CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tài liệu tuyên truyền
Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Ph. Ăng-ghen (28/11/1820 - 28/11/2020): TÁC PHẨM “NGUỒN GỐC CỦA GIA ĐÌNH, CỦA SỞ HỮU TƯ NHÂN VÀ CỦA NHÀ NƯỚC” - NGHIÊN CỨU, VẬN DỤNG TRONG CÔNG TÁC LÝ LUẬN
Thứ bảy 28/11/2020 08:33
Tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của sở hữu tư nhân và của nhà nước” là một trong số những tác phẩm kinh điển nổi tiếng của Phri-đrích Ăng-ghen, trong đó ông đã nêu ra những luận điểm quan trọng: Nguồn gốc của gia đình, nguồn gốc và bản chất của nhà nước, sự tiêu vong của nhà nước.

* Những luận điểm quan trọng của Ph. Ăng-ghen trong tác phẩm

- Nguồn gốc gia đình

Dựa trên quan niệm duy vật về lịch sử, Ăng-ghen đã xem xét, nghiên cứu sự phát triển gia đình trong sự phát triển của sản xuất vật chất. Ông cho rằng: "Nhân tố quyết định trong lịch sử, quy cho đến cùng, là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống trực tiếp. Nhưng bản thân sự sản xuất đó lại có hai loại. Một mặt là sản xuất ra tư liệu sinh hoạt, ra thức ăn, quần áo và nhà ở và những công cụ cần thiết để sản xuất ra những thứ đó; mặt khác, là sự sản xuất ra bản thân con người, là sự truyền nòi giống. Những thiết chế xã hội, trong đó những con người của một thời đại lịch sử nhất định và của một nước nhất định đang sống, là do hai loại sản xuất đó quyết định: Một mặt là do trình độ phát triển của lao động và mặt khác là do trình độ phát triển của gia đình". Luận điểm trên của Ăng-ghen đã chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa sự phát triển của sản xuất và sự phát triển của gia đình; trong đó, các quan hệ gia đình bị chi phối bởi sự phát triển của sản xuất và ngược lại, các quan hệ gia đình có ảnh hưởng đến các quan hệ xã hội.

Tư tưởng trên của Ăng-ghen chính là sự phản ánh, đúc kết thực tiễn của lịch sử phát triển gia đình; không chỉ vạch ra nguồn gốc và sự hình thành gia đình trên tinh thần biện chứng duy vật, mà còn cung cấp cho chúng ta những nguyên lý mang tính phương pháp luận trong nghiên cứu gia đình hiện đại.

- Nguồn gốc và bản chất của nhà nước

Ăng-ghen đã luận chứng một cách khoa học nguồn gốc, bản chất, quy luật hình thành và phát triển của nhà nước như một tất yếu khách quan trong quá trình phát triển của xã hội loài người. Nhà nước, theo đó, không phải là một thực thể quyền lực từ bên ngoài áp đặt vào xã hội, mà là sản phẩm của một xã hội đã phát triển đến một giai đoạn nhất định, là bằng chứng của những mâu thuẫn, của những phân chia xã hội thành các lực lượng đối lập nhau mà tự chúng không thể giải quyết được.

Để những mặt đối lập và những giai cấp có quyền lợi mâu thuẫn nhau ấy không đi đến tiêu diệt lẫn nhau và tiêu diệt cả xã hội, thì cần phải có một lực lượng tựa hồ như đứng trên xã hội, có nhiệm vụ làm dịu xung đột và giữ cho xung đột trong vòng trật tự, lực lượng ấy là nhà nước.

Những tiền đề kinh tế và xã hội của sự xuất hiện nhà nước, theo Ph.Ăng- ghen, là sự ra đời của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và xã hội phân chia thành giai cấp. Nhà nước là sản phẩm của xã hội đã phân chia giai cấp, là kết quả của những mâu thuẫn giữa các giai cấp không thể điều hoà được, là sản phẩm của sự phát triển xã hội.

Sự xung đột lợi ích xuất hiện, ngày càng gay gắt; cần phải có một tổ chức để quản lý, điều tiết xã hội, lúc này xuất hiện nhà nước.

Sự xuất hiện nhà nước xảy ra trong quá trình lâu dài và phức tạp, trải qua một loạt các giai đoạn khác nhau. Đồng thời, do các đặc điểm về kinh tế - xã hội và lịch sử khác nhau nên có nhiều phương thức hình thành nhà nước khác nhau, như ở các nhà nước A-ten, Rô-ma, Giéc-manh, v.v…

Nhà nước là một bộ máy đặc biệt để bảo đảm sự thống trị về kinh tế, để thực hiện quyền lực về chính trị và thực hiện sự tác động về tư tưởng đối với quần chúng. Ngoài việc thực hiện các chức năng trên, nhà nước còn phải giải quyết tất cả các vấn đề khác nảy sinh trong xã hội, nghĩa là phải thực hiện các chức năng xã hội. Điều đó nói lên rằng nhà nước là một hiện tượng phức tạp và đa dạng nó vừa mang bản chất giai cấp lại vừa mang bản chất xã hội.

- Sự tiêu vong của nhà nước

Theo Ăng-ghen, nhà nước tiêu vong cũng là một tất yếu như sự xuất hiện của nó trong điều kiện xã hội nhất định. Nhà nước không tồn tại, cũng như từ xa xưa xã hội đã có thời kỳ không cần đến nhà nước, thậm chí không có một khái niệm nào về nhà nước. Đến một giai đoạn phát triển nhất định của xã hội, giai đoạn đương nhiên phải gắn liền với sự phát triển của kinh tế và phân chia xã hội thành giai cấp thì sự xuất hiện của nhà nước trở thành một tất yếu. Nhưng sẽ đến thời kỳ sự tồn tại của những giai cấp nói trên không còn là một tất yếu nữa, hơn nữa sự tồn tại của các giai cấp còn là trở ngại trực tiếp cho sản xuất. Khi giai cấp không còn thì nhà nước cũng không tránh khỏi tiêu vong.

Ăng-ghen nhận định rằng: Giai cấp vô sản giành lấy nhà nước và biến những tư liệu sản xuất thành sở hữu của xã hội, từng bước tự xoá bỏ mình với tư cách một giai cấp, xoá bỏ sự khác biệt giai cấp và mọi sự đối lập giai cấp, đồng thời xoá bỏ cả nhà nước. Khi nhà nước đã trở thành đại diện của toàn thể xã hội, không còn giai cấp nào bị áp bức nữa, không còn đấu tranh sinh tồn cá nhân nữa, vai trò của nhà nước sẽ mất dần đi. Nhà nước sẽ đi đến chỗ tự tiêu vong cũng là một tất yếu khách quan khi nó đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình, khi "chủ nghĩa cộng sản" văn minh được hoàn thành.

* Vận dụng những luận điểm của Ăng-ghen vào công tác nghiên cứu, đấu tranh, chống lại các luận điểm sai trái

Việc nghiên cứu tác phẩm kinh điển "Nguồn gốc của gia đình, của sở hữu tư nhân và của nhà nước" để vận dụng vào công tác nghiên cứu lý luận là hết sức cần thiết và quan trọng.Về cơ bản, gồm các vấn đề sau:

Thứ nhất, hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự ra đời của nhà nước là sự xuất hiện của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và sự xuất hiện các giai cấp đối kháng, đấu tranh giai cấp.

Chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất là tiền đề kinh tế của việc ra đời nhà nước. Với ba lần phân công lao động xã hội lớn đã thúc đẩy lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất phát triển, hình thành nên chế độ sở hữu tư nhân.

Chế độ sở hữu tư nhân, đặc biệt là tư hữu về tư liệu sản xuất đã dẫn đến sự phân chia xã hội thành các giai cấp có lợi ích khác nhau. Khi xã hội phân chia thành những giai cấp giàu và nghèo, thì xã hội cũng nảy sinh ra những mâu thuẫn gay gắt, quyết liệt giữa những giai cấp có lợi ích đối kháng. Đây chính là tiền đề chính trị - xã hội của việc ra đời nhà nước. Trong điều kiện đó, việc xuất hiện nhà nước, với tư cách là tổ chức để thực hiện sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác là tất yếu khách quan.

Thứ hai, bản chất của nhà nước vừa mang tính giai cấp (bản chất giai cấp), vừa mang tính xã hội. Hai thuộc tính này tồn tại trong một thể thống nhất, không thể tách rời. Không tuyệt đối hoá hoặc coi nhẹ thuộc tính nào. Từ đó ta có thể luận giải cho sự thống nhất giữa tính giai cấp, tính nhân dân và tính dân tộc của Nhà nước ta. Những luận giải này cũng cần được trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Đối với những nội dung về nguồn gốc, bản chất của nhà nước, chúng ta cũng cần nghiên cứu tác phẩm "Nhà nước và cách mạng", trong đó V.I. Lênin tiếp tục phát triển tư tưởng của Mác, Ăng-ghen về nhà nước trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc.

Thứ ba, những nguyên nhân làm phát sinh nhà nước, cũng chính là những nguyên nhân làm phát sinh pháp luật. Nhà nước và pháp luật ra đời đồng thời và là sản phẩm của sự phát triển đến một trình độ nhất định của xã hội, là sản phẩm trực tiếp của cuộc đấu tranh giai cấp. Nhà nước và pháp luật là phạm trù lịch sử, phát sinh, tồn tại, phát triển và tiêu vong trong những điều kiện lịch sử nhất định.

Thứ tư,từ những luận  điểm của Ăng-ghen về sự hình thành gia đình và phân tích, đánh giá trên cơ sở chủ nghĩa duy vật lịch sử về sự phát triển, vai trò của gia đình, cần nghiên cứu và luận chứng cho các vấn đề cơ bản trong chính sách, pháp luật của chế độ xã hội chủ nghĩa về quan hệ nền tảng của chế độ hôn nhân và gia đình, đó là: Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

Tác phẩm "Nguồn gốc của gia đình, của sở hữu tư nhân và của nhà nước" đóng góp to lớn, có ý nghĩa khoa học về nguồn gốc của gia đình, chế độ sở hữu tư nhân và về sự ra đời của nhà nước.

Những quan điểm, những đánh giá, những kết luận của Ăng-ghen trong tác phẩm luôn mang tính thời sự đòi hỏi những người cộng sản phải vận dụng sáng tạo, đồng thời bổ sung phát triển những tư tưởng đó trước yêu cầu, điều kiện mới.

Trong điều kiện hiện nay, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách để xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề nhà nước, chống phá quyết liệt Nhà nước ta - cột trụ của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu, hoàn thiện, củng cố kiến thức kinh điển để đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn thù địch, phản tiến bộ, truyền đạt kiến thức và niềm tin cho cán bộ, đảng viên và quần chúng là nhiệm vụ cấp bách của tất cả các đồng chí làm công tác tuyên truyền và lý luận chúng ta.

Tác giả: Trần Hoài Sơn và Phan Thanh Nhất - Trường Chính trị tỉnh