CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tài liệu tuyên truyền
Kỷ niệm 180 năm Ngày sinh Danh nhân văn hóa Đào Tấn (03/4/1845 - 03/4/2025): NHỮNG CỐNG HIẾN TO LỚN CỦA DANH NHÂN VĂN HÓA ĐÀO TẤN VỚI NGHỆ THUẬT TUỒNG VIỆT NAM
Thứ tư 02/04/2025 14:53

Đào Tấn sinh ngày 03/4/1845 (tự Chỉ Thúc, hiệu Mộng Mai) tại làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Suốt cuộc đời Đào Tấn đã mang hết tâm huyết cống hiến cho nghệ thuật Tuồng, đã để lại hàng trăm tác phẩm kinh điển và mẫu mực cho sân khấu Tuồng Việt Nam… Đào Tấn xứng đáng là ông tổ nghề Tuồng Việt Nam.

Danh nhân Văn hóa Đào Tấn

Sau khi đậu Cử nhân tại trường thi Bình Định năm 1867, từ năm 1871 - 1904, Đào Tấn có gần 30 năm làm quan triều Nguyễn qua ba đời vua Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình, như: Tổng đốc Nam Ngãi, Tổng đốc An Tĩnh, Thượng thư các bộ Công, bộ Hình, bộ Binh... Là một vị quan thanh liêm, chính trực, nhân ái, Đào Tấn luôn luôn vì nước, vì dân trong thực thi chức trách của mình. Trong 10 năm làm Tổng đốc tại xứ Nghệ (1889 - 1894 và 1898 - 1902), Đào Tấn đã che chở, cứu giúp nhiều nghĩa sĩ Cần vương, tích cực ủng hộ cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, che chở, tạo điều kiện cho nhiều thanh niên yêu nước trẻ tuổi, như: Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Trần Văn Lương hoạt động. Đào Tấn còn kết thân với các văn thân yêu nước xứ Nghệ, như: Cao Xuân Dục, Đặng Nguyên Cẩn; đặc biệt, Cụ có quan hệ mật thiết với gia đình Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Trong thời gian làm Tổng đốc An Tĩnh, Đào Tấn đã sử dụng Tuồng như một thứ vũ khí sắc bén tố cáo sự thối nát của triều đình phong kiến thân Pháp, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cứu nước với các vở diễn, như: Cổ  thành, Trầm Hương các, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan, Diễn Võ đình, Hộ Sanh đàn... sau này trở thành những vở diễn hay nhất và có sức sống lâu bền nhất của Cụ.

Toàn cảnh Đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Tấn

Đào Tấn được coi là bậc Hậu Tổ của nghệ thuật Tuồng, người đã đưa nghệ thuật Tuồng lên những đỉnh cao chói lọi, sáng tạo nên những kiệt tác, như: Hộ sanh đàn, Cổ thành, Diễn Võ đình, Trầm Hương các... Cụ đã sáng tác, chỉnh lý, cải biên và dàn dựng hơn 40 vở Tuồng trong đó có những vở có đến hơn 100 hồi, như: Vạn bửu trình tường, Quần trân hiến thụy. Cụ là tác giả tập sách lý luận sân khấu mang tên Hí trường tùy bút và là người sáng lập và chủ trì hoạt động rạp hát Như Thị Quan và hai gánh hát kiêm trường đào tạo nghệ thuật Tuồng mang tên Học bộ đình tại thành Vinh (tỉnh Nghệ An) và làng Vinh Thạnh quê hương. Cụ còn là tác giả của gần 1.000 bài thơ, từ và tập bút ký “Mộng Mai văn sao”, di sản nghệ thuật của Đào Tấn là hết sức phong phú, đồ sộ, ít người sánh kịp.

Quê hương Bình Định tự hào là nơi sinh ra Đào Tấn, tự hào đã đóng góp những bậc danh nhân hào kiệt, góp phần tô thắm truyền thống văn hóa Bình Định nói riêng, nền văn hóa đậm đà bản sắc của Việt Nam nói chung, nhằm ghi nhận những đóng góp của Cụ, Nhà nước đã tôn vinh Đào Tấn là “Danh nhân Văn hóa” của đất nước. Thực hiện chủ trương nghiên cứu, bảo tồn, phát huy và tôn vinh các di sản văn hóa, các giá trị nghệ thuật truyền thống mà Danh nhân văn hóa Đào Tấn để lại, từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, trên quê hương Bình Định, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các Bộ, ngành Trung ương tổ chức nhiều Hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp của Danh nhân văn hóa Đào Tấn, về phong cách nghệ thuật Tuồng Đào Tấn, đã có nhiều nghiên cứu, đánh giá thấu đáo của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về những đóng góp lớn lao của Đào Tấn cho nghệ thuật, văn học, văn hóa đất nước. Hầu hết các di sản nghệ thuật quan trọng của Đào Tấn đã được các nhà nghiên cứu, học giả không chỉ trong tỉnh mà cả nước tham gia sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch, xuất bản.

Kỷ niệm 180 năm Ngày sinh Danh nhân văn hóa Đào Tấn (03/4/1845 - 03/4/2025) là dịp để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu một cách toàn diện hơn, sâu sắc hơn các di sản vô giá của Đào Tấn để lại cho hậu thế, tìm cách bảo tồn và phát huy tốt hơn, có hiệu quả hơn trong sự nghiệp đổi mới và phát triển quê hương, đất nước, để các di sản đó mãi mãi thanh xuân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước hôm nay và mai sau. Trong ký ức của Nhân dân Bình Định nói chung và mỗi người dân Tuy Phước nói riêng, Đào Tấn mãi mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng về đức độ và tài năng, ông là một ngôi sao sáng trong lịch sử nước nhà vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

                                                                                               Ngọc Hiền