Sau Hội nghị thành lập Đảng (3/2/1930), Ban Chấp hành Trung ương đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền - Cơ quan tham mưu, chỉ đạo công tác tư tưởng của Đảng với nhiệm vụ trước mắt là tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, về Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cách mạng của Đảng; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin và đi theo Đảng làm cách mạng. Đặc biệt, ngày 1/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền (tiền thân của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày nay) đã xuất bản tài liệu "Ngày quốc tế đỏ 1/8" kêu gọi chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô - Viết. Sau khi vừa được phát hành, tài liệu này đã có tác động rộng rãi trong xã hội và chỉ trong một thời gian ngắn, trong cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân ta chống chiến tranh đế quốc. Ngày 1/8 trở thành mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đánh dấu một hoạt động có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng. Với ý nghĩa đó, vào năm 2000, Đảng ta đã quyết định lấy ngày 1 tháng 8 hàng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.
Cùng với sự hình thành và lớn mạnh của đội ngũ cán bộ tuyên giáo cả nước, trong suốt 91 năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, đội ngũ cán bộ tuyên giáo của tỉnh ta cũng sớm được hình thành và không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.
Đ/c Nguyễn Hữu Trực (người thứ nhất từ phải sang), nguyên cán bộ Tuyên huấn của tỉnh và các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy trong thời kỳ kháng chiến
Trong thời kỳ 1930 - 1945, ở Bình Định tuy chưa hình thành hệ thống cơ quan tuyên giáo nhưng với yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, các cấp ủy và đảng viên trong Đảng bộ đều tiến hành thực hiện công tác tuyên giáo, trước hết là công tác tuyên truyền chính trị, huấn luyện, đào tạo cán bộ, giáo dục và giác ngộ cách mạng trong các tầng lớp nhân dân. Thông qua các hoạt động của các đảng viên và các tổ chức đảng, tư tưởng cách mạng tiến bộ đã được truyền bá vào quần chúng; giác ngộ, tập hợp đông đảo nhân dân đứng lên đấu tranh cách mạng, chống chính sách khủng bố của thực dân Pháp. Từ đó, hình thành nên một cao trào tiền khởi nghĩa và tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền thành công trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Bình Định.
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của Đảng bộ, tháng 4/1947, Tỉnh ủy thành lập Ban Tuyên huấn của tỉnh. Cuối năm 1948, Ban Tuyên huấn các huyện và Thị ủy Quy Nhơn được thành lập. Trong thời kỳ này, công tác tuyên giáo của tỉnh tập trung tuyên truyền việc thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Cùng với việc nêu cao tinh thần giác ngộ cách mạng, công tác tuyên giáo tập trung vào việc tố cáo tội ác của thực dân Pháp, chống âm mưu địch chiếm đóng vùng tự do, tăng cường chiến tranh du kích, thực hiện khẩu hiệu "Toàn dân vũ trang, toàn dân kháng chiến".
Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác tuyên giáo của tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng, góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ các phong trào đấu tranh ở miền núi, đồng bằng và các đô thị. Mốc đánh dấu mở đầu cho phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang là cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh ngày 6/2/1959. Bằng sức mạnh của quần chúng kết hợp với vũ trang tự vệ của đồng bào dân tộc, nhân dân Vĩnh Thạnh đã nổi dậy chống dồn dân, làm chủ vùng rừng núi, góp phần giáng đòn quyết liệt vào chiến lược "tố cộng" và chiến tranh đơn phương của Mỹ - Diệm. Sau đó là chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu, tập kích khách sạn Việt Cường cùng nhiều chiến công khác mà đỉnh cao của giai đoạn này là cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, góp phần cùng cả nước đánh bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", buộc chúng phải ký hiệp định Paris, rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu về nước, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh tập trung tuyên truyền, giáo dục, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước cải thiện và ổn định đời sống nhân dân. Trong 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, đội ngũ cán bộ tuyên giáo đã tích cực tham gia vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội; tuyên truyền, giáo dục quần chúng nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động để bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc. Với sự nỗ lực, phấn đấu của mình, đội ngũ cán bộ tuyên giáo đã góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tạo tiền đề để phát triển tỉnh nhà nhanh, bền vững.
Đ/c Huỳnh Thanh Xuân, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy quán triệt Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh
Trong những năm gần đây, công tác tuyên giáo của tỉnh tiếp tục có những bước tiến mới và đạt được những thành tích quan trọng trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Công tác tuyên giáo của Đảng bộ đã góp phần khẳng định đường lối chính trị đúng đắn của Đảng trước những vấn đề phức tạp trong nước, khu vực và thế giới; tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân. Tuyên truyền kịp thời các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, giúp đưa các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống. Thời gian qua, ngành tuyên giáo đã giúp cấp ủy triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" theo tinh thần Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị khoá X, Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI "về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và tác động trực tiếp đến các mặt đời sống xã hội của tỉnh, ngành Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phù hợp, góp phần rất quan trọng vào việc ổn định tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh; tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đưa nghị quyết đại hội Đảng đi vào cuộc sống. Qua đó, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh và các địa phương trong tỉnh.
Trong 91 năm qua, cơ quan Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh dù có nhiều tên gọi khác nhau: Ban Tuyên huấn (1947), Ban Tuyên - Văn - Giáo (1950), Ban Tuyên - Văn - Huấn - Giáo (1951)…, nhưng chức năng tham mưu cho Đảng trên mặt trận tư tưởng về cơ bản là thống nhất và xuyên suốt; truyền thống vẻ vang của Ngành vẫn được giữ vững và phát huy. Đội ngũ các thế hệ cán bộ làm công tác tuyên giáo của tỉnh ngày càng lớn mạnh và trưởng thành, luôn là những người đi trước mở đường và đi trong phong trào cách mạng. Ngày nay, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ phát triển nhanh về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng, có hệ thống tổ chức chặt chẽ, với những phương tiện và điều kiện hoạt động ngày càng tốt hơn. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo của Đảng bộ đã kịp thời nắm tình hình; tạo thế chủ động trong việc hướng dẫn, định hướng dư luận xã hội; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Với những đóng góp tích cực đó, ngành Tuyên giáo của tỉnh đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vinh dự được tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng ba, Huân chương Giải phóng hạng nhì, Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhì. Đặc biệt, ngày 22/4/2015, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định. Đây là niềm vinh dự to lớn, là sự ghi nhận xứng đáng về những nỗ lực của đội ngũ cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong mấy chục năm qua.
Quang Lợi