CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Theo gương Bác
Nông dân Ðinh Văn Hùng: Hạnh phúc với những việc mình làm!
Thứ hai 20/02/2023 09:50

Dám nghĩ, dám làm, tự tạo cơ hội làm giàu cho mình, hỗ trợ dân làng thoát nghèo bền vững là đóng góp nổi bật của nông dân Đinh Văn Hùng (SN 1970, người Bana ở làng M9, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh). Năm 2022, ông Hùng là điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vinh dự được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen.

Đi đầu trong sản xuất, kinh doanh giỏi

● Chào ông! Xin chúc mừng ông vừa được nhận bằng khen về điển hình trong học tập và làm theo Bác. Ông có thể chia sẻ về hành trình vượt khó, vươn lên làm giàu của mình?

Cách đây gần 20 năm, M9 là làng tái định cư của gần 100 hộ dân vùng lòng hồ Định Bình. Buổi đầu đến định canh định cư tại vùng đất mới này, gia đình tôi gặp không ít khó khăn do chưa quen với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Dù có diện tích đất đai tương đối rộng, nhưng sản xuất thường xuyên thất bát, kinh tế gia đình khó khăn.

Không nản chí, tôi tự mày mò, nghiên cứu kiến thức trồng trọt và chăn nuôi qua báo chí, trực tiếp trao đổi kinh nghiệm sản xuất qua các buổi tập huấn của cán bộ Hội Nông dân xã, cán bộ khuyến nông để làm giàu kiến thức cho mình, bắt đầu hành trình chinh phục vùng đất khó.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Xuân (đầu tiên bên trái) trao bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác năm 2022 cho ông Đinh Văn Hùng (thứ 2 từ trái sang). Ảnh: N.HÂN

Buổi đầu lập nghiệp, do còn khó khăn về vốn nên tôi chọn phương án an toàn là “lấy ngắn nuôi dài” để vươn lên. Đầu tiên tôi trồng đậu đen, đậu phụng, mì kết hợp chăn nuôi bò, heo, rồi đào ao thả cá. Với phương pháp này, nhờ áp dụng hiệu quả các tiến bộ KHKT vào sản xuất nên năng suất cây trồng tăng cao, mang lại nguồn thu nhập ban đầu kha khá.

Khi đã tích lũy được vốn, tôi quy hoạch lại vùng sản xuất của mình, chuyển một số diện tích đất sang trồng cây điều ghép, rồi trồng rừng kinh tế, sản xuất cây trồng cạn ngắn ngày theo mô hình “đa cây, đa con”… Từ đó, kinh tế gia đình tôi bắt đầu ổn định và có tích lũy.

● Và đến nay, sau nhiều năm phát triển thì quy mô và hiệu quả kinh tế của trang trại ra sao?

- Hiện, quy mô trang trại của tôi rộng hơn 9 ha, được chia ra thành nhiều khu sản xuất chuyên canh gồm: khu trồng điều rộng 2,5 ha; khu trồng rừng sản xuất 5 ha; khu trồng mì, đậu phụng, bí đỏ, ớt, dưa hấu 1,2 ha; khu sản xuất lúa nước 2.000 m2; 3 ao nuôi cá rộng 1.500 m2. Tôi còn kết hợp chăn nuôi thêm đàn bò lai sinh sản dưới tán cây điều gần 10 con nữa.

Với quy mô như vậy, liên tục từ năm 2019 đến nay, hằng năm tôi có thu nhập đều đặn 300 - 350 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí sản xuất còn lãi ròng ở mức 200 - 250 triệu đồng. Thường xuyên tạo công ăn, việc làm ổn định cho 10 - 20 lao động tại địa phương, với tiền công 200 nghìn đồng/ngày. 

● Mức lợi nhuận từ làm kinh tế trang trại như vậy đối với nhiều người có thể không cao lắm, nhưng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì đây là điều đáng tự hào. Ông có thể chia sẻ bí quyết mang lại thành công của mình?

- Là hội viên Hội Nông dân, hằng năm được tham dự các hội nghị triển khai, quán triệt các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tôi nhận thức rõ việc học tập và làm theo Bác phải bằng những hành động cụ thể, thiết thực từ công việc hằng ngày của mình. Từ đó, tôi xác định phải quyết tâm tạo ra giá trị cao nhất trên mảnh đất sản xuất của gia đình, bằng sự lao động sáng tạo.

Ông Đinh Văn Hùng (phải) trao đổi, hướng dẫn cách thức trồng trọt hiệu quả với nông dân ở thôn M9.  Ảnh: N.HÂN  

Trong lao động, sản xuất, tôi luôn thấm nhuần, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền”. Cùng với đó, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết rằng lúc sinh thời Bác Hồ luôn dạy rằng: “Nông dân ta giàu thì nước ta mạnh”. Những lời dạy đó luôn thôi thúc, tạo động lực để tôi và gia đình phấn đấu không ngừng để phát triển sản xuất, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà đóng góp chung vào sự phát triển của làng mình, xã mình nữa.

Sống có trách nhiệm, cùng đoàn kết, hỗ trợ nhau thoát nghèo

Không chỉ là hội viên nông dân điển hình, trong nhiều năm qua, với vai trò là Trưởng ban công tác Mặt trận thôn M9, ông Hùng luôn sống có trách nhiệm với cộng đồng; đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ bà con cùng phát triển, cùng làm giàu như mình.

● Ngoài làm giàu cho bản thân và gia đình, để giúp bà con dân làng cùng phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống, ông đã giúp đỡ họ như thế nào?

- Để giúp cho đồng bào Bana thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tôi thường xuyên gần gũi, đến cụ thể từng nhà để nắm bắt những tâm tư, suy nghĩ, những khó khăn mà bà con đang gặp phải để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đối với những hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bên cạnh hỗ trợ vốn không tính lãi để bà con có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, tôi còn tận tình hướng dẫn các kỹ thuật canh tác nông nghiệp hiệu quả bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc”.

Từ năm 2019 đến nay, tôi đã cho 7 hộ trong thôn mượn 15 triệu đồng không tính lãi để đầu tư phát triển sản xuất; chỉ dẫn cho 20 hộ phương pháp trồng thâm canh các loại cây rau màu, chăn nuôi có hiệu quả. Từ sự hướng dẫn của mình, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững.

● Từ những kinh nghiệm của mình, theo ông, để người nông dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, điều cần thiết nhất là gì?

Theo tôi, đó chính là tinh thần dám nghĩ, dám làm, chịu khó, chịu khổ, không chùn bước trước khó khăn, thử thách. Để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả thì người nông dân phải có tinh thần ham học hỏi, cầu tiến để có kiến thức, từ đó áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, người nông dân phải có tinh thần nhạy bén, nắm bắt được nhu cầu của thị trường để sản xuất ra các mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao.

● Ngoài việc tích cực hỗ trợ nông dân, ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội khác tại địa phương…

- Đúng vậy. Trong đại dịch Covid-19 trước đây, tôi đã vận động người thân trong gia đình và bà con dân làng luôn chấp hành tốt công tác phòng, chống dịch. Cá nhân và gia đình tôi đã ủng hộ tiền mặt, hơn 100 kg lương thực, nhu yếu phẩm như bí đỏ, dưa leo, ớt, bầu, mướp, mì tôm, bánh tráng cho người dân vùng bị ảnh hưởng của dịch. Ngoài ra, tôi còn hiến 100 m2 đất, hoa màu, cây ăn quả trong vườn nhà để làm đường giao thông nông thôn… Những việc làm của mình đã thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới.

● Được tặng bằng khen về điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cảm giác của ông thế nào?

- Vui và tự hào lắm! Tôi vui vì những việc làm nhỏ, thiết thực của mình đã tạo sức lan tỏa, góp phần tích cực vào việc phát triển KT-XH tại địa phương. Điều làm tôi cảm thấy hạnh phúc nhất chính là đã góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc…

● Xin cảm ơn ông. chúc ông gặt hái nhiều thành công hơn nữa!

Năm 2021, ông Đinh Văn Hùng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích sản xuất hiệu quả và ổn định, giúp đỡ nông dân xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động giai đoạn 2020 - 2021. Năm 2022, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nông dân tỉnh đã tặng bằng khen cho ông Hùng vì đã có thành tích tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2022.

NGUYỄN HÂN (Thực hiện)  - Nguồn Báo Bình Định