Học và làm theo Bác, Bộ đội Biên phòng tỉnh phát động và triển khai mô hình "Nâng bước em tới trường" đem lại sức lan tỏa lớn trong nhân dân các xã ven biển ở tỉnh ta
Qua thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII, tỉnh ta đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua với cách làm có nhiều sáng tạo, đổi mới và đem lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ðiển hình như phong trào "Tỉnh Bình Định chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" được triển khai rộng khắp, phát huy hiệu quả; đã huy động các nguồn lực xã hội tạo sinh kế và cải thiện đời sống cho người nghèo; kết quả đến nay đã có hơn 1.172 hộ nghèo, 795 hộ gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh khó khăn được các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân nhận giúp đỡ, hỗ trợ; qua đó, đã giúp hơn 350 hộ nghèo thoát nghèo bền vững, gần 400 hộ gia đình chính sách vượt qua được hoàn cảnh khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 5,33%. Các phong trào hoạt động nhân đạo, từ thiện trong tỉnh cũng được nhiều tổ chức, cá nhân hưởng ứng tham gia và ủng hộ tổng giá trị hơn 138 tỷ đồng; trong đó, "Quỹ Vì người nghèo" đã được các cấp trong tỉnh vận động hơn 11,3 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 83 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo và hộ cận nghèo; riêng phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân da cam" Xuân Mậu Tuất 2019 gắn với kêu gọi cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai mưa lũ đã vận động và trao 60.957 suất quà, giúp đỡ cho hơn 36.643 lượt hộ nghèo, 2.626 lượt hộ nạn nhân da cam, 21.688 lượt hộ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ mổ mắt đục thủy tinh thể, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 23.991 lượt hộ nghèo; duy trì bếp ăn tình thương phục vụ 411.969 lượt người... với tổng giá trị hơn 95,4 tỷ đồng; cấp 374.130 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội: người nghèo 73.020 thẻ, cận nghèo 8.698 thẻ, người đồng bào dân tộc thiểu số 13.379 thẻ, người dân xã, thôn đặc biệt khó khăn 190.913 thẻ.
Phong trào thi đua "Tỉnh Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới" cũng được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh thực hiện gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân, giúp người dân xác định được mình là chủ thể chính trong xây dựng nông thôn mới, từ đó chủ động, tự giác đóng góp nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ tài sản chung, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp. Ðồng thời, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn; vận động các doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng giúp các xã xây dựng nông thôn mới và liên doanh liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Ðến nay, chương trình xây dựng nông thôn mới đã bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân, diện mạo nông thôn của các xã đã có nhiều khởi sắc, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Hiện có 77/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 63,6%... hai thị xã: Hoài Nhơn, An Nhơn đã được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới sớm nhất của tỉnh, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; xã Ân Đức (huyện Hoài Ân), xã Hoài Đức (thị xã Hoài Nhơn) và xã Nhơn Mỹ (thị xã An Nhơn) là những xã tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Đáng chú ý nhất là các phong trào trong công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ trong tỉnh tiếp tục được lan tỏa và đem lại hiệu quả thiết thực; các phong trào tuổi trẻ học tập và làm theo Bác bằng các hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực như: hội thi, thi trực tuyến, triển lãm ảnh, tọa đàm, diễn đàn, sinh hoạt chuyên đề, đăng ký và thực hiện các công trình, phần việc làm theo lời Bác... theo từng nhóm đối tượng thanh niên. Đó là đối với thanh niên ở nông thôn: thực hiện cuộc vận động "Tuổi trẻ Bình Định chung tay xây dựng nông thôn mới", phong trào: "Thanh niên nông thôn thi đua sản xuất kinh doanh giỏi"; Thanh thiếu niên trong trường học thực hiện "Sinh viên 5 tốt", "Học sinh 3 rèn luyện". Thanh niên công chức, viên chức thực hiện: phong trào "Ba trách nhiệm", " Văn hóa công sở", "Năng động, sáng tạo, giỏi nghề, trong sạch, yêu nước". Thanh niên công nhân: phong trào "Ôn lý thuyết, luyện tay nghề", "Cải tiến, hợp lý hóa sản xuất", "Sáng tạo trẻ", "Lao động giỏi, lao động sáng tạo". Thanh niên lực lượng vũ trang: phong trào "Tuổi trẻ lực lượng vũ trang tỉnh học tập và làm theo Bác"...
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh ta có nhiều phong trào gắn với học và làm theo Bác tiếp tục lan tỏa và hoạt động ngày càng hiệu quả, như phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" của các cấp hội nông dân; "Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà" của hội phụ nữ; "Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" của đoàn thanh niên; phong trào "thi đua quyết thắng" trong lực lượng vũ trang; phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" trong nhân dân; phong trào thi đua "Vì an ninh tổ quốc", "Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ","Học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy" gắn với khẩu hiệu hành động "Kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả" trong toàn lực lượng công an; phong trào "Sinh viên 5 tốt","Học sinh 3 rèn luyện" trong học sinh, sinh viên;…
Bằng nhiều hình thức triển khai đa dạng, phong phú và những việc làm cụ thể, thiết thực, phong trào học và làm theo Bác ngày càng lan tỏa sâu rộng và nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tuy mỗi phong trào có quy mô và cách làm khác nhau nhưng đều là những biểu hiện sinh động của việc thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống thi đua ái quốc mà Bác đã dặn dò. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học và làm theo Bác được các cấp biểu dương, khen thưởng. Ðây chính là những tấm gương sáng để mọi chúng ta noi theo, cùng có những hành động, việc làm thiết thực góp phần đưa phong trào học và làm theo Bác tiếp tục lan rộng.
Nguyễn Huỳnh Huyện