Trước bước ngoặt của đất nước và quê hương, ngày 22/01/1947, tại thị tứ Bình Định (nay là phường Bình Định, thị xã An Nhơn), Đảng bộ Bình Định tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ nhất. Đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại Nam Trung bộ, về dự và chỉ đạo đại hội. Căn cứ vào Chỉ thị "Toàn dân kháng chiến" của Thường vụ Trung ương Đảng, sự lãnh đạo của Khu ủy V và tình hình địa phương, Đại hội thảo luận và quyết định nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh là: Phải quán triệt đường lối và các chính sách kháng chiến của Đảng và Chính phủ, làm cho Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tin tưởng kháng chiến nhất định thắng lợi. Tiếp tục xây dựng và củng cố chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, các lực lượng vũ trang địa phương ngày càng vững mạnh. Ra sức xây dựng và phát triển kinh tế và văn hóa nhằm ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 13 đồng chí. Phải hơn 16 năm, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bình Định mới có Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh do Đại hội đại biểu đảng viên toàn tỉnh bầu ra, cũng là lần đầu tiên hệ thống tổ chức của Đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở có đủ 3 cấp. Đây thật sự là một một bước tiến mới về tổ chức của Đảng bộ tỉnh Bình Định.
Nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, tháng 8/1947 nhân kỷ niệm 2 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, theo chủ trương của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy mở rộng cuộc vận động phát triển lớp đảng viên mới mang tên lớp "Đảng viên Tháng Tám", lựa chọn quần chúng hăng hái, tích cực, trung thực, lý lịch chính trị rõ ràng và tự nguyện để kết nạp vào Đảng. Công tác chính trị và tư tưởng được đẩy mạnh một bước, tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập thư của Bác Hồ gửi đảng viên Bắc bộ, Trung bộ (03/1947), tác phẩm "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi" của đồng chí Trường Chinh (03/1947), cuốn "Sửa đổi lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh (10/1947). Đây là những tài liệu có nội dung chính trị và tư tưởng rất quan trọng. Nhờ chăm lo công tác xây dựng Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ cũng như tổ chức đảng và cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở được phát huy, các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh, công tác kháng chiến và xây dựng hậu phương phát triển mạnh mẽ, toàn diện, vững chắc. Cuối năm 1948, toàn Đảng bộ tỉnh có 112 tổ chức cơ sở đảng (trong đó có 80 chi bộ xã/84 xã toàn tỉnh) với 2.937 đảng viên (gấp 2,86 lần so với đầu năm 1947).
Giữa lúc quân và dân Bình Định cũng như trong bối cảnh chung cả nước đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước để thực hiện nhiệm vụ trước mắt "Tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công", từ ngày 20 - 24/02/1949, tại thôn Dương Liễu (xã Mỹ Lợi, nay là thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ), Đảng bộ tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II. Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ - Phó Bí thư Liên khu ủy V về dự và chỉ đạo đại hội. Đại hội đã dành thời gian để kiểm điểm công tác xây dựng Đảng. Đến cuối năm 1948, toàn Đảng bộ có 2.725 đảng viên sinh hoạt ở 112 chi bộ; công tác phát triển đảng viên có nhiều tiến bộ. Đại hội đề ra một số chủ trương, nhiệm vụ chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công. Về xây dựng Đảng, Đại hội đề ra nhiệm vụ chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ và nâng cao trình độ chính trị, lý luận cho đảng viên; đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng chi bộ tự động công tác để củng cố tổ chức cơ sở đảng; phát triển đảng mạnh mẽ, chú trọng công nhân, phụ nữ, dân tộc, cán bộ chuyên môn; xây dựng Đảng thành một đảng quần chúng đông đảo mạnh mẽ để hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo trong mọi tình huống.
Để thực hiện Nghị quyết Hội nghị cán bộ toàn quốc lần thứ ba và Hội nghị cán bộ Đảng toàn Liên khu V lần thứ hai, khoảng trung tuần tháng 3/1950, Tỉnh ủy tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III tại trại Thiếu nhi Bác Hồ ở thôn Tân Hóa (Cát Hanh, Phù Cát). Qua 1 năm thực hiện chủ trương "Tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công" của Trung ương và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên khu và tỉnh, tình hình quân sự và chính trị, kinh tế, văn hóa,… của tỉnh đều tiến bộ. Đại hội đã chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm trong thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Chính phủ cũng như của Liên khu và tỉnh. Trong công tác xây dựng Đảng, chưa kết hợp giữa phát triển với củng cố Đảng, thi đua phát triển đảng viên ồ ạt nhưng không chú ý chất lượng, chưa quan tâm đúng mức vấn đề chấn chỉnh tư tưởng, học tập và bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, đảng viên nên Đảng bộ "Số lượng tăng nhanh mà chất lượng kém nhiều". Đại hội xác định nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh là gấp rút hoàn thành chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công. Về công tác xây dựng Đảng, phải "Củng cố nội bộ Đảng thật vững chắc và tiếp tục phát triển Đảng mạnh mẽ, đúng hướng".
Để thực hiện chủ trương tiến hành cuộc vận động chấn chỉnh Đảng của Trung ương, đồng thời rà soát lại tình hình thực tế địa phương, khoảng giữa tháng 4/1952, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV họp tại thôn Đức Long (Ân Đức, Hoài Ân) với nhiệm vụ trọng tâm là củng cố và xây dựng Đảng bộ. Đại hội đề ra nhiệm vụ: "Rèn luyện tư tưởng, xây dựng cơ sở, cải tiến phương pháp lãnh đạo, giáo dục chính trị cho toàn dân và toàn quân, kiện toàn Đảng bộ mạnh mẽ để đẩy mạnh công cuộc hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công". Thông qua các đợt chỉnh huấn và chỉnh đốn Đảng, Tỉnh ủy chỉ đạo các cuộc vận động "Rèn cán chỉnh quân" trong các lực lượng vũ trang, "Rèn cán chỉnh cơ" trong các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể quần chúng và cán bộ, đảng viên. Đây là cuộc vận động xây dựng, củng cố, chỉnh đốn Đảng đầu tiên và cũng là lớn nhất ở tỉnh Bình Định trong kháng chiến chống Pháp. Qua củng cố, đã kiện toàn các cơ quan, chính quyền và đoàn thể quần chúng, nâng cao lập trường giai cấp, quan điểm phục vụ nhân dân; quán triệt sâu sắc hơn quan điểm kháng chiến trường kỳ, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình và các chính sách quan trọng như đại đoàn kết toàn dân, động viên nhân tài vật lực phục vụ kháng chiến đi đôi với dưỡng sức dân để kháng chiến lâu dài. Đồng thời thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Qua 25 năm xây dựng, từ những chi bộ đảng đầu tiên với 40 đảng viên năm 1930 hoạt động trong điều kiện bí mật hết sức ngặt nghèo, đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954, Đảng bộ Bình Định trưởng thành vượt bậc với hơn 35.000 đảng viên và một hệ thống tổ chức được xây dựng từ tỉnh đến cơ sở. Các cuộc vận động, xây dựng và củng cố Đảng, nhất là vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến có ý nghĩa quyết định, làm cho Đảng bộ thật sự giữ vai trò cầm quyền, vững vàng lãnh đạo các phong trào cách mạng ở địa phương từ xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng và củng cố hậu phương, huy động sức người sức của ngày càng lớn phục vụ kháng chiến đến chiến đấu đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hành động lấn chiếm của thực dân Pháp, bảo vệ vững chắc vùng tự do hậu phương chiến lược trực tiếp của chiến trường Liên khu V. Đảng bộ, quân và dân Bình Định dưới sự lãnh đạo của Đảng đã góp phần xứng đáng cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Quang Lợi