CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Theo gương Bác
Phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ sáu 20/11/2020 11:17

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới sự nghiệp giáo dục và đào tạo với quan điểm: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước đứng trước biết bao thử thách, các thế lực phản động trong và ngoài nước điên cuồng chống phá cách mạng nước ta; kinh tế, tài chính kiệt quệ, nạn đói khủng khiếp hoành hành. Trong tình thế khó khăn như vậy, Người vẫn quan tâm và đặt công việc giáo dục và nâng cao dân trí là một trong những công việc cấp bách của chính quyền cách mạng. Ngay trong phiên họp đầu tiên, ngày 3/9/1945 của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người đã nói với các bộ trưởng rằng: "Nạn dốt - Là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ. Nhưng chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ". Thực hiện lời kêu gọi của Người, phong trào chống nạn mù chữ đã được phát động và nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của toàn dân. Với khẩu hiệu "Đi học là yêu nước", các lớp bình dân học vụ được thành lập ở khắp các địa phương; từ các cụ già đến em trẻ, từ anh công nhân đến chị nội trợ đều tham gia học tập với tinh thần hăng say.

Tháng 9/1945, trong Thư gửi các học sinh, Người viết: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Lời dạy đó đã trở thành nguồn sức mạnh, cổ vũ các thế hệ học sinh Việt Nam ra sức học tập và trưởng thành, góp phần to lớn vào kết quả đạt được của chiến dịch chống nạn mù chữ do Người khởi xướng; đóng góp vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc.

Trong giai đoạn hiện nay, giáo dục và đào tạo ngày càng khẳng định vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế, là nền móng của chiến lược phát triển con người, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, Đảng ta đã xác định giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển giáo dục và đào tạo đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành, triển khai thực hiện và đã nhiều thành tựu quan trọng như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000 (Nghị quyết số 02-NQ/HNTW); Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 29-NQ/TW). Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã thực hiện 3 lần cải cách giáo dục vào những năm 1950, 1956, 1981 và hiện nay, chúng ta đang triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW. Qua 7 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 29-NQ/TW đã được các cấp, các ngành triển khai tích cực từ Trung ương tới cơ sở và từng bước đi vào cuộc sống, lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã đạt được một số kết quả quan trọng. Sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với giáo dục và đào tạo được tăng cường; đổi mới giáo dục và đào tạo được thực hiện ở tất cả các cấp học, ngành học. Ngành giáo dục đã thể hiện quyết tâm đổi mới và kiên trì thực hiện nhiệm vụ cốt lõi, đột phá. Hệ thống giáo dục quốc dân từng bước được củng cố và sắp xếp lại, bước đầu xây dựng xã hội học tập và tạo điều kiện cho mọi người học tập suốt đời. Công tác quản lý giáo dục từng bước được đổi mới, coi trọng quản lý chất lượng; bước đầu thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục. Công tác quản lý giáo dục bước đầu chuyển từ cơ chế "chỉ huy và kiểm soát" sang "giao quyền và giám sát". Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại cần sớm điều chỉnh, khắc phục trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Để thích ứng và chớp lấy cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển, nguồn nhân lực đã trở thành yếu tố đóng vai trò quyết định. Chính vì thế, đòi hỏi Đảng và Nhà nước, Chính phủ không ngừng điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về phát triển giáo dục và đào tạo, thích ứng với sự thay đổi trên toàn cầu. Đồng thời, cũng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần làm tốt vai trò tham mưu và tổ chức thực hiện, sớm đưa chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống, góp phần khai thác tốt các tiềm năng và lợi thế, xây dựng nguồn nhân lực nước nhà đáp ứng yêu cầu của thời đại, tạo ra bước đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đưa đất nước "bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu" như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

                                        Ngọc Hà

 

 

 

Các tin liên quan