CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tài liệu tuyên truyền
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Tần (8/1891 - 8/2021): NGƯỜI CHIẾN SĨ CỘNG SẢN KIÊN CƯỜNG
Thứ ba 17/08/2021 08:23
Đồng chí Võ Văn Tần sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước tại làng Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An). Chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, nhân nhân ta sống cơ cực, lầm than dưới ách quân xâm lược, nên người thanh niên Võ Văn Tần sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân, sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản và quyết định đi theo con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn.

Tượng đài đồng chí Võ Văn Tần tại tỉnh Long An

Từ nhỏ, Võ Văn Tần vừa theo học chữ Nho, vừa học nghề bốc thuốc; đến năm 23 tuổi, mở lớp dạy học và làm nghề bốc thuốc trị bệnh cho cho người dân nghèo trong làng. Năm 1917, Võ Văn Tần lên Sài Gòn vừa làm việc kiếm sống, vừa tìm hiểu thời cuộc lúc bấy giờ; năm 1922, trở về quê và ra làm Biện làng. Từ việc được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội và cùng với truyền thống của gia đình đã khơi dậy trong Võ Văn Tần tư tưởng yêu nước, ý chí đấu tranh quyết tìm ra con đường cứu nước, cứu dân.

Năm 1923, Võ Văn Tần bị thực dân Pháp bắt giam và khép vào tội "cầm đầu các cuộc chống đối" vì đồng chí tham gia cùng nông dân đấu tranh chống chính quyền thực dân thu thuế sát sinh vô lý, nhưng thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho ông vì không có chứng cứ. Sau khi được tự do, Võ Văn Tần tích cực tham gia vào nhiều cuộc bàn luận về lịch sử, chính trị thời cuộc, phong trào Cần Vương, thuyết Tam dân của Tôn Dật Tiên và hoạt động của các đảng phái, tôn giáo đương thời.

Năm 1926, Võ Văn Tần gia nhập "Hội kín Nguyễn An Ninh" ở Sài Gòn - Gia Định. Hoạt động không bao lâu, cũng trong năm 1926 Võ Văn Tần chuyển sang tham gia hoạt động trong tổ chức "Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội " cùng với người em ruột là Võ Văn Ngân. Võ Văn Tần đã đi vận động tuyên truyền cách mạng cho các tầng lớp nhân dân lao động vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Với tấm lòng nhiệt tình, niềm tin của tuổi trẻ, Võ Văn Tần đã hòa mình vào phong trào yêu nước, đấu tranh giành tự do của dân tộc.

Tháng 8/1929, đồng chí Võ Văn Tần gia nhập An Nam Cộng sản Đảng và thành lập Chi bộ Đức Hòa gồm 7 đồng chí là: Võ Văn Ngân, Võ Văn Tây, Võ Thị Phái, Nguyễn Văn Sậy, Nguyễn Văn Thỏ và Nguyễn Văn Ngọc (đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư). Sau đó các chi bộ khác ở Đức Hòa cũng được thành lập và đồng chí được tín nhiệm cử làm Bí thư Huyện ủy đầu tiên ở Đức Hòa.

Từ năm 1930 - 1931, đồng chí Võ Văn Tần trực tiếp tham gia và phụ trách các cuộc biểu tình ở Chợ Lớn, Gia Định đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập công nhân vô cớ. Tháng 6/1931, đồng chí Võ Văn Tần được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Tháng 6/1932, đồng chí thành lập Cơ quan Liên huyện ủy Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa và tổ chức viết báo "Cờ lãnh đạo" (sau này được nâng chuyển thành cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy Nam Kỳ) vận động, phục hồi cơ quan lãnh đạo của Đảng vừa bị phá vỡ để tổ chức đấu tranh. Cuối năm 1932, đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định.

Tháng 5/1933, đồng chí được cử về hoạt động ở miền Tây Nam Bộ, thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Mỹ Tho. Với năng lực và kinh nghiệm thực tiễn hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Võ Văn Tần đã góp phần quan trọng vào việc duy trì, khôi phục và phát triển cơ sở đảng ở các địa phương, nhất là vùng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Tháng 5/1935, đồng chí được Trung ương Đảng cử vào Ban Thường vụ Xứ ủy. Sau đó, vào tháng 7/1935, đồng chí chỉ đạo Tỉnh ủy Gia Định ra tờ báo "Lao Động" số đầu tiên. Cuối năm 1935, sau Hội nghị Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng, đồng chí được Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Xứ ủy và được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Giai đoạn 1936 - 1939, đồng chí Võ Văn Tần đã góp phần chỉ đạo thành công hoạt động của Đảng trong cao trào cách mạng 1936 - 1939 ở Nam kỳ; hoàn thành công tác chuẩn bị cơ sở, bảo đảm an toàn về mặt tổ chức của Đảng.Đồng chí cùng các đồng chí đảng viên trong Xứ ủy Nam Kỳ đã khẳng định, minh chứng, tạo niềm tin cho quần chúng bằng những việc làm thiết thực đưa cách mạng Nam Kỳ vượt qua thử thách, khó khăn; khẳng định tinh thần, ý chí kiên cường, quả cảm, lòng trung thành vô hạn của những người cộng sản đối với cách mạng và quần chúng nhân dân. Đồng chí Võ Văn Tần cũng đã có những đóng góp tích cực về mặt định hướng chiến lược và quan điểm lý luận, góp phần vào thành công của Hội nghị Trung ương IV (9/1937), Hội nghị Trung ương V (3/1938) và Hội nghị Trung ương VI (11/1939).

Đến năm 1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt, đồng chí Võ Văn Tần và đồng chí Phan Đăng Lưu đã trực tiếp xây dựng các đội tự vệ võ trang ở các cơ sở, các tổ chức Nông Hội, Công Hội và Thanh Niên Phản đế để tiếp tục chuẩn bị cho khởi nghĩa Nam Kỳ vào tháng 9/1940. Ngày 14/7/1940, trong khi đang cùng một số đồng chí họp tại ấp Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh) thì đồng chí Võ Văn Tần bị thực dân Pháp bắt giữ. Trong thời gian 16 tháng bị thực dân Pháp giam cầm, dù cho chúng tìm mọi cách mua chuộc, dụ dỗ và dùng cực hình tra tấn dã man nhưng cũng không thể lay chuyển được ý chí bất khuất, kiên cường và khí tiết cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần. Biết không thể dụ dỗ, khuất phục được ý chí sắt đá của đồng chí Võ Văn Tần, nên thực dân Pháp đưa đồng chí ra Tòa án Binh ở Sài Gòn để xét xử. Trong hai phiên tòa ngày 25/3/1941 và ngày  3/4/1941, thực dân Pháp đã kết án tử hình đồng chí Võ Văn Tần cùng các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai.

Ngày 28/8/1941, các đồng chí: Võ Văn Tần, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến bị thực dân Pháp đem ra xử bắn công khai tại trường bắn giếng nước Hóc Môn (nay là bệnh viện Hóc Môn). Quyết giữ trọn lời thề trung thành với Đảng, với cách mạng và nhân dân, đồng chí Võ Văn Tần bình thản đón nhận sự hy sinh vẻ vang, trước lúc hy sinh, các đồng chí đã giật tung mảnh vải bịt mắt và hô vang khẩu hiệu: "Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!", kêu gọi đồng bào tiếp tục đấu tranh chống thực dân để giành tự do, độc lập cho dân tộc.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Văn Tần luôn gắn bó máu thịt với nhân dân. Đồng chí là một tấm gương cao đẹp về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng, về ý chí và tinh thần cách mạng của một chiến sỹ cộng sản kiên cường, quả cảm. Sự kiên định của đồng chí là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng về lý tưởng sống để thế hệ trẻ học tập và noi theo. Kỷ niệm 130 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Tần (8/1891 - 8/2021) là dịp để tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Bác Hồ và các thế hệ tiền bối; qua đó, khơi dậy ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

                                                                                         Trọng Nghĩa