích văn hóa - lịch sử quý hiếm để lại cho muôn đời sau, đáp ứng lòng mong đợi của bao thế hệ người dân Bình Định./.

Chính Đức