CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tài liệu tuyên truyền
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020): ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG NGÀY CÀNG GIÀU MẠNH
Thứ bảy 01/02/2020 11:56
Sau khi được hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và quân, dân Bình Định quyết tâm xây dựng lại quê hương trên đống tro tàn đổ nát sau mấy chục năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Nhằm nhanh chóng ổn định tình hình, Tỉnh ủy chỉ đạo liên tục tiến hành các đợt sinh hoạt chính trị và tư tưởng. Phát động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, cải tạo những người lầm lạc tham gia xây dựng quê hương. Kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, ra sức củng cố chính quyền và các đoàn thể quần chúng; động viên nhân dân đoàn kết, tương thân tương ái, phát huy khí thế cách mạng tiến công và ý chí tự lực tự cường, khôi phục kinh tế, phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, ổn định đời sống nhân dân,…

Thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị, ngày 15/10/1975 tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Ngãi hợp nhất thành tỉnh Nghĩa Bình, một số huyện cũng được nhập lại thành huyện lớn và đông dân hơn, nhằm tạo điều kiện khai thác tiềm năng lao động và đất đai để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Mười bốn năm hợp nhất tỉnh (1975 - 1989), Đảng bộ Nghĩa Bình đã tổ chức 4 kỳ đại hội đại biểu tại thành phố Quy Nhơn: Từ Đại hội lần thứ I (Đại hội Đảng bộ Bình Định lần thứ X) gồm 2 vòng (vòng 1 họp từ ngày 10 - 20/10/1976 và vòng 2 họp từ ngày 23 - 27/3/1977), Đại hội lần thứ II (Đại hội Đảng bộ Bình Định lần thứ XI) họp từ ngày 07 - 11/11/1979, Đại hội lần thứ III (Đại hội Đảng bộ Bình Định lần thứ XII) gồm vòng 1 họp từ ngày 09/01 - 17/01/1982 và vòng 2 họp từ ngày 31/01 - 5/02/1983 và Đại hội lần thứ IV (Đại hội Đảng bộ Bình Định lần thứ XIII) họp từ ngày 10 - 14/10/1986. Quán triệt đường lối đổi mới của Đảng, Đại hội đại biểu lần thứ IV Đảng bộ Nghĩa Bình quyết định phương hướng, nhiệm vụ chung trong 5 năm 1986 - 1990 là ổn định kinh tế - xã hội, thực hiện 5 mục tiêu và 3 chương trình kinh tế lớn về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; hình thành từng bước cơ cấu công - nông nghiệp trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đổi mới cơ chế quản lý nhằm tạo ra động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế và người lao động hăng hái phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; kiên quyết xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung bao cấp, thiết lập và hình thành đồng bộ cơ chế kế hoạch hóa theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Qua 4 kỳ đại hội, Đảng bộ Nghĩa Bình đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Từ một tỉnh bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh đã nỗ lực vươn lên đạt được những thành tựu ngày càng lớn, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước năm sau cao hơn năm trước; Đảng bộ ngày càng trưởng thành về mọi mặt.

Tháng 3/1989, Bộ Chính trị quyết định chia tỉnh Nghĩa Bình thành hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi như cũ, hiệu lực thi hành từ tháng 7/1989. Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định có những chuyển biến tích cực bước đầu, tạo tiền đề để phát triển trong những năm tiếp theo.

Tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng, Đảng bộ Bình Định tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ XIV vòng 1 họp từ 23 - 26/4/1991 với 380 đại biểu chính thức thay mặt cho 25.041 đảng viên của 732 tổ chức cơ sở đảng trong toàn tỉnh. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Đảng bộ Bình Định tiếp tục tổ chức Đại hội lần thứ XIV vòng 2 họp từ ngày 24 - 26/1/1992 với 377 đại biểu tham dự. Căn cứ Nghị quyết Đại hội VII của Đảng, Đại hội đã kiểm điểm, phân tích, đánh giá ưu điểm, khuyết điểm trong công tác xây dựng và lãnh đạo của Đảng bộ, tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 1986 - 1991. Đại hội quyết định phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 1995 và định hướng mục tiêu tổng quát đến năm 2000 là phấn đấu thoát khỏi tình trạng một tỉnh nghèo và kém phát triển. Trong 5 năm (1991 - 1995), Đảng bộ tỉnh đã nỗ lực tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và giữ vững ổn định chính trị. Qua thực tiễn đổi mới, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng lên một bước.

Tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV họp từ ngày 7 - 9/5/1996 với 349 đại biểu đại diện cho 25.769 đảng viên toàn Đảng bộ. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XV là đại hội của trí tuệ, đổi mới, dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, tất cả để thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo đường lối đổi mới của Đảng.

Từ năm 2000 đến nay, Đảng bộ Bình Định lần lượt tổ chức các kỳ đại hội đại biểu: Đại hội lần thứ XVI họp từ ngày 07 - 10/2/2001, Đại hội XVII họp từ ngày 15 - 18/11/2005, Đại hội XVIII họp từ ngày 27 - 29/10/2010 và Đại hội XIX họp từ ngày 14 - 16/10/2015. Với sự lãnh đạo đúng đắn và ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, mỗi kỳ đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh là một lần tổng kết tình hình triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh trên các mặt đời sống xã hội, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra những quyết sách lớn nhằm làm chuyển biến tình hình, đưa Đảng bộ và nhân dân Bình Định vượt qua khó khăn, thách thức, tiến lên giành những thắng lợi mới. Phát huy những thành tựu đã đạt được và với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ tỉnh, trong 20 năm qua nền kinh tế của tỉnh vượt qua khó khăn, tiếp tục tăng trưởng và phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; các hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và thể thao, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn… Đến tháng cuối năm 2019, toàn Đảng bộ tỉnh có 853 tổ chức cơ sở đảng với 69.740 đảng viên; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên được nâng cao; phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng tiếp tục được đổi mới, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Những kết quả đã đạt được trên các mặt đời sống xã hội là rất quan trọng, tạo điều kiện để tỉnh Bình Định phát triển nhanh và bền vững trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. 

Trong thời kỳ hòa bình, Đảng bộ tỉnh tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng nhằm xây dựng quê hương Bình Định ngày càng giàu đẹp. Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và quân, dân Bình Định bằng trí tuệ và sức lực sẽ viết tiếp những trang sử vàng, cùng cả nước vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. 

Quang Lợi