CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tài liệu tuyên truyền
Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ
Thứ hai 26/07/2021 10:42
Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm đặc biệt với thương binh, liệt sĩ. Trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho chúng ta thật xúc động, Người đã căn dặn về vấn đề thương binh, liệt sĩ. Di huấn thiêng liêng của Bác mãi là kim chỉ nam cho chúng ta trong thực hiện nghĩa cử cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn” hôm nay và mai sau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viếng các anh hung liệt sĩ. Ảnh tư liệu

Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập tới vấn đề thương binh, liệt sĩ ở cả ba đối tượng: Đối với thương binh, Người căn dặn: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh". Đối với liệt sĩ, Người căn dặn: "Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta". Đối với người thân của thương binh, liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét".

Từ lời căn dặn trong Di chúc cho thấy, Người đã căn dặn chí tình những vấn đề cần thực hiện đối với cả hai đối tượng: Thứ nhất, đối với Đảng, Chính phủ, chính quyền các địa phương và nhân dân. Theo Bác, cần thực hiện thật tốt chính sách xã hội với cả ba đối tượng nêu trên. Mỗi đối tượng cần có biện pháp phù hợp. Làm sao phải bảo đảm những nhu cầu tối thiểu như ăn, mặc, công ăn việc làm… để họ không đói, rét, sống yên ổn. Cao hơn là tạc bia, xây dựng đài tưởng niệm để giáo dục truyền thống yêu nước cho lớp lớp thế hệ mai sau. Để đời đời ghi ơn những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, để hôm nay chúng ta được hưởng tự do, hạnh phúc và hòa bình. Thứ hai, đối với thương binh và những gia đình thân nhân liệt sĩ. Bên cạnh việc hưởng chế độ, chính sách, của Đảng, Chính phủ, cũng cần phải tự mình phấn đấu vươn lên, dần dần "tự lực cánh sinh". Nếu thực hiện tốt điều này, cùng với sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đời sống của họ sẽ ngày càng được nâng cao và tránh được tư tưởng ỷ lại, công thần như một số ít người đã từng mắc phải.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, vết thương chiến tranh trên đất mẹ đã phần nào lành lại. Nhưng vết thương trên người thương binh, bệnh binh và con cháu của họ, vết thương trong lòng những thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ vẫn còn đó. Tiếp tục thực hiện lời căn dặn thiêng liêng, chí tình của Bác trong Di chúc, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân phải tiếp tục thực hiện thật tốt chính sách đối với những người có công với nước và thân nhân của họ; động viên, hỗ trợ để họ cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dụccho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau đời đời ghi nhớ công ơn của những anh hùng, liệt sĩ và những người đã hy sinh một phần xương máu vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì hòa bình và công lý cho dân tộc Việt Nam và nhân dân tiến bộ các dân tộc trên thế giới.

Lê Văn Minh - Trường Chính trị Bình Định