Theo tác giả Đỗ Quyên trong tác phẩm "Nguyễn Tất Thành ở Bình Định", thì Nguyễn Tất Thành ở Bình Định khoảng hơn một năm, từ 18/5/1909 đến 30/6/1910. Trước biến cố cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc bị "triệt hồi" chức tri huyện Bình Khê, để "lai kinh hậu cứu". Tháng 3/1910, Nguyễn Tất Thành từ Quy Nhơn đến "dịch xá" (là nơi lưu lại của các quan huyện khi về tỉnh) để gặp gỡ cha và anh trai trước khi về Huế; Nguyễn Tất Thành ở lại Quy Nhơn một thời gian, tháng 8/1910 đã theo cụ Phạm Ngọc Thọ vào Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận) dạy học. Trong lần gặp nhau và từ biệt cha, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã nhắc nhở Nguyễn Tất Thành "Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì?"[1].
Lời dặn của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại mảnh đất Bình Định, như "truyền lửa" thúc đẩy động lực yêu nước, thương dân để Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân tộc thoát khỏi ách nô lệ. Năm 1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn rồi lên tàu ở cảng Nhà Rồng, thực hiện hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ và đến 30 quốc gia, hàng trăm thành phố lớn, nhỏ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa và cuối cùng đã tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước, cứu dân tộc Việt Nam, bằng con đường cách mạng vô sản.
Trong thời gian ở Bình Định, Nguyễn Tất Thành chủ yếu học tiếng Pháp và hoàn thiện chương trình lớp nhất. Những kiến thức thu được là rất bổ ích cho sự nghiệp cứu nước sau này của Người. Tiếng Pháp giúp Nguyễn Tất Thành hiểu thêm nền văn minh Pháp, văn minh phương Tây. Học với một thầy giáo yêu nước, Nguyễn Tất Thành được hấp thụ thêm nhiều điều bổ ích để cứu nước, cứu dân sau này.
Để bổ sung những kiến thức đã học, Nguyễn Tất Thành đã đi nhiều nơi trong tỉnh, tìm hiểu các địa danh khác nhau, như tìm hiểu truyền thống thượng võ của nhân dân Bình Định, đặc biệt là đến thăm Bình Khê, thăm các địa danh lịch sử gắn với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, "Con người và thiên nhiên của vùng đất này in sâu đậm trong tâm khảm Nguyễn Tất Thành"[2]. Trong sách Quê hương người áo vải, của Mai Khắc Ứng đã kể: "Đầu xuân 1955, khi gặp đoàn đại biểu tỉnh Bình Định, Người hỏi: Nhà các cô, các chú có gần sông Kôn không? Nước sông Kôn vẫn trong đấy chứ? Ngấn nước sau mỗi mùa mưa vẫn cứ để lại trên các bờ cây ven sông?"[3]. Nguyễn Hữu Hiếu còn nói: "Những lần Cung (Nguyễn Tất Thành) lên thăm cha đều được cụ Huy đưa đi thăm di tích vùng Tây Sơn, để chiêm ngưỡng vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ…"[4]. Như vậy, những ngày tháng ở đây đã lưu lại trong tâm khảm người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành những ấn tượng sâu đậm về mảnh đất, văn hóa con người Bình Định.
Không những thế, Nguyễn Tất Thành còn tận mắt chứng kiến cuộc sống cơ cực của nhân dân Bình Định; thực dân phong kiến đã rêu rao "Tự do, Bình đẳng, Bác ái" chúng luôn tự cho là quan phụ mẫu, ra sức đè đầu, cưỡi cổ, bóc lột người dân đến lầm than…Với những người luôn hết lòng vì dân, đứng về chính nghĩa, bảo vệ dân nghèo, trung kiên, tiết tháo như tiến sỹ Hồ Sỹ Tạo, tri huyện Tân Định (Khánh Thuận), giải nguyên Lê Chuẩn, Nguyễn Hàm, Thượng Giang (tức Đồng Phó)… thì bị chúng giam cầm, đầy ải bởi tội "yêu nước, thương dân"! Hình ảnh người cha của Người - cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tri huyện Bình Khê vì bảo vệ nhân dân, bênh vực người nghèo, giúp đỡ người yêu nước, xử lý nghiêm khắc bọn tổng lý hà lạm, ức hiếp dân lành cuối cùng cũng "Bị cách chức ngày 17/1/1910 về hậu cứu, bị kết án lao trượng, sau đổi thành án giáng 4 cấp và thải hồi vì đã lạm quyền đến nỗi dẫn đến cái chết của Tạ Đức Quang, bản án số 140 của Hội đồng nhiếp chính làm ngày 19/5/1910 và cùng được duyệt ngày 27/8 cùng năm"[5]. Như vậy, trong thời gian ở Bình Định có ý nghĩa không nhỏ, góp phần hình thành tư tưởng cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Trong hành trình trước khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi qua ba miền đất nước Bắc - Trung - Nam, từ quê hương Nam Đàn - Nghệ An đến bến Nhà Rồng - thành phố Hồ Chí Minh. Có thể nói mảnh đất Bình Định không chỉ là nơi chứng kiến tình cảm của cha con cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành với Bình Định, mà còn là nơi diễn ra cuộc chia tay lịch sử giữa cha và con, để rồi sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã trở về không bao giờ gặp người cha kính yêu nữa. Năm 2015, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Định và được Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, tượng đài "Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành" được xây dựng ở thành phố Quy Nhơn ghi lại dấu ấn về thời trai trẻ của Bác Hồ đã trăn trở với nỗi đau mất nước, khát khao hướng tới một chân lý cao cả, tìm đường cứu nước cứu dân.
Tượng đài "Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành" còn có ý nghĩa rất lớn, không chỉ nhắc về sự kiện lịch sử Bác Hồ với Bình Định, mà còn mang ý nghĩa giáo dục lý tưởng cách mạng, giúp thế hệ con cháu hôm nay và mai sau tiếp nối ý chí, nghị lực của Bác, sống mãi lý tưởng trọn đời vì nước, vì dân./.
Nguyễn Huỳnh Huyện
[1] Trần Minh Siêu: Những người thân trong gia đình Bác Hồ, Nxb Nghệ An – 2004, tr 34.
[2] Đỗ Quyên: Nguyễn Tất Thành ở Bình Định, Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Bình Định, 2008, tr 46
[3] Mai Khắc ứng: Quê hương người áo vải, Sở Vân hoá và thông tin Nghĩa Bình, 1986, tr 81
[4] Nguyễn Hữu Hiếu, Ngô Bé: Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc, 1990, tr 67
[5] Dẫn theo: Đỗ Quyên: Nguyễn Tất Thành ở Bình Định, Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Bình Định, 2008, tr 112