Đứng trước diễn biến của tình hình mới, chính quyền dân chủ nhân dân và các đoàn thể quần chúng của tỉnh tự giải tán tại chỗ, tổ chức Đảng rút vào hoạt động bí mật. Trên 35.000 đảng viên và khoảng 10.700 cán bộ và gia đình kháng chiến tập kết ra Bắc. Số còn lại trên 1.112 đảng viên và 223 cán bộ, được Tỉnh ủy bí mật bố trí hoạt động bất hợp pháp, cùng với 3.129 cốt cán quần chúng hoạt động hợp pháp. Cơ quan lãnh đạo Đảng từ tỉnh được tổ chức gọn nhẹ thành hệ thống đến tận xã.
Ngày 16/5/1955, đối phương tạm quản toàn bộ tỉnh Bình Định. Chúng phát động ngay chiến dịch "tố cộng" đẫm máu, gây ra hàng loạt vụ thảm sát, bắt bớ, giam cầm, tra tấn hàng chục ngàn cán bộ, đảng viên và quần chúng có quan hệ với cách mạng; truy bắt, thủ tiêu hàng trăm cán bộ, đảng viên hoạt động bí mật. Đến cuối năm 1957, toàn tỉnh có 115 cán bộ hoạt động bất hợp pháp bị bắt, trong đó có 13 cán bộ cấp tỉnh, 61 cán bộ cấp huyện, 81 cán bộ cấp xã. Cấp ủy các huyện đồng bằng tổn thất nặng nề. Thành quả cách mạng trong 9 năm kháng chiến chống Pháp bị kẻ thù chà đạp và tước đoạt. Đảng bộ, quân, dân Bình Định phải trải qua những ngày, tháng cực kỳ gian truân và đen tối. Trong những tháng ngày đầy máu và nước mắt đó, biết bao tấm gương trung kiên bất khuất, hiên ngang lẫm liệt của cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng Bình Định xuất hiện, lớp trước ngã xuống, lớp sau đứng lên, xốc tới. Dù không một tấc sắt trong tay, nhưng với niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, vào miền Bắc xã hội chủ nghĩa; Đảng bộ và nhân dân Bình Định vẫn kiên trung chiến đấu, lần lượt làm thất bại các kế hoạch "tố cộng" của Mỹ - Diệm. Sử dụng linh hoạt các phương pháp đấu tranh, từ đấu tranh chính trị đơn thuần, phong trào cách mạng Bình Định chuyển dần lên chiến tranh du kích cục bộ và khởi nghĩa từng phần.
Để đưa phong trào đấu tranh toàn tỉnh tiến lên mạnh mẽ, tháng 6/1960 tại Tu Kơ Roong (Vĩnh Thạnh), Đảng bộ tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ V (lần thứ nhất trong kháng chiến chống Mỹ) với 37 đại biểu chính thức thay mặt 200 đảng viên toàn tỉnh. Đại hội tập trung thảo luận, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương; đề ra phương hướng, nhiệm vụ cách mạng trước mắt của tỉnh: Ở miền núi, đẩy mạnh chiến tranh du kích cục bộ, tiến lên giải phóng toàn bộ và xây dựng các huyện miền núi vững mạnh về mọi mặt; làm căn cứ địa cho phong trào cách mạng toàn tỉnh. Các huyện đồng bằng tích cực tiến hành vũ trang tuyên truyền, phát động quần chúng nổi dậy diệt ác phá kèm, phát triển cơ sở, vận động thanh niên thoát ly lên căn cứ thành lập các đội vũ trang công tác. Đồng thời khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang huyện, tỉnh. Đại hội lần thứ V Đảng bộ tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng, kết thúc những tháng năm đấu tranh vô cùng gian khổ (1954 - 1960), mở ra một giai đoạn cách mạng mới - từ khởi nghĩa từng phần tiến lên cuộc chiến tranh nhân dân, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang.
Từ chiến tranh du kích cục bộ và khởi nghĩa từng phần ở miền núi 1959 - 1960 chuyển sang chống "Chiến tranh đặc biệt" (1961 - 1965), tổ chức cơ sở đảng và phong trào cách mạng ở đồng bằng từng bước được khôi phục, thực lực chính trị và vũ trang phát triển. Vận dụng ngày càng có hiệu quả phương châm chiến lược "Đấu tranh hai chân, giáp công ba mũi trên cả ba vùng chiến lược", quân và dân Bình Định tiến lên cuộc đồng khởi đầu tiên ở vùng giáp ranh miền núi và đồng bằng phía Bắc tỉnh vào những tháng cuối năm 1961 đầu năm 1962, giành lại quyền làm chủ và thành lập chính quyền nhân dân tự quản ở 17 thôn, 7 xã. Với thắng lợi của đợt đồng khởi đầu tiên này, phong trào cách mạng Bình Định phát triển mạnh cả ở miền núi, nông thôn đồng bằng và đô thị, tiếp tục làm thất bại kế hoạch gom dân lập ấp chiến lược và "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ - ngụy.
Cuối năm 1964, Đảng bộ, quân và dân Bình Định bước vào thời điểm quyết định tiến hành đánh bại chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của địch. Ngày 20 - 25/11/1964, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI họp tại thôn Nghĩa Nhơn (Ân Nghĩa, Hoài Ân), với sự tham gia của 70 đại biểu chính thức, thay mặt 2.898 đảng viên của 233 chi bộ trong toàn tỉnh. Đại hội quyết định mở đợt hoạt động Đông - Xuân 1964 - 1965 với mục tiêu đến giữa năm 1965 giành cho được 30 - 50 vạn dân, trong đó có 2/3 là dân làm chủ, bứt rút và giải phóng một vài huyện.
Thấm nhuần chân lý "Không có gì quý hơn độc lập tự do" theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quán triệt Nghị quyết của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Bình Định chủ trương: Ra sức tiến công địch bằng 3 mũi giáp công trên cả 3 vùng chiến lược nhằm đập tan các kế hoạch phản công chiến lược của địch, kiên quyết giữ vững vùng giải phóng, động viên đến mức cao nhất nhân tài vật lực phục vụ tiền tuyến, phát động phong trào thi đua toàn dân hiến sức, hiến kế đánh thắng giặc Mỹ, tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt. Đảng bộ Bình Định từng bước trưởng thành, dày dạn trong lãnh đạo và chỉ đạo các phong trào cách mạng địa phương. Từ 200 đảng viên cuối năm 1960 đã tăng lên 5.453 đảng viên cuối năm 1965.
Trung tuần tháng 11/1968, giữa lúc quân dân trong tỉnh kiên cường chống trả những cuộc càn quét, lấn chiếm của địch, tại Trường Đảng tỉnh bên bờ suối Kà Xom (Vĩnh Thạnh), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII được tổ chức. Hơn 150 đại biểu thay mặt cho 4.974 đảng viên của 380 chi bộ, đảng bộ về dự. Đại hội Đảng bộ tỉnh nhấn mạnh: Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh trên dưới một lòng tin vào Đảng và Bác Hồ, dũng cảm ngoan cường vượt qua gian khổ, hy sinh hoàn thành nhiệm vụ được giao; công tác xây dựng Đảng có những bước tiến quan trọng, so với năm 1964, số lượng đảng viên tăng 60,4%, chi bộ tăng 60,2%. Đại hội đề ra nhiệm vụ trước mắt của quân và dân toàn tỉnh: Đẩy mạnh mọi mặt công tác, ra sức tăng cường thực lực cách mạng về mọi mặt, coi trọng công tác xây dựng Đảng, liên tục tấn công và nổi dậy giành thắng lợi to lớn hơn.
Cuối năm 1968, địch tập trung sức phản kích, ráo riết tiến hành "Bình định nông thôn", đánh phá ác liệt cả miền núi, đồng bằng, thị trấn, thị xã, lấn chiến hầu hết vùng giải phóng, gây cho ta nhiều tổn thất. Trong năm 1969, phát triển mới gần 900 đảng viên nhưng hy sinh gần 600 đảng viên. Trong 2 năm 1970 - 1971, có 1.254 cán bộ, đảng viên hy sinh và bị bắt, số mới phát triển không kịp bù đắp số tổn thất. Trước tình hình trên, Tỉnh ủy chú trọng chỉ đạo chỉnh huấn trong Đảng và các lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở, liên tục phát động tư tưởng quần chúng đi đôi với phát động thi đua hành động cách mạng, đẩy mạnh tấn công và nổi dậy tiêu diệt sinh lực địch, phá hủy phương tiện chiến tranh, diệt ác phá kèm, giành dân, kéo dân, khôi phục vùng giải phóng và làm chủ, thu hẹp vùng kiểm soát của địch, từng bước đẩy lùi các kế hoạch "bình định", giành lại thế chủ động trên chiến trường.
Trên đà tiến công và nổi dậy giành thắng lợi mới, Đại hội đại biểu lần thứ VIII Đảng bộ tỉnh họp từ ngày 15 - 21/9/1971 tại làng Tà Lăng (Bok Bang, Vĩnh Thạnh) với 132 đại biểu chính thức thay mặt cho 5.070 đảng viên của 545 đảng bộ và chi bộ cơ sở trong toàn tỉnh. Nhằm phát huy thắng lợi đã giành được, Đại hội xác định nhiệm vụ trung tâm của Đảng bộ: Kiên quyết đánh bại về cơ bản "Kế hoạch bình định" của địch, giải phóng và giành quyền làm chủ, tranh chấp đại bộ phận nông thôn, ra sức giữ vững và xây dựng vùng ta lớn mạnh về mọi mặt.
Trung ương Đảng quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 nhằm giành thắng lợi quyết định, buộc Mỹ ký Hiệp định Pari, đồng thời sẵn sàng kiên trì đẩy mạnh kháng chiến nếu chiến tranh còn kéo dài. Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ của Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh trong chiến dịch tiến công tổng hợp Xuân - Hè 1972 là: Cùng với Sư đoàn 3 đánh vỡ một bộ phận quan trọng tuyến phòng thủ cơ bản của địch ở phía Bắc tỉnh, giải phóng một số huyện phía Bắc và giành quyền làm chủ liên mảng các huyện phía Nam, phối hợp với chiến trường toàn khu V mở ra vùng giải phóng liên hoàn từ Quảng Ngãi vào bắc Bình Định nối liền với vùng căn cứ Gia Lai - Kon Tum. Thắng lợi trong chiến dịch Xuân - Hè 1972 của Đảng bộ, quân và dân Bình Định có ý nghĩa chiến lược quan trọng, đánh bại căn bản kế hoạch "Bình định nông thôn" của địch ở địa phương, góp phần đánh bại một bước quan trọng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh".
Nhằm tạo bước chuyển biến mới về tư tưởng trong Đảng bộ và quân, dân toàn tỉnh, từ ngày 6 - 12/11/1973, tại làng K10 (Vĩnh Kim, Vĩnh Thạnh), Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX được tổ chức với 139 đại biểu chính thức thay mặt 6.419 đảng viên của 587 đảng bộ, chi bộ cơ sở toàn tỉnh. Đại hội tổng kết những nét lớn của phong trào cách mạng địa phương trong 19 năm kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1973), đi sâu phân tích, đánh giá tình hình gần 1 năm đấu tranh thi hành Hiệp định Pari. Đại hội đề ra nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ và quân dân toàn tỉnh: Ra sức đánh bại âm mưu lấn chiếm, "bình định" của địch, khôi phục và giữ vững vùng giải phóng, giành và giữ dân, mở rộng quyền làm chủ, phát triển lực lượng cách mạng mọi mặt, tạo ra thế và lực mới tiếp tục tiến lên giành thắng lợi quyết định.
Sau chiến dịch tổng hợp Hè - Thu 1974, thế ta đã vững, lực ta đã mạnh, giành quyền chủ động tấn công địch, đẩy địch lún sâu vào thế bị động chiến lược. Cuối năm 1974 và đầu năm 1975, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiến hành những cuộc họp quan trọng và quyết định mở cuộc quyết chiến chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, nếu thời cơ thuận lợi thì nhanh chóng kết thúc cuộc kháng chiến trong năm 1975, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.
Chấp hành chủ trương và quyết tâm chiến lược của Đảng, Đảng bộ, quân và dân Bình Định sát cánh cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị, sẵn sàng bước vào chiến dịch Xuân 1975 với khí thế cách mạng tiến công chưa từng có. Ngày 24/3/1975, Thường vụ Tỉnh ủy ra mệnh lệnh tổng tiến công, tổng khởi nghĩa giải phóng toàn tỉnh với phương châm: "Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh", tất cả cho chiến thắng đánh đổ hoàn toàn ngụy quyền. Từ ngày 26 đến trưa 31/3/1975, quân và dân toàn tỉnh đồng loạt dồn dập tiến công và nổi dậy, lần lượt giải phóng hoàn toàn các huyện, dồn địch vào thị xã Quy Nhơn trong thế tuyệt vọng. Tỉnh Bình Định hoàn toàn giải phóng với trên 932.000 dân sau 21 năm kiên trì tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ hy sinh nhưng hết sức oanh liệt, góp phần xứng đáng cùng với cả nước kết thúc vẻ vang quá trình 45 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta.
Ngày nay, nhân Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), nhìn lại Tổ quốc hoàn toàn độc lập, giang sơn thu về một mối, cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội; tỉnh Bình Định ngày càng khởi sắc, đánh dấu một thời kỳ cách mạng mới đang mở ra tương lai tươi sáng cho nhân dân cả nước nói chung, trong đó có nhân dân Bình Định./.
Quang Lợi