Ngay sau khi được thành lập, Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã cùng với các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh bảo vệ Đảng, các thành quả cách mạng, xây dựng củng cố chính quyền, xây dựng phát triển lực lượng; góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được Nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã không ngừng trưởng thành cùng quân dân cả nước và tỉnh Bình Định hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
I. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU, TRƯỞNG THÀNH CỦA LỰC LƯỢNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG TỈNH BÌNH ĐỊNH
1. An ninh vũ trang tỉnh Bình Định trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước (1961 - 1975)
Hiệp định Giơnevơ (tháng 7/1954) tạm thời chia cắt nước ta thành 02 miền Nam - Bắc. Mỹ hất chân Pháp ra khỏi Đông Dương, cấu kết với bọn phản động và tay sai trong nước nổi phỉ, xưng vua, gây bạo loạn ở khu vực biên giới Việt - Trung, Việt - Lào; cưỡng ép đồng bào công giáo di cư vào Nam; cài cắm gián điệp, chỉ điểm và tung nhiều toán gián điệp, biệt kích ra miền Bắc phá hoại...; vì vậy, công tác biên phòng và bảo vệ nội địa càng đòi hỏi phải được tăng cường.
Ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra Nghị quyết số 58-NQ/TW về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên cương; ngày 03/3/1959 Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg về việc thống nhất các đơn vị Bộ đội quốc phòng, Công an biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành Công an nhân dân vũ trang. Đánh dấu sự ra đời của lực lượng chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và bảo vệ nội địa.
Ở miền Nam, Mỹ lập nên chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta; biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự của Mỹ để ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông Nam Á; Mỹ - Diệm tiến hành các chiến dịch "tố cộng", bắt bớ, khủng bố, chém giết cán bộ cách mạng và những người tham gia kháng chiến cũ; gây đau thương tang tóc khắp nơi.
Từ giữa năm 1960, tình hình cách mạng nước ta có nhiều thay đổi lớn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của cách mạng ở miền Nam. Ở Bình Định, đến cuối năm 1960 ta đã giải phóng hầu hết huyện Vĩnh Thạnh, toàn bộ vùng An Lão và 03 xã vùng cao huyện Vân Canh. Tháng 3/1961, Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh được thành lập, các đoàn thể quần chúng ra đời; để đáp ứng yêu cầu mới, đòi hỏi phải có lực lượng chuyên trách làm công tác bảo vệ cơ quan đầu não của tỉnh, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo. Trước yêu cầu bức thiết đó, ngày 04/4/1961, tại Làng O2, xã TuKrông (nay là xã Vĩnh Kim), huyện Vĩnh Thạnh, Tỉnh ủy Bình Định đã quyết định thành lập Đội An ninh vũ trang lấy bí danh là A10 gồm 12 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Đình Ngọc (quê Quảng Nam) làm Đội trưởng.
Tuy quân số ít, vũ khí trang bị còn thô sơ, đời sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn nhưng cán bộ, chiến sĩ của Đội ai cũng nhập tâm lời thề sắt son "Trung thành tuyệt đối, sẵn sàng hy sinh bản thân để bảo vệ an toàn cho cán bộ lãnh đạo của Đảng". Thực hiện phương châm "Quân số lấy từ đồng bằng, vũ khí lấy của địch, lương thực phải tự túc", Đội An ninh vũ trang đã trở thành lực lượng tin cậy của Đảng, lực lượng nòng cốt bảo vệ hậu cứ, bảo đảm an ninh, tham mưu kế hoạch về địa điểm, trực tiếp đào hầm, làm nhà, tuần tra canh gác bảo vệ cơ quan, bảo vệ căn cứ.
Bước vào năm 1963, trước sự phát triển mới của phong trào cách mạng, Mỹ - ngụy càng đẩy mạnh những biện pháp đánh phá rất ác liệt hòng thực hiện cho được "quốc sách ấp chiến lược". Thực hiện nhiệm vụ của Tỉnh ủy, nhiệm vụ và phương hướng Hội nghị an ninh toàn miền, lực lượng An ninh vũ trang tỉnh đã cùng các lực lượng vũ trang trong tỉnh đánh hơn 70 trận lớn nhỏ, loại hơn 1.500 tên địch, thu 120 súng, bắn rơi 03 máy bay, bắt 250 tên, làm tan rã 02 trung đội dân vệ. Phối hợp với các đội vũ trang công tác và du kích xã mở hơn 500 đợt vũ trang tuyên truyền, diệt 60 tên ác ôn, cải tạo và hạ uy thế 748 tề điệp, phá sạch 136 "ấp chiến lược".
Ngày 06/12/1964, Trung ương Cục miền Nam ra Chỉ thị số 65/CT tổ chức lại lực lượng An ninh vũ trang có tên chung là An ninh vũ trang trên toàn miền Nam. Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) diễn ra từ ngày 25 đến ngày 27/5/1965 đã chủ trương "tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh vũ trang song song với đấu tranh chính trị và binh vận" nhằm "kiềm chế và thắng địch trong chiến tranh đặc biệt và quyết thắng chiến tranh cục bộ".
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, các đơn vị An ninh vũ trang, Trinh sát vũ trang do thông thạo địa hình, nắm chắc tình hình địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với toàn ngành an ninh, sát cánh chiến đấu cùng các đơn vị chủ lực đánh thị xã Quy Nhơn, các quận lỵ, thị trấn, các căn cứ, mục tiêu của quân Mỹ... Khi cuộc tiến công của ta bị địch phản công quyết liệt, cuộc chiến đấu gặp khó khăn, các đơn vị An ninh vũ trang đã mưu trí, dũng cảm mở đường đưa các đồng chí lãnh đạo về căn cứ an toàn. Những kết quả của các đơn vị An ninh vũ trang đã góp phần quan trọng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở tỉnh nhà và góp phần cùng cả nước làm phá sản chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ. Buộc Mỹ phải chấp nhận ngừng ném bom miền Bắc và đàm phán với ta tại Pa-ri về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Nhưng với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, tổng thống Mỹ Ních-xơn đề ra chủ trương "Việt Nam hóa chiến tranh". Ở Bình Định, bọn địch ra sức củng cố lực lượng, tăng cường phòng thủ bên trong, từng bước lấn ra vùng ven, hòng giành lại địa bàn. Hàng ngày, không quân, pháo binh địch bắn phá bừa bãi vào xóm làng với ý định khủng bố trả thù, khống chế và uy hiếp tinh thần cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nhằm thực hiện 3 mục tiêu chiến lược là hủy diệt, giành dân và bóp nghẹt. Phối hợp với các cuộc hành quân đánh phá rộng ra bên ngoài, bọn bảo an, dân vệ liên tục hành quân càn quét vùng bàn đạp, vùng giáp ranh để ngăn chặn ta, hỗ trợ cho bọn bình định bên trong truy tróc cơ sở cách mạng, đẩy mạnh đôn quân bắt lính. Bước vào năm 1970, Mỹ - ngụy tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch "bình định cấp tốc" với quy mô và mức độ ngày càng ác liệt. Sáng ngày 12/4/1970, sau khi dùng phi pháo dọn đường, địch cho máy bay trực thăng đổ một tiểu đoàn lính Mỹ thuộc Lữ đoàn 2, Sư đoàn 4 tại các cao điểm: 829 (Đồi Chè), 912 (Hòn Táo), 264 (Đồi Sim), 294 (Đồi Bà Tám), thuộc xã Cát Sơn (Tây Bắc huyện Phù Cát). Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, quân và dân ta vẫn một lòng sắt đá tin tưởng vào đường lối của Đảng, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, tích cực xây dựng, củng cố lực lượng, xây dựng phong trào, cơ sở nhằm đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn bình định của địch.
Được sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, An ninh vũ trang tỉnh tổ chức 02 tiểu đội có nhiệm vụ đưa cơ quan và các đồng chí lãnh đạo tỉnh ra khỏi vòng vây địch, số còn lại chia làm nhiều mũi, chốt giữ các vị trí được phân công, kiên cường bám trụ, quần nhau với địch, liên tục chiến đấu suốt 16 ngày đêm (từ ngày 12/4 đến ngày 28/4/1970), cùng lực lượng khác đánh lùi hàng chục đợt tấn công của địch, diệt tại chỗ 26 tên, làm bị thương hàng chục tên khác, bắn rơi tại chỗ 01 máy bay lên thẳng, bắn bị thương 01 chiếc khác... Sau trận chống càn này, đơn vị An ninh vũ trang tỉnh Bình Định được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Tháng 7/1970, Tỉnh ủy mở Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động Xuân - Hè và ra Nghị quyết đánh bại "bình định đặc biệt", phá kẹp, giành dân, giữ dân, xây dựng vùng làm chủ đồng bằng và vùng căn cứ miền núi vững mạnh; ngày 12/3/1971, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị chỉ đạo địa phương: Nhanh chóng chớp thời cơ, liên tục đẩy mạnh mọi mặt hoạt động nhằm đánh bại kế hoạch "bình định nước rút" và thủ đoạn "tam giác chiến", nỗ lực chuẩn bị cho cao điểm chiến dịch Xuân - Hè năm 1971 ở địa phương.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, các đơn vị An ninh vũ trang phối hợp cùng các lực lượng khác liên tục tổ chức tấn công địch. Nhằm cứu vãn tình hình, 07 giờ 00 phút, ngày 24/3/1971, địch dùng các trận địa pháo ở Phù Mỹ, Phù Cát, Bình Khê bắn phá: Đồi Chè, Hòn Táo và các đồi núi phía Tây xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ). Sau đó dùng trực thăng đổ 01 trung đoàn lính Nam Triều Tiên (thuộc Sư đoàn Mãnh Hổ) xuống các cao điểm nói trên. Lúc này tại khu vực Đồi Chè, Tỉnh ủy đang mở Hội nghị quán triệt nhiệm vụ chiến dịch Xuân - Hè năm 1971 cho cán bộ các huyện, thị xã trong tỉnh, có Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 Sao Vàng dự, quân số họp tổng cộng 500 người và 1 tổ 3 đồng chí Bắc Triều Tiên đang giúp ta công tác binh vận lính Nam Triều Tiên. Trong tình thế hết sức khẩn trương, đơn vị An ninh vũ trang bảo vệ Tỉnh ủy phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cơ quan Tỉnh ủy, cho đoàn khách nước ngoài và Hội nghị. Suốt 11 ngày đêm (từ ngày 24/3 đến ngày 04/4/1971), lực lượng An ninh vũ trang tỉnh đã dũng cảm kiên cường chiến đấu, chịu đựng nhiều hy sinh gian khổ, đơn vị vẫn giữ được chốt và bảo vệ an toàn cho cuộc họp (nơi họp chỉ cách địch 400m theo đường chim bay). Đến ngày 04/4/1971, địch rút quân. Trong trận này đơn vị An ninh vũ trang tỉnh đã tiêu diệt khoảng 100 tên Nam Triều Tiên, thu nhiều vũ khí, trang bị. Về lực lượng, ta không hy sinh đồng chí nào, chỉ có 03 đồng chí bị thương. Thắng lợi đợt chống càn, đơn vị đã được Tỉnh ủy khen ngợi và để lại ấn tượng tốt cho các đồng chí Bắc Triều Tiên về tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, diệt nhiều tên địch… bảo vệ mục tiêu và các đồng chí lãnh đạo. Đơn vị An ninh vũ trang tỉnh được Tỉnh ủy tặng danh hiệu "Đơn vị kiên cường". Chữ kiên cường đã được đồng chí Đặng Thành Chơn - Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp viết tô đậm trên tảng đá lớn tại đồi Yên Ngựa phía Tây Bắc Đồi Chè.
Đến tháng 4/1972, An ninh vũ trang tỉnh đã phát triển thành 03 đại đội (không thành lập tiểu đoàn) với hơn 300 đồng chí: Đại đội 1, chuyên trách bảo vệ cơ quan đầu não và lãnh đạo chủ chốt của tỉnh; Đại đội 2, cơ động bảo vệ vòng ngoài; Đại đôi 3, canh giữ trại giam và tù hàng binh. Sau khi phát triển thành 03 đại đội, An ninh vũ trang tỉnh cùng với các lực lượng vũ trang liên tục tiến công, tiêu diệt 07 đại đội bảo an, đánh rã 13 trung đội (bảo an, dân vệ, lính nghĩa quân Nhơn Mỹ), phá huỷ 03 khẩu pháo 105 ly và một số vũ khí, phương tiện chiến tranh khác của địch, giải phóng liền 10 xã, 55 thôn…; góp phần cùng quân và dân Bình Định đánh bại một bước quan trọng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/01/1973, mở ra những khả năng mới rất căn bản cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta.
Bước vào đầu năm 1974, tình hình có nhiều chuyển biến thuận lợi. Địch đang bộc lộ nhiều sơ hở và nhiều chỗ yếu cơ bản. Vùng ta làm chủ và tranh chấp phát triển cả thế và lực. Khí thế cách mạng của quần chúng ở vùng địch có bước tiến bộ mới. Ngày 28/01/1974, Tỉnh ủy Bình Định họp Hội nghị nghiên cứu chủ trương đầu năm 1974 của Thường vụ Khu ủy và bàn các biện pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX. Thực hiện chủ trương trên, từ tháng 01 đến tháng 3/1974 các đơn vị An ninh vũ trang tỉnh độc lập và phối hợp với các lực lượng vũ trang đánh trên 50 trận, diệt trên 130 tên địch trong đó có nhiều tên ngụy quân, nguỵ quyền. Đi đôi với tấn công địch, An ninh vũ trang còn hỗ trợ tích cực phong trào quần chúng giành quyền làm chủ, đẩy mạnh đấu tranh chính trị và binh vận, góp phần đánh bại từng bước âm mưu lấn chiếm của địch. Trong chiến dịch này, An ninh vũ trang toàn tỉnh đã độc lập tác chiến 54 trân lớn nhỏ, diệt 133 tên, bắn bị thương 33 tên, bắt 06 tên. Ngoài ra, còn phối hợp với các lực lượng khác đánh 39 trận, diệt 118 tên, bắn bị thương 58 tên, bắt 12 tên, thu nhiều vũ khí, nhiều tài liệu quan trọng, đánh sập 06 lô cốt, 01 trụ sở, bắn cháy 02 xe bọc thép M113… Đồng thời, Đội An ninh vũ trang, Trinh sát vũ trang tỉnh tích cực chuẩn bị mọi mặt để phục vụ chiến dịch giải phóng quê hương Xuân 1975.
Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, lực lượng An ninh vũ trang cùng các đơn vị lực lượng vũ trang và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà vào ngày 31/3/1975; sau đó cùng các lực lượng nhanh chóng triển khai tiếp quản, bảo vệ an toàn các mục tiêu quan trọng, đảm bảo trật tự trị an vùng mới giải phóng.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác và chiến đấu, Đội An ninh vũ trang tỉnh, Đội Trinh sát vũ trang, Phân đội canh giữ trại giam (K18) cùng 03 cá nhân đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 14 lượt tập thể được tặng thưởng Huân chương Chiến công, Huân chương Giải phóng; 159 lượt cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương các loại; 267 lượt cán bộ, chiến sĩ được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ bắn máy bay, Dũng sĩ xung kích, Dũng sĩ Quyết thắng.
2. Công an nhân dân vũ trang, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, đấu tranh chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ thù, giữ vững chủ quyền và an ninh tuyến biển, đảo (1975 - 1985)
Sau khi tỉnh nhà và miền Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1975), lực lượng An ninh vũ trang tỉnh tách thành hai bộ phận: Một bộ phận tách ra trực thuộc Công an tỉnh thành Cảnh sát bảo vệ, số còn lại với sự chi viện về lực lượng của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang chuyển thành lực lượng Công an nhân dân vũ trang tỉnh (nay là Bộ đội Biên phòng tỉnh).
Ngày 05/4/1975, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang quyết định điều 184 cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang Hà Tĩnh và ngày 15/4/1975 quyết định điều thêm 27 cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang thành phố Hải Phòng tăng cường cho Bình Định. Ngày 26/4/1975, số cán bộ, chiến sĩ nói trên đã có mặt tại Bình Định để nhận nhiệm vụ.
Ngày 18/4/1975, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang ra Quyết định thành lập Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh Bình Định, trụ sở đóng tại 14E Trần Phú, thị xã Quy Nhơn. Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh Bình Định mới thành lập gồm có 04 đồng chí: Đại úy Phạm Trại - Chỉ huy trưởng, Thiếu tá Trần Hương - Phó Ty Công an làm Chính ủy, Thượng úy Trần Huệ - Phó Chỉ huy - Tham mưu trưởng, Thượng úy Nguyễn Hồng Minh (lúc này Trưởng Công an huyện An Nhơn) làm Phó Chính ủy. Giúp việc cho Ban Chỉ huy có 03 ban: Tham mưu, Hậu cần, Chính trị và các trợ lý trinh sát.
Ngày 05/6/1975, Tỉnh ủy ra Quyết định thành lập Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang tỉnh Bình Định trực thuộc Tỉnh ủy. Đảng ủy lâm thời gồm có 05 đồng chí, do đồng chí Trần Hương - Chính ủy làm Bí thư, đồng chí Phạm Trại - Chỉ huy trưởng làm Phó Bí thư. Căn cứ vào Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 13/3/1961 của Ban Bí thư Trung ương, Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang tỉnh Bình Định có nhiệm vụ: "Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo, cảng thuộc phạm vi tỉnh".
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, ngay sau khi được thành lập, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh đã triển khai xây dựng hệ thống đồn, trạm Biên phòng dọc theo tuyến biển từ Hoài Nhơn đến Quy Nhơn. Từ tháng 5 đến tháng 7/1975, đã triển khai thành lập 06 đồn, gồm: Đồn Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, nay là thị xã Hoài Nhơn), Đồn Phú Thứ (xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ), Đồn Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), Đồn Nhơn Lý, Đồn Nhơn Châu (thị xã Quy Nhơn, nay là thành phố Quy Nhơn), Đồn cảng Quy Nhơn và một đại đội cơ động.
Tại tỉnh Bình Định, những ngày đầu mới giải phóng, tình hình mọi mặt diễn biến rất phức tạp. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng chính quyền cách mạng hết sức khẩn trương. Tuy bị thất bại nhưng bọn cầm đầu các đảng phái phản động, bọn ngụy quân, ngụy quyền, tình báo, cảnh sát vẫn ngoan cố chưa chịu trình diện, vẫn còn lén lút hoạt động chống phá chính quyền cách mạng bằng nhiều thủ đoạn. Ở tuyến biển, tình hình càng diễn biến phức tạp hơn. Chúng tìm mọi cách nhen nhóm, móc nối, tụ tập, ngóc đầu dậy chống phá ta về kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội, bí mật liên lạc với bọn phản động lưu vong kích động người dân vượt biên trốn ra nước ngoài. Ngoài biển, tàu chiến của địch vẫn rập rình, đưa đón bọn vượt biên, chờ cơ hội xâm nhập nội địa hòng chống phá ta lâu dài. Trước tình hình đó, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh, trật tự vùng biển, đảo của tỉnh đặt ra rất cấp bách.
Ngày 20/10/1975, tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Ngãi hợp nhất thành tỉnh Nghĩa Bình, tỉnh lỵ đóng tại thị xã Quy Nhơn, theo đó An ninh vũ trang Bình Định được sáp nhập với An ninh vũ trang Quảng Ngãi thành An ninh vũ trang Nghĩa Bình. Địa bàn tuyến Biên phòng tỉnh Nghĩa Bình dài 295 km, từ cuối xã Tam Nghĩa (huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) đến Hòn Con Rùa giáp với tỉnh Phú Khánh. Dọc theo bờ biển, có nhiều dãy núi ăn sâu ra biển, bãi cát kéo dài từ 25 - 35 km.
Tháng 02/1976, Công an nhân dân vũ trang Nghĩa Bình được kiện toàn theo cơ cấu hệ thống chung của lực lượng Công an nhân dân vũ trang cả nước. Cấp tỉnh có Ban Chỉ huy, cấp cơ sở có các đồn, đại đội, trạm Biên phòng. Quân số của Công an nhân dân vũ trang Nghĩa Bình lúc mới thành lập chỉ mới đạt ở mức hơn 70% theo biên chế của Bộ Tư lệnh. Trong những ngày đầu triển khai các đồn, trạm Biên phòng, mặc dù còn nhiều khó khăn, gian khổ, thiếu thốn về vật chất, tinh thần; vừa phải triển khai xây dựng nơi ăn chốn ở, vừa phải triển khai các biện pháp công tác Biên phòng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển đảo của tỉnh. Công an nhân dân vũ trang tỉnh đã cùng các lực lượng thực hiện tốt công tác đánh địch bí mật, phát hiện và xử lý những phần tử trong ngụy quân, ngụy quyền chưa chịu cải tạo và các phần tử phản động có mưu đồ nổi dậy chống phá cách mạng; phòng chống vượt biên, xâm nhập và hoạt động của các loại tội phạm khác; đồng thời, tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị tại các địa phương, giúp dân ổn định cuộc sống, giữ gìn trật tự trị an thôn, xóm; góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh tuyến biển, đảo.
Bên cạnh đó, từ năm 1977 đến 1979; đã có hơn 300 cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang tỉnh Bình Định tăng cường cho Công an nhân dân vũ trang các tỉnh: Đắk Lắk và Kiên Giang để chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và tăng cường cho Trung đoàn 20 làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Tất cả cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, lập nhiều chiến công xuất sắc; nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh vì sự bình yên của Tổ quốc và nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/10/1979 của Bộ Chính trị (khóa IV): "Chuyển giao nhiệm vụ và tổ chức lực lượng Công an nhân dân vũ trang từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng", Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 1148/QĐ-QP ngày 19/12/1979 về nhiệm vụ của BĐBP, Bộ Tổng tham mưu ra Chỉ thị số 11/CT-TM về nhiệm vụ, tổ chức biên chế của BĐBP, thành lập Phòng Biên phòng trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Đến ngày 24/3/1980, việc chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng Công an nhân dân vũ trang Nghĩa Bình sang Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghĩa Bình hoàn thành. Từ đây Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Nghĩa Bình giải thể và Phòng Biên phòng trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghĩa Bình được thành lập; và cũng từ đây, Công an nhân dân vũ trang Nghĩa Bình mang tên mới "Bộ đội Biên phòng Nghĩa Bình"; các ban: Chính trị, Hậu cần nhập vào Phòng Chính trị, Phòng Hậu cần Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Còn ban: Tham mưu, Trinh sát giữ lại để thành lập Phòng Biên phòng. Phòng Biên phòng tỉnh Nghĩa Bình được biên chế 47 đồng chí, chia thành 03 ban (Ban Quản lý biên giới, bờ biển; Ban Trinh sát Biên phòng; Ban Tổ chức xây dựng, huấn luyện).
Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghĩa Bình vừa ổn định tư tưởng, tổ chức, vừa phấn đấu vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ và đã đạt được những thành tích đáng kể. Nhưng qua thực tiễn chiến đấu, công tác và xây dựng lực lượng cho thấy mô hình mới chưa phù hợp với đặc thù của Bộ đội Biên phòng. Vì vậy, ngày 02/12/1980, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 31-NQ/TW về "Nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới"; ngày 26/5/1981, Bộ Tổng Tham mưu ra Chỉ thị số 85/CT-TM về việc "chấn chỉnh và kiện toàn tổ chức, tăng cường chỉ đạo, chỉ huy đối với Bộ đội Biên phòng nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh biên giới quốc gia vùng biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới". Ngày 02/6/1981, Bộ Tư lệnh Biên phòng ban hành Hướng dẫn số 14/HD-BTL về việc thực hiện Chỉ thị số 85/CT-TM của Bộ Tổng Tham mưu về việc đổi mới, củng cố công tác đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng; thực hiện Chỉ thị số 85/CT-TM của Bộ Tổng Tham mưu, cơ quan Chủ nhiệm Biên phòng Nghĩa Bình được thành lập gồm các ban: Tham mưu, Trinh sát, Chính trị, Hậu cần - Kỹ thuật, Tiểu ban Hành chính và các đơn vị trực thuộc: 13 đồn Biên phòng, 02 đại đội cơ động bộ, 02 đại đội thuyền, khung huấn luyện chiến sĩ mới.
Ngày 14/01/1981, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Đảng bộ Phòng Biên phòng triệu tập hội nghị đảng viên nhằm kiểm điểm, đánh giá sự lãnh đạo của Đảng bộ trong thời gian từ tháng 5/1979 đến cuối năm 1980, thảo luận và quyết nghị phương hướng, nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng bộ trong thời gian tới và bầu ra Ban Chầp hành Đảng bộ gồm 07 đồng chí. Năm 1981, thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ, lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với các lực lượng ngăn chặn và bắt giữ 97 vụ vượt biển trốn ra nước ngoài gồm: 1.195 người, đạt tỷ lệ 71,86% số người, thoát 539 người chiếm 28,14% số người; quần chúng đã cung cấp cho ta 105/135 vụ vượt biển, trong đó ngư dân báo cáo Đồn 614 bắt 02 vụ, đồn 618 bắt 02 vụ vượt biển.
Năm 1982, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 85/CT-TM của Bộ Tổng Tham mưu, trên các mặt công tác có những chuyển biến mới, từng bước đi vào nền nếp và ổn định. Thời gian này, bọn phản động thường xuyên tụ tập tuyên truyền, kích động mua chuộc, lôi kéo người vượt biển trốn ra nước ngoài. Trong năm 1982, khu vực Biên phòng tỉnh đã xảy ra 119 vụ, so với năm 1981 giảm 20% số vụ, 35% số người. Ta bắt 92 vụ, thoát 27 vụ. Trong số 92 vụ, Bộ đội Biên phòng độc lập bắt 40 vụ. Điển hình: Đồn 630, 634, 638 bắt 19 vụ, 131 tên; Đồn 618 bắt 04 vụ, 32 tên; Đồn 622 bắt 12 vụ, 41 tên; Đồn 626 bắt 08 vụ, 122 tên.
Để phục vụ cho công tác chiến đấu chống xâm nhập, vượt biển và các loại tội phạm khác, Chủ nhiệm Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động chỉ đạo các đơn vị bám sát các địa bàn trọng điểm, nắm chắc đối tượng, nhất là các đối tượng nguy hiểm, thường xuyên cử cán bộ xuống đơn vị kiểm tra địa bàn, quản lý đối tượng, phát hiện kịp thời và có đối sách phù hợp với từng loại đối tượng. Công tác xây dựng lực lượng bí mật được chú trọng. Nhờ đó, công tác nắm tình hình năm 1982 đã có bước chuyển biến tốt, đảm bảo phát hiện kịp thời và tổ chức đấu tranh có hiệu quả đối với những vụ việc xảy ra. Phát hiện bắt giữ và kết luận 02 vụ xâm nhập giao cho công an giải quyết; xác minh, kết luận 09/10 trường hợp nghi xâm nhập. Năm 1982, có 05 xã Biên phòng đạt xã có "Phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc" tốt, trong đó có 02 xã Lá cờ đầu là xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn), xã Nhơn Châu (thị xã Quy Nhơn), 16 xã đạt loại khá, 18 xã trung bình. Trong 13 đội vận động quần chúng, có 08 đội đạt khá, 05 đội đạt tiêu chuẩn vận động quần chúng giỏi.
Ngày 23/02/1983, Bộ Tổng Tham mưu ban hành Chỉ thị số 30/CT-TM về bố trí sử dụng BĐBP. Chủ trương mới phù hợp với tình hình nhiệm vụ nên cán bộ, chiến sĩ phấn khởi, an tâm thực hiện nhiệm vụ, tinh thần đấu tranh nội bộ để xây dựng đơn vị vững mạnh ngày càng tăng, hiện tượng tiêu cực ngày càng giảm, có đồn từ yếu vươn lên khá. Trong thời gian này nhiều đơn vị còn khó khăn, nhất là về mặt hậu cần, nơi ăn chốn ở... nhưng đã phát huy nội lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
3. Tiếp tục đổi mới công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển đảo và xây dựng Bộ đội Biên phòng trong thời kỳ đổi mới (1986 - 1995)
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Với tinh thần "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật"; phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan; phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới; xây dựng Đảng ngang tầm với một Đảng cầm quyền lãnh đạo Nhân dân tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới. Về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia. Nghị quyết khẳng định: "... Tăng cường tổ chức bảo vệ chủ quyền và giữ vững các tuyến biên giới, vùng trời, vùng biển và hải đảo, xây dựng và củng cố Bộ đội Biên phòng vững mạnh...".
Thực hiện Nghị quyết 21/NQ-TW và Nghị quyết 24/NQ-TW của Bộ Chính trị, ngày 04/4/1986 Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 419/QĐ-QP về việc "chấn chỉnh tổ chức chỉ huy và củng cố xây dựng Bộ đội Biên phòng". Quyết định của Bộ Quốc phòng chỉ rõ: "Bộ đội Biên phòng được tổ chức thành một hệ thống chỉ huy thống nhất, trực thuộc sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy Quân sự Trung ương và sự chỉ huy, quản lý toàn diện của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng thời chịu sự chỉ đạo về công tác an ninh của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, về công tác đối ngoại của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao...".
Hệ thống tổ chức chỉ huy của Bộ đội Biên phòng có 03 cấp cơ bản: (1) Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trực thuộc sự chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; (2) Ở tỉnh, thành phố, đặc khu có biên giới, bờ biển có Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng trực thuộc sự chỉ huy của Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; (3) Ở cơ sở có đồn Biên phòng, các hải đội Biên phòng trực thuộc sự chỉ huy của Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố, đặc khu; Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có nhiệm vụ chỉ huy trực tiếp, thống nhất toàn diện Bộ đội Biên phòng.
Tháng 6/1986, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có Quyết định về việc đổi toàn bộ phiên hiệu của các đồn Biên phòng thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng. Các đồn phía Nam tỉnh Nghĩa Bình (nay là tỉnh Bình Định) được đổi: Đồn 618 (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) thành Đồn 308; Đồn 622 (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) thành Đồn 312; Đồn 626 (xã Đề Gi, huyện Phù Cát) thành Đồn 316; Đồn 630 (xã Nhơn Hải, thị xã Quy Nhơn) thành Đồn 320; Đồn 638 (phường Hải Cảng, thị xã- Quy Nhơn) thành Đồn 324; Đồn 634 (xã Nhơn Châu, thị xã Quy Nhơn) thành Đồn 332.
Ngày 25/7/1986, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 77/QĐ-TW về xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức đảng trong BĐBP, trong đó quy định Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố, đặc khu được tổ chức thành một Đảng bộ thống nhất dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy.
Ngày 30/11/1987, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 07/NQ-TW về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới; ngày 31/5/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 41-CT/TW về việc chuyển giao Bộ đội Biên phòng từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Nội vụ. Chỉ thị nêu rõ: "Bộ Quốc phòng chuyển giao nhiệm vụ, toàn bộ tổ chức, biên chế, trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật của toàn bộ lực lượng Bộ đội Biên phòng sang Bộ Nội vụ. Lực lượng Biên phòng đặt dưới sự chỉ đạo, chỉ huy toàn diện của Bộ trưởng Bộ Nội vụ...".
Đi đôi với công tác củng cố và kiện toàn tổ chức, Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh còn tăng cường chỉ đạo công tác chống xâm nhập, bóc gỡ việc cài cấy cơ sở ngầm của địch. Phát hiện 39 trường hợp gồm 96 ngư dân bị tàu quân sự Trung Quốc bắt, thu thập tình hình và 24 trường hợp gồm 243 ngư dân có quan hệ với tàu thuyền của nước ngoài. Phối hợp với công an xác minh kết luận 27 trường hợp phương tiện tàu thuyền và đồ dùng trôi dạt vào vùng biển của ta; phát hiện và xử lý 41 trường hợp cư trú bất hợp pháp. Cùng với các lực lượng bắt 24 vụ/204 người vượt biên. Phát hiện và bổ sung vào hồ sơ 1.444 đối tượng sưu tra các loại.
Về tổ chức và xây dựng lực lượng, thời gian này, cán bộ, chiến sĩ ra quân theo diện chính sách nhiều, quân số thiếu. Nhưng với quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát động phong trào thi đua, hướng vào 04 chỉ tiêu: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng tâm; xây dựng đơn vị trong sạch vững mạnh; kỷ luật nghiêm, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân tốt và tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Thực hiện 04 chỉ tiêu thi đua trên, năm 1987, công tác bắt, phá vượt biển đạt 76,8% số vụ và 73,8% số người; các đơn vị bắt phá đạt 100% số vụ như: Đồn 312, 316, 332, 324. Phòng Trinh sát đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể cho các khâu công tác cơ bản như: Sưu tra, công tác điều tra cơ bản địa bàn, đối tượng, công tác bố trí thế trận và bốc dỡ cơ sở ngầm... đã sưu tra 10.092 đối tượng; phát hiện và xử lý 908 hiện tượng xâm nhập, nghi xâm nhập. Điển hình: Ngày 11/7/1987, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát hiện, bắt giữ tàu SHUN - SHENG 32 quốc tịch Đài Loan xâm phạm vùng lãnh hải của ta; tiến hành xử phạt hành chính tàu, thuyền trưởng, thuyền viên, trục xuất khỏi lãnh hải Việt Nam và thông báo qua đường ngoại giao.
Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) ban hành Quyết định số 83/QĐ-TW ngày 04/3/1989 về chia tỉnh Nghĩa Bình thành hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định; ngày 04/8/1989, dưới sự chứng kiến của đại diện Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghĩa Bình tổ chức lễ bàn giao cho Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định và Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi. Bộ máy chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định được tổ chức lại, gồm: Ban Chỉ huy tỉnh, các phòng: Tham mưu, Trinh sát, Chính trị, Hậu cần kỹ thuật và Ban Hành chính; các đơn vị cơ sở gồm: 06 đồn Biên phòng, Đại đội tàu thuyền và Khung huấn luyện chiến sĩ mới.
Thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh, Đảng ủy Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định khẩn trương tiến hành xây dựng củng cố các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan nghiệp vụ chuyên môn ở tỉnh và cơ sở, kịp thời xây dựng các phương án, kế hoạch công tác Biên phòng; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị xây dựng kế hoạch công tác phù hợp với đặc điểm tình hình đơn vị và có tính khả thi cao trong công tác bảo vệ độc lập, chủ quyền an ninh vùng biển, đảo của tỉnh trong tình hình mới.
Năm 1990, năm đầu sau khi tái lập tỉnh, Bộ đội Biên phòng phải điều chỉnh, bổ sung, củng cố toàn diện tuy có gặp khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng, giúp đỡ của Nhân dân, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lãnh đạo lực lượng khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị: Bắt phá 08 vụ vượt biển/70 người, cùng với Hải quan bắt 05 vụ buôn lậu, thu cho nhà nước một lượng hàng hóa trên 50 triệu đồng.
Về biên chế tổ chức, từ tháng 8/1990, thực hiện Quyết định 115 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ chuyển Trạm Cửa khẩu thuộc Công an tỉnh sang Bộ đội Biên phòng quản lý. Từ đây, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định có: 06 đồn, 01 trạm cửa khẩu, 01 Đại đội Tàu thuyền và 01 Khung huấn luyện chiến sĩ mới. Về công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng trực thuộc Tỉnh ủy, có 09 chi bộ đơn vị chiến đấu, 05 chi bộ cơ quan, có 12 chi đoàn trực thuộc.
Năm 1992, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng, tình hình đất nước có nhiều chuyển biến thuận lợi, niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân vào Đảng, vào công cuộc đổi mới không ngừng củng cố. Công tác giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới được tăng cường. Về xây dựng lực lượng, công tác giáo dục chính trị tư tưởng được coi trọng. Các Đồn: 316, 324, 320, 308, Đồn Cửa khẩu đã kết hợp đồng bộ giữa giáo dục và quản lý, với chăm lo đời sống của cán bộ, chiến sĩ; công tác trinh sát, đã thực hiện nhiều phương án có hiệu quả, phát hiện 12 đối tượng vượt biển đang hoạt động trong tổ chức người Việt lưu vong; công tác vận động quần chúng, cùng các địa phương tuyên truyền 12.327 lượt người, củng cố 72 tổ an ninh nhân dân, xây dựng 04 khu dân cư an toàn; về công tác xây dựng Đảng, 50% chi bộ trong sạch vững mạnh, 50% chi bộ khá. Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh. Với những thành tích đã đạt được, Bộ đội Biên phòng tỉnh được Bộ Tư lệnh tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Đầu năm 1993, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã ra quân triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-ĐU ngày 08/01/1993 của Đảng ủy về nhiệm vụ công tác năm 1993, trong đó xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, củng cố, nâng cao chất lượng Bộ đội Biên phòng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, quy hoạch cán bộ chủ chốt các cấp. Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "xây dựng đơn vị chiến đấu vững mạnh, chính quy". Chỉ đạo các cấp ủy chỉ huy các đơn vị xây dựng và bổ sung hoàn chỉnh quy chế làm việc, đồng thời phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng 05 năm "Ngày Biên phòng" và 35 năm "Ngày truyền thống lực lượng". Kết quả, đã bắt xử lý 38 vụ buôn lậu, hàng hóa thu giữ trị giá gần 300 triệu đồng. Điển hình: Ngày 19/7/1993, Đồn Biên phòng 320 cùng một thuyền ngư dân xã Nhơn Lý vây bắt thuyền QN-5201 ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang dùng chất nổ khai thác thủy sản tại Hòn Cân (vùng biển Nhơn Lý) thu 4,02 kg thuốc nổ, 20 mét dây cháy chậm, 16 kíp nổ, 120 kg cá. Qua đấu tranh khai thác, những người phạm tội đã thừa nhận hành vi dùng chất nổ khai thác thủy sản…
Trong những tháng đầu năm 1995, nạn buôn bậu và gian lận thương mại trên vùng biển của tỉnh cũng như các tỉnh duyên hải miền Trung diễn ra khá phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Đây là tội phạm mới nảy sinh trong điều kiện đất nước mở cửa, vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Trước thực trạng trên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiến hành xác lập nhiều chuyên án quan trọng chỉ đạo cho Bộ đội Biên phòng các tỉnh duyên hải, tăng cường đánh mạnh vào loại tội phạm này, đem lại niềm tin cho Nhân dân và sự bình yên cho vùng biển. Đi đôi với thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng đơn vị được cấp uỷ, chỉ huy các cấp triển khai đồng bộ, toàn diện, đạt được nhiều kết quả. Nhờ không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, chất lượng chiến đấu nên BĐBP tỉnh đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nhất là bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển, đảo trên địa bàn tỉnh.
4. Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo của tỉnh trong tình hình mới (1996 - 2021)
Căn cứ tình hình chung trên các tuyến biên giới và chủ động đối phó với mọi tình huống, phục vụ yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, ngày 08/8/1995, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) ra Nghị quyết số 11/NQ-TW về "xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới", chuyển giao tổ chức, nhiệm vụ, cơ sở vật chất và địa bàn hoạt động của Bộ đội Biên phòng từ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) sang Bộ Quốc phòng. Bộ Chính trị quy định: "Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng và Nhà nước, là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam làm nòng cốt chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia"; ngày 16/11/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 754/QĐ-TTg về chuyển giao Bộ đội Biên phòng từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng quản lý.
Ngày 29/9/1999, Tỉnh ủy Bình Định tổ chức tổng kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 08/8/1995 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới. Qua 03 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, công tác Biên phòng từng bước được đổi mới, kết hợp giữa quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự biển, đảo với việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Bộ đội Biên phòng đã thường xuyên làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp củng cố xây dựng cơ sở chính trị xã, phường Biên phòng và tình hình có liên quan đến công tác Biên phòng; trực tiếp và phối hợp cùng các lực lượng đấu tranh chống các hoạt động phá hoại của các loại đối tượng; giải quyết tốt những vấn đề nổi lên ở địa bàn, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động trái pháp luật của các phần tử xấu lợi dụng tôn giáo; phối hợp cùng Hải quan, Công an thực hiện tốt công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại trên biển; kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh tại Cảng Quy Nhơn đảm bảo chặt chẽ, đúng thủ tục.
Hàng năm, Bộ đội Biên phòng đã luôn gắn mệnh lệnh công tác Biên phòng của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với các nghị quyết của Tỉnh ủy, chương trình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của Ủy ban nhân dân tỉnh để xây dựng phương hướng, nhiệm vụ công tác Biên phòng, xây dựng kế hoạch bảo vệ biên giới, phương án chiến đấu bảo vệ đồn, trạm và tổ chức tập huấn, hướng dẫn các đơn vị huấn luyện, tham gia diễn tập khu vực phòng thủ. Thực hiện nghiêm túc các quyết định về tổ chức biên chế và tăng cường củng cố hệ thống đồn, trạm Biên phòng; xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh có tinh thần trách nhiệm cao, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Trước tình hình phức tạp ở Tây Nguyên, thực hiện mệnh lệnh, chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; năm 2002-2004, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cử 03 trung đội và 06 sĩ quan tăng cường cho BĐBP các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông để bảo vệ biên giới; từ tháng 4/2015 đến nay, đã có 140 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã và đang thực hiện nhiệm vụ tăng cường cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, Kiên Giang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, phòng chống vượt biên trái phép, phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, công tác biên phòng; quán triệt và triển khai đầy đủ, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về quốc phòng an ninh, nhất là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng. Đã tích cực chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp công tác nghiệp vụ, tổ chức tuần tra kiểm soát, nắm chắc tình hình vùng biển và địa bàn, quản lý 7.636 lượt tàu nước ngoài, 137.195 lượt thuyền viên, 1.962 lượt thương nhân ra vào cảng Quy Nhơn, 11 tàu du lịch, 02 tàu quân sự với hơn 1.000 khách nước ngoài thông qua cảng đến Bình Định; quản lý hàng chục ngàn lượt người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến khu vực biên giới biển. Phối hợp vận động giao nộp hàng ngàn khẩu súng các loại. Phối hợp xác minh 244 lượt phương tiện/1.827 lượt ngư dân bị nước ngoài xua đuổi, kiểm soát, bắt giữ, thả ngay trên biển.
Các đơn vị Biên phòng đã chủ động nghiên cứu, nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời phát huy tốt vai trò tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương tuyến biển lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời các tình huống, không để bị động, bất ngờ; triển khai có hiệu quả công tác đấu tranh, trấn áp với các loại tội phạm trên khu vực biên giới biển. Đã phối hợp xác lập, đấu tranh thành công 12 chuyên án, 20 kế hoạch nghiệp vụ, bắt giữ, khởi tố 32 vụ/56 đối tượng về ma tuý, mua bán vật liệu nổ, buôn lậu, vận chuyển hoàn hoá trái phép, hủy hoại nguồn lợi thủy sản. Tang vật thu giữ 664,6578 gam ma tuý các loại, 210,85 kg thuốc nổ, 7.454 kíp nổ, 94,1 mét dây cháy chậm và nhiều tang vật khác. Xử phạt vi phạm hành chính 1.284 vụ/1.654 đối tượng với tổng số tiền xử phạt hơn 5,2 tỷ đồng. Tham mưu cho UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 11 vụ/11 đối tượng xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản, với số tiền 09 tỷ đồng. Tạo sức răn đe đối với các loại tội phạm trong khu vực biên giới biển; góp phần bảo đảm an ninh trật tự, giữ vững bình yên vùng biển, đảo của tỉnh nhà.
Công tác giáo dục chính trị, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới biển được triển khai đồng bộ, chặt chẽ. Đặc biệt là tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, địa phương tuyến biển triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo". Đã biên soạn, in ấn, phát hành 26.900 tờ gấp, sách pháp luật tuyên truyền, tổ chức hơn 532 buổi, với khoảng 73.000 lượt người nghe...Đồng thời, làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội ở khu vực biên giới biển, vận động, xây dựng được 187 nhà, với tổng số tiền hơn 08 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công tham gia xây dựng nông thôn mới; khám và cấp phát thuốc miễn phí cho 10.784 lượt người trên địa bàn, huy động hơn 13.780 lượt cán bộ, đoàn viên thanh niên và quần chúng nhân dân tham gia làm sạch 48,11 km bờ biển, thu gom 60,45 tấn rác thải. Nhận đỡ đầu 66 lượt em theo chương trình "Nâng bước em tới trường", tặng 51 suất quà trị giá 27 triệu đồng, 75 xe đạp, duy trì hỗ trợ 500.000đồng/tháng/em với tổng giá trị trao tặng hơn 1,3 tỷ đồng. Nhận hỗ trợ 34 con nuôi đồn Biên phòng/2,4 triệu đồng/năm/em; góp phần xây dựng khu vực biên giới biển vững mạnh theo xu hướng phát triển chung của tỉnh.
Xác định công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là một nhiệm vụ chính trị trong thời bình. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng quản lý các phương tiện, tích cực chủ động triển khai các biện pháp phòng chống lụt bão, kêu gọi 80.720 lượt tàu thuyền/582.102 lượt thuyền viên phòng tránh vùng nguy hiểm của bão, áp thấp nhiệt đới; ngăn chặn, không làm thủ tục xuất bến cho 47.497 lượt tàu thuyền khi thời tiết xấu; hướng dẫn, sắp xếp cho 20.563 lượt tàu tại bờ để phòng, tránh bão; phối hợp sơ tán hơn 16.202 hộ/34.056 nhân khẩu nằm trong vùng ảnh hưởng của bão, lũ; đã trực tiếp cứu nạn an toàn 129 tàu/958 ngư dân bị nạn trên biển, góp phần bảo vệ tính mạn và tài sản của Nhân dân. Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tích cực tham mưu, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ "về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới"; Chỉ thị số của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về thực hiện phân công đảng viên đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới; Kế hoạch số 79-KH/TU ngày 04/8/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã biên giới biển. Qua đó, đã phát huy được sức mạnh của đội ngũ cán bộ cơ sở, tạo thành chỗ dựa tin cậy và là nhân tố tích cực góp phần quan trọng cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng và các ngành, đoàn thể liên quan trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh.
Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được Nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng, giúp đỡ và tin yêu, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường của quê hương Bình Định, truyền thống anh hùng của lực lượng Bộ đội Biên phòng, hun đúc lên truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, đó là: "Trung thành với Đảng, tận tụy với dân; Dũng cảm trước địch, vì nước quên thân; Liêm chính - kiệm cần".
Với những thành tích đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định: Huân chương Chiến công hạng Nhất năm 1996, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba năm 2011, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì năm 2021. Nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý khác.
II. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 60 NĂM XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU, TRƯỞNG THÀNH, XÂY DỰNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG TỈNH BÌNH ĐỊNH VỮNG MẠNH TOÀN DIỆN, HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Kỷ niệm 60 Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, đúng vào dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Với niềm tự hào sâu sắc và trách nhiệm nặng nề trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, cùng cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh cần thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
Một là, tuyên truyền sâu rộng về lịch sử hào hùng, truyền thống vẻ vang 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đùm bọc của Nhân dân, sự giúp đỡ, phối hợp của cấp uỷ, chính quyền, các ngành, các cấp và các lực lượng; Bộ đội Biên phòng tỉnh đã làm nên những chiến công hiển hách; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tiếp tục xây dựng Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Hai là, tập trung xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh. Theo đó, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) "về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ", gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Chỉ thị số 855-CT/QUTW của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới... xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện "Mẫu mực, tiêu biểu".
Ba là, coi trọng xây dựng Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; chăm lo, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, "đối tượng, đối tác"; có bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trước những diễn biến phức tạp của tình hình. Nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, nhất là quan điểm "phi chính trị hóa" Quân đội, chia rẽ, gây mâu thuẫn giữa Quân đội và Nhân dân, giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; phòng chống có hiệu quả "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Bốn là, tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả chủ trương, quan điểm của Đảng về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong trong tình hình mới", "Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia"; nâng cao chất lượng nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu theo phương châm "Cơ bản, thiết thực, vững chắc", đồng bộ, chuyên sâu, sát đối tượng tác chiến, sát đặc điểm, tình hình địa bàn cơ sở; chú trọng huấn luyện nâng cao khả năng sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị trong biên chế; làm chủ, khai thác tốt các loại vũ khí mới được trang bị. Tăng cường huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao đáp ứng yêu cầu tác chiến trong tình hình mới.
Năm là, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác Biên phòng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xây dựng mối đoàn kết quân dân ngày càng gắn bó. Tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh và công tác an sinh xã hội; giúp dân xoá đói, giảm nghèo; chung sức xây dựng nông thôn mới; khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa...góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn khu vực biên giới biển ngày càng vững chắc; tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế, xã hội địa phương phát triển nhanh, bền vững.
*
* *
Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang của dân tộc, Quân đội, bản chất, truyền thống tốt đẹp, những chiến công oanh liệt của Bộ đội Biên phòng tỉnh. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí quật cường, ý thức tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn thử thách; ra sức xây dựng Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh toàn diện, xứng đáng với truyền thống "Trung thành với Đảng, tận tụy với dân; Dũng cảm trước địch, vì nước quên thân; Liêm chính - kiệm cần".
BỘ CHỈ HUY BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG TỈNH BÌNH ĐỊNH