I. KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ ĐỨC ANH
Đồng chí Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hoà, còn gọi là Chín Hòa, Sáu Nam), sinh ngày 01/12/1920 tại làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế; quê quán xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Năm 1937, Đồng chí tham gia phong trào dân chủ ở huyện Phú Vang và Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tháng 5/1938, Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; sau đó được tổ chức phân công phụ trách các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh.
Từ tháng 8/1945 đến tháng 10/1948, Đồng chí giữ các chức vụ từ trung đội trưởng đến chính trị viên Trung đoàn 301. Từ tháng 11/1948 đến tháng 12/1950 là Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8 và Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ năm 1951 đến năm 1954 là Tham mưu phó, Quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ.
Từ tháng 5/1955 đến tháng 7/1963, Đồng chí đảm nhiệm các chức vụ Cục phó Cục Tác chiến và Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu. Tháng 8/1963, Đồng chí được bổ nhiệm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ tháng 2/1964 đến năm 1968, Đồng chí được giao giữ chức vụ Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Từ năm 1969 đến năm 1974, Đồng chí là Tư lệnh Quân khu 9. Từ năm 1974 đến năm 1975 là Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân hướng Tây - Tây Nam đánh vào Sài Gòn.
Tháng 5/1976, Đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân khu 9. Tháng 6/1978, được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Chỉ huy trưởng Tiền phương Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam. Tháng 6/1981, được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; Phó Trưởng ban, rồi Trưởng ban Lãnh đạo Đoàn Chuyên gia Việt Nam tại Campuchia.
Đồng chí được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng năm 1974; được thăng quân hàm Thượng tướng năm 1980, Đại tướng năm 1984.
Tháng 12/1986, Đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ tháng 2/1987, là Phó Bí thư Đảng ủy quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Ngày 23/9/1992, Quốc hội khóa IX đã bầu đồng chí làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến tháng 12/1997.
Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khoá VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII, VIII; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001; Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII và IX.
Ngày 22/4/2019, đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh qua đời tại nhà công vụ trong Trạm khách Bộ Quốc phòng (T66), số 5 Hoàng Diệu, Hà Nội.
Với 99 năm tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, đồng chí Lê Đức Anh đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta. Đồng chí được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
II. NHỮNG CỐNG HIẾN TO LỚN CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ ĐỨC ANH TRONG SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ ĐẤT NƯỚC
1. Đồng chí Lê Đức Anh - người cộng sản kiên cường, suốt đời cống hiến, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân
Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, phải chứng kiến người dân nô lệ mất nước sống cơ cực dưới chế độ thực dân, phong kiến, đã hun đúc trong đồng chí Lê Đức Anh lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng. Từ khi còn nhỏ, dịch đậu mùa đã làm một bên mắt bị mờ và một bên chân bị yếu cho đến tận sau này, nhưng ý chí và nghị lực mạnh mẽ đã thôi thúc Đồng chí hăng hái tham gia hoạt động cách mạng và đi suốt các cuộc chiến tranh của dân tộc.
Năm 16 tuổi, Đồng chí được giác ngộ và năm 17 tuổi chính thức tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương, bắt đầu từ việc đọc sách, báo, tuyên truyền cho dân chúng, tham gia đấu tranh đòi giảm sưu thuế hà khắc của thực dân, phong kiến, đòi tự do, dân chủ ở làng quê. Năm 18 tuổi, Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Cuối năm 1938, đầu năm 1939, thực dân Pháp thẳng tay khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng; nhiều đảng viên và người yêu nước bị bắt. Tháng 10/1939, thực dân Pháp tiến hành khủng bố ở Thừa Thiên, hầu hết các đảng viên huyện Phú Vang bị bắt. Để bảo toàn lực lượng theo chủ trương của tổ chức cộng sản, Đồng chí đã bí mật rời quê hương vào Đà Lạt hoạt động và sớm tìm đến với tổ chức cách mạng.
Đầu năm 1942, Đồng chí rời Đà Lạt xuống đồn điền cao su Lộc Ninh, tiếp tục làm thuê kiếm sống. Tại đây, chứng kiến cuộc sống cơ cực của những phu cao su, Đồng chí đã thực hiện tổ chức, củng cố đời sống vật chất, tinh thần và hâm nóng, thắp sáng trong họ lòng tự tôn dân tộc. Sau đó, Đồng chí đã tìm cách bắt liên lạc với tổ chức và tiến hành giác ngộ, vận động, gây dựng và phát triển phong trào của phu cao su. Khi phong trào phát triển nhanh và vững ở đồn điền cao su Lộc Ninh, Đồng chí đã gây dựng phong trào phát triển rộng đến các đồn điền lân cận, như: Quản Lợi, Xa Cam, Xa Cát, Xa Trạch.
Đồng chí đã trực tiếp giác ngộ hàng trăm phu cao su Lộc Ninh, tuyển chọn và kết nạp được bốn người, thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên do Đồng chí làm Bí thư Chi bộ. Theo chỉ thị của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, Chi bộ Lộc Ninh khẩn trương gây dựng, phát triển lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền cách mạng trong công nhân và Nhân dân vùng Hớn Quản. Ngày 23/8/1945, đồng chí Lê Đức Anh đã lãnh đạo công nhân cao su và đồng bào dân tộc ở Hớn Quản và Bù Đốp khởi nghĩa thành công, sau đó kéo quân về hợp điểm giành chính quyền ở tỉnh lỵ đêm 24 rạng sáng 25/8/1945.
Trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, tại Hớn Quản, Đội võ trang do đồng chí Lê Đức Anh thành lập và chỉ huy có quân số hơn 100 người với cung nỏ khoác vai, bao tên đeo ngang hông mà Nhân dân trong vùng quen gọi là "Đội quân áo nâu".
Những năm đầu hoạt động cách mạng sôi nổi với bao khó khăn, thử thách, đã tôi rèn đồng chí Lê Đức Anh trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên cường, để suốt đời chiến đấu hy sinh vì lý tưởng cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của Nhân dân.
2. Đồng chí Lê Đức Anh - người chỉ huy quân sự tài ba, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, dạn dày kinh nghiệm trận mạc, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả
a) Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
- Đồng chí Lê Đức Anh tham gia thành lập, phát triển và chỉ huy các đội võ trang, hoạt động ở vùng Lộc Ninh, Hớn Quản, Bến Cát. Các đội võ trang ra đời và chiến đấu trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, gian khổ, nhưng cán bộ, chiến sĩ đều kiên gan chịu đựng, đồng lòng quyết chí chống giặc, giữ quê hương. Là Tỉnh ủy viên kiêm Bí thư Quận ủy Hớn Quản và Chính trị viên Chi đội 1, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng Ban Chỉ huy và cán bộ các ngành tăng cường giáo dục, động viên cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, gian khổ. Chi đội 1 do Đồng chí làm Chính trị viên nổi tiếng đánh giặc giỏi và có kỷ luật dân vận tốt. Khẩu hiệu "Không ra đi khi chưa trồng rau để lại cho người đến sau; không được đi khi chưa múc đầy ang nước; không đi khi nhà cửa chưa quét dọn sạch sẽ" đã trở thành nếp sống của bộ đội Chi đội 1. Ngày 14/6/1948, Chi đội 1 được quyết định đổi thành Trung đoàn 301 - phiên hiệu cấp trung đoàn đầu tiên ở Nam Bộ, đồng chí Lê Đức Anh tiếp tục được giao làm Chính trị viên.
- Cuối năm 1948, thấy được tố chất và khả năng tham mưu quân sự của đồng chí Lê Đức Anh, Xứ ủy Nam Kỳ điều đồng chí về làm Tham mưu trưởng Khu 7 - một địa bàn trọng điểm, nơi diễn ra những trận đánh quyết liệt giữa quân và dân ta với quân đội Pháp và tay sai. Từ đây, Đồng chí chuyển từ một cán bộ chính trị sang làm cán bộ quân sự, chuyên lo xây dựng lực lượng, tổ chức chiến dịch, xây dựng và phát triển chiến thuật cho bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và Cơ quan Tham mưu, lực lượng vũ trang Khu 7 đã tổ chức nhiều trận đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch.
- Cuối năm 1949, đầu năm 1950, quân Pháp liên tục mở các cuộc hành quân càn quét, uy hiếp vùng giải phóng phía Đông và Đông Bắc Sài Gòn - Gia Định. Đồng chí Lê Đức Anh đã đề xuất với Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn: Mở một chiến dịch tiến công trên địa bàn Bến Cát nhằm tiêu diệt sinh lực địch bằng cách đánh giao thông kết hợp với công đồn diệt tháp canh để đánh viện binh; tác chiến kết hợp với phá hoại để mở rộng khu căn cứ của ta. Đề xuất trên đã được Bộ Tư lệnh đồng ý và giao Đồng chí làm Tham mưu trưởng Chiến dịch. Sau một tháng chuẩn bị, chiến dịch Bến Cát đã diễn ra từ ngày 25 đến ngày 27/1/1950; ta đã loại khỏi chiến đấu gần 100 tên địch, phá hủy 3 xe bọc thép, làm gián đoạn giao thông của địch. Chiến dịch Bến Cát và chiến dịch Cầu Kè, Trà Vinh (7 - 26/12/1949) là hai chiến dịch tiến công đầu tiên của lực lượng vũ trang Nam Bộ, làm thay đổi cục diện chiến trường - từ chỗ ta bị động đối phó với các cuộc hành quân càn quét của địch, sang chủ động tổ chức những trận tiến công có quy mô chiến dịch.
- Cuối năm 1952, đầu năm 1953, đồng chí Lê Đức Anh vinh dự cùng đồng chí Lê Duẩn ra Chiến khu Việt Bắc để báo cáo với Bác Hồ và Bộ Tổng Tư lệnh về kinh nghiệm chiến đấu. Nghe đồng chí Lê Đức Anh báo cáo, Bác Hồ rất vui, khen ngợi bộ đội và Nhân dân Nam Bộ đánh giặc giỏi. Sau khi tham dự lớp học chính trị do Trung ương tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc, đồng chí Lê Đức Anh lên đường trở về miền Nam tiếp tục chiến đấu.
b) Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
- Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Lê Đức Anh công tác ở Bộ Tổng Tham mưu với cương vị Cục phó Cục Tác chiến, Cục trưởng Cục Quân lực, rồi Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là thời gian Đồng chí được tìm hiểu, học hỏi về các ngành, các công việc của công tác tham mưu chiến lược, nâng cao hiểu biết thực tế và phương pháp luận khoa học khi tiến hành công tác tham mưu quân sự; đồng thời tiếp tục được bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị. Cũng trong thời gian này, Đồng chí cùng với đoàn cán bộ Quân đội sang Liên Xô để tìm hiểu về phương pháp tác chiến của quân đội các nước Liên Xô, Đức, Pháp và Mỹ.
- Cuối tháng 12/1963, nhận nhiệm vụ cấp trên giao, đồng chí Lê Đức Anh bí mật lên đường vào chiến trường miền Nam trên con tàu "Không số", mang theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đồng chí Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng về xây dựng lực lượng cách mạng và hoạt động vũ trang. Những ngày đầu trở lại chiến trường miền Nam, tại Bộ Chỉ huy Miền, với cương vị Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều đề xuất quan trọng và trực tiếp soạn thảo, triển khai kế hoạch xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang. Đồng thời, Đồng chí đã cùng Cơ quan Tham mưu tích cực tiến hành công tác chuẩn bị cho chiến dịch tiến công Bình Giã. Trong hơn một tháng chiến đấu tiến công, từ đêm ngày 2/12/1964 đến ngày 3/1/1965, chiến dịch Bình Giã đã giành thắng lợi to lớn, mục tiêu cơ bản của chiến dịch đặt ra đều thực hiện được.
- Bước vào mùa khô năm 1966 - 1967, Mỹ và tay sai mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai, mà đỉnh cao là cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ti đánh vào Chiến khu Dương Minh Châu (phía Bắc tỉnh Tây Ninh) nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và chủ lực của ta, bịt chặt biên giới Việt Nam - Campuchia, mở rộng vành đai an ninh quanh Sài Gòn. Để vừa bảo toàn lực lượng, bám trụ trên địa bàn tác chiến không có dân, vừa đánh tiêu hao, tiêu diệt địch, Tham mưu trưởng Lê Đức Anh đã đề xuất: Di chuyển những người và tổ chức thật cần thiết thuộc Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền đến nơi an toàn; lực lượng còn lại tổ chức thành các "huyện căn cứ", các "xã căn cứ" để đánh địch tại chỗ, phát huy cao độ ưu thế của du kích chiến, kết hợp với các đơn vị chủ lực cơ động đánh vào bên sườn và phía sau đội hình quân địch. Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền nhất trí đề xuất này và giao đồng chí Lê Đức Anh tổ chức lực lượng đánh địch tại chỗ. Sau gần hai tháng chiến đấu (22/2/1967 - 15/4/1967), ta đã loại khỏi chiến đấu hơn 14.000 tên và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch, bảo vệ vững chắc căn cứ, cơ quan đầu não kháng chiến, đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của Mỹ - ngụy. Nói về nghệ thuật chiến dịch, đề xuất của đồng chí Lê Đức Anh trong chiến dịch này chính là đã tạo ra "thế trận chiến tranh nhân dân trên một địa bàn không có dân" để đánh địch. Thực tiễn, phương pháp tác chiến này đã phát huy hiệu quả và giành thắng lợi to lớn.
- Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đồng chí được phân công chỉ huy bộ đội ở hướng Tây Sài Gòn, từ Long An đánh vào Tổng nha Cảnh sát và Cảnh sát Đô thành. Quá trình diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, trên cơ sở phân tích, đánh giá thấu đáo tình hình, Đồng chí đã có những đề xuất quan trọng về chuyển hướng tiến công. Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã có ý nghĩa quan trọng, làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ", buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh.
- Đầu năm 1969, đồng chí Lê Đức Anh được cấp trên giao nhiệm vụ Tư lệnh Quân khu 9. Trong điều kiện cách mạng miền Nam đang trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách, trên địa bàn Quân khu 9, địch đã bình định lấn chiếm vùng giải phóng trước đây, chỉ còn căn cứ U Minh và khu giải phóng phía Nam tỉnh Cà Mau, lực lượng và phong trào cách mạng giảm sút nghiêm trọng. Trước tình hình đó, đồng chí Lê Đức Anh (bí danh Chín Hòa) cùng đồng chí Võ Văn Kiệt (bí danh Tám Thuận) - Bí thư Khu ủy và các đồng chí trong Khu ủy, Bộ Tư lệnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức củng cố lực lượng, khôi phục lại thế và lực của Quân khu 9. Sau những nỗ lực vượt bậc và được sự chi viện to lớn của miền Bắc, lực lượng và phong trào cách mạng của Quân khu 9 đã nhanh chóng được khôi phục. Đến năm 1971 - 1972, lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã liên tiếp nổ súng tiến công, đẩy lùi quân địch vào sát thị xã, thị trấn, bước đầu đánh bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ.
- Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết (27/1/1973), ngụy quyền Sài Gòn ngang nhiên vi phạm Hiệp định, ráo riết thực hiện kế hoạch "Tràn ngập lãnh thổ", đẩy mạnh bình định lấn chiếm. Trước tình hình đó, mặc dù chưa có chủ trương của trên về tiến công quân sự, song dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, sự chỉ huy trực tiếp, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm của Tư lệnh Lê Đức Anh, quân và dân Quân khu 9 đã chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy các cuộc hành quân lấn chiếm quy mô cấp quân đoàn của địch đánh vào Chương Thiện, lần lượt đánh bại 75 tiểu đoàn cùng với kế hoạch "Tràn ngập lãnh thổ" của chúng.
Với những thành tích trong chỉ huy chống địch lấn chiếm, phá hoại Hiệp định Pa-ri năm 1973 trên địa bàn Quân khu 9 và những thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1964 - 1974, ngày 16/4/1974, đồng chí Lê Đức Anh được Chủ tịch nước ký quyết định phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.
- Năm 1974, được giao đảm nhiệm cương vị Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, đồng chí Lê Đức Anh đã khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến mùa khô 1974 - 1975; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chủ lực của Miền huấn luyện và hoạt động tác chiến theo kế hoạch mới, nhất là tập huấn cho bộ đội cách đánh công kiên. Cuối năm 1974, đầu năm 1975, Đồng chí cùng Bộ Chỉ huy Miền đã chỉ huy các đơn vị liên tiếp tiến công địch trong các chi khu Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Xoài... tiến tới tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân địch ở Phước Long, thu toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh của chúng, giải phóng tỉnh Phước Long với hơn 50 vạn dân. Chiến thắng Đồng Xoài - Phước Long có ý nghĩa là "Trận trinh sát chiến lược", làm sáng tỏ hơn những cơ sở để Trung ương Đảng hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976 khi thời cơ lớn đã mở ra.
- Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí Lê Đức Anh đảm nhiệm Phó Tư lệnh Chiến dịch kiêm Tư lệnh cánh quân tiến công trên hướng Tây - Tây Nam đánh vào Sài Gòn. Với tài thao lược và kinh nghiệm trận mạc được tích lũy trong suốt hai cuộc chiến tranh giải phóng, đồng chí Lê Đức Anh đã tổ chức lực lượng, xác định các hướng, mũi tiến công, giao nhiệm vụ, hiệp đồng cụ thể, rõ ràng cho từng bộ phận; chỉ huy cánh quân đánh chiếm các mục tiêu theo kế hoạch tác chiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của dân tộc.
c) Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng, tái thiết đất nước
- Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, tháng 5/1976, đồng chí Lê Đức Anh được phân công về làm Tư lệnh Quân khu 9 (gồm Khu 9 và Khu 8 cũ). Trên cương vị được giao, Đồng chí đã chỉ đạo Quân khu tập trung giải quyết cùng lúc nhiều việc lớn, nhanh chóng tạo được sự ổn định, bảo đảm cho đời sống và các hoạt động trong toàn Quân khu đi vào nền nếp khi đất nước chuyển giai đoạn từ chiến tranh sang hòa bình. Đồng chí đã đề xuất và được Đảng ủy Quân khu quyết định giữ lại một sư đoàn thường trực, còn hai sư đoàn tổ chức đi làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế; như vậy được coi như đã giảm quân số thường trực nhưng vẫn giữ được quân số tại ngũ. Vì thế, khi quân Pôn Pốt xâm lấn biên giới Tây Nam, Quân khu 9 đã chủ động đối phó, không bị rơi vào tình trạng bỏ trống địa bàn.
- Khi tập đoàn phản động Pôn Pốt gây chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới Tây Nam, đồng chí Lê Đức Anh được điều động về làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, kiêm Chỉ huy trưởng Tiền phương Bộ Quốc phòng ở Mặt trận Tây Nam. Thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, đồng chí Lê Đức Anh đã tích cực chỉ đạo Quân khu 7 giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng ngay trên địa bàn Quân khu.
- Sau khi các lực lượng của ta đánh tan quân Pôn Pốt xâm lược trên tuyến biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều đề xuất thể hiện tầm nhìn và tư duy chiến lược về việc giúp bạn hồi sinh đất nước. Việc đầu tiên Đồng chí đề xuất và được tập thể lãnh đạo nhất trí là bộ đội và chuyên gia của ta phải tập trung cứu đói, cứu đau cho dân; nhanh chóng khôi phục lại xã hội Campuchia; khôi phục lại sản xuất; vận động binh lính Pôn Pốt bỏ hàng ngũ, trở về với gia đình; giúp bạn xây dựng thực lực cách mạng để bạn tự đảm đương công việc của mình. Đồng chí đã chỉ đạo các đơn vị Quân tình nguyện cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đánh bại các cuộc phản kích và truy quét, làm tan rã một bộ phận lớn tàn quân Pôn Pốt, giữ vững thành quả cách mạng; đồng thời giúp bạn xây dựng công trình phòng thủ biên giới mang tên "K5", dài 800 ki-lô-mét.
- Trong những năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia - một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp, mang tính đặc thù, với biết bao gian nan thử thách, đồng chí Lê Đức Anh luôn quan tâm giáo dục, động viên bộ đội và chuyên gia vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả. Dưới sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của đồng chí Lê Đức Anh, Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam cùng quân và dân Campuchia đã thực hiện thắng lợi ba mục tiêu chiến lược của cách mạng Campuchia được xác định trong Nghị quyết số 39 ngày 15/2/1983 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia, đó là: 1. Tiếp tục làm cho quân Pôn Pốt tan rã, suy tàn hơn nữa; 2. Tiếp tục xây dựng thực lực cách mạng Campuchia mạnh hơn cả về số lượng và chất lượng, đủ sức đảm nhiệm cuộc đấu tranh thắng lợi với mọi kẻ thù, bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng, bảo vệ và xây dựng đất nước; 3. Bảo đảm đoàn kết liên minh chiến lược, chiến đấu Campuchia - Việt Nam trên một thế vững chắc hơn và mạnh hơn"[1].
Sau này, đánh giá sự giúp đỡ của Việt Nam đối với Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Campuchia Hun Sen nói: "Không có sự giúp đỡ của Việt Nam, chúng tôi sẽ chết. Không có sự giúp đỡ của Việt Nam, Chính phủ Phnom Pênh sẽ không tồn tại"[2]
Với thành tích xuất sắc trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng, tái thiết đất nước, đồng chí Lê Đức Anh được thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng tháng 1/1980 và lên Đại tướng tháng 12/1984.
3. Đồng chí Lê Đức Anh - nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, với nhiều dấu ấn nổi bật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
- Ngày 7/12/1986, đồng chí Lê Đức Anh nhận quyết định giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến ngày 16/2/1987, Bộ Chính trị và Hội đồng Nhà nước đã quyết định bổ nhiệm đồng chí Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngay sau khi nhận chức, Đồng chí đã có những đề xuất xác đáng với Bộ Chính trị về giải quyết vấn đề biên giới, và từ vấn đề biên giới để định ra chiến lược và sách lược của công tác đối ngoại.
+ Đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong xúc tiến bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Cuối tháng 7/1991, với tư cách là phái viên của Bộ Chính trị, Đồng chí sang thăm Trung Quốc để trao đổi những vấn đề cụ thể việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Sau chuyến đi này của đồng chí Lê Đức Anh, từ ngày 5 đến ngày 10/11/1991, là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu, theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Bằng. Đây là mốc đánh dấu chính thức bình thường hóa và mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, khép lại nhiều năm đối đầu căng thẳng.
+ Đồng chí Lê Đức Anh đã chú trọng việc điều chỉnh bố trí chiến lược quốc phòng. Theo đó, Quân đoàn 3 được điều lên đứng chân ở Tây Nguyên, kịp thời đẩy lùi hoạt động của bọn phản động, tạo môi trường ổn định cho Tây Nguyên phát triển kinh tế; đội hình bố trí lực lượng của các quân, binh chủng được điều chỉnh thích hợp; tăng cường phòng thủ biển, nhất là khu vực quần đảo Trường Sa.
+ Đồng chí đã đề xuất với Đảng, Nhà nước và trực tiếp chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề lớn, quan trọng về quân sự, quốc phòng như: Thực hiện giảm quân số, giảm ngân sách quốc phòng trong tình hình nền kinh tế bị khủng hoảng; tiến hành các chính sách cụ thể để cải thiện đời sống bộ đội, giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ, thực hiện chính sách hậu phương quân đội; chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh Nhân dân trong tình hình mới...
+ Đồng chí đặc biệt quan tâm và có tầm nhìn chiến lược về phòng thủ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ngày 6/11/1987, Đồng chí ký Mệnh lệnh số 1679/ML-QP về việc bảo vệ quần đảo Trường Sa; đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi cạn chưa có người, trước mắt đưa ngay các lực lượng ra đóng giữ Đá Tây, Chữ Thập, Đá Lớn, Tiên Nữ để khai thác và sẵn sàng bảo vệ đảo[3]. Ngày 7/5/1988, phát biểu tại cuộc mít tinh kỷ niệm 33 năm Ngày truyền thống Quân chủng Hải quân (7/5/1955 - 7/5/1988) được tổ chức tại đảo Trường Sa Lớn, Đồng chí nhấn mạnh: "Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta""[4]. Ngày 29/5/1989, Mệnh lệnh số 167/ML-QP về đóng giữ, bảo vệ khu vực biển thềm lục địa, các bãi đá ngầm (khu DK1) của Việt Nam; trên cơ sở đó, từ tháng 6/1989 đến tháng 11/1990, Quân chủng Hải quân đã khắc phục mọi khó khăn, thực hiện sự tiếp tục có mặt của Việt Nam trên thềm lục địa 60.000 km2 thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, phù hợp với Luật Biển quốc tế năm 1982[5].
- Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6/1991), Đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX (9/1992), Đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều công lao, cống hiến to lớn với nhiều dấu ấn nổi bật cả về đối nội và đối ngoại.
+ Về đối nội:
Chủ tịch nước Lê Đức Anh và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã dồn hết tâm lực cho công việc với quyết tâm và cố gắng cao nhất, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy mọi động lực mới, khai thác mọi tiềm năng để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân.
Cùng với việc phấn đấu hoàn thành các công việc về công tác xây dựng pháp luật, công tác cán bộ, công tác tiếp dân, công tác thi đua - khen thưởng..., Chủ tịch nước Lê Đức Anh thường tận dụng quỹ thời gian của mình đến các địa phương để nắm bắt tình hình thực tế ở cơ sở, nhìn rõ những thuận lợi cần khai thác, những khó khăn cần tháo gỡ. Đặc biệt sau khi đề xuất và được Bộ Chính trị đồng ý, Đồng chí đã ký Lệnh số 36L/CTN, ngày 10/9/1994 công bố Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia hoạt động kháng chiến, người có công với cách mạng. Cũng kể từ đó, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", xây dựng nhà tình nghĩa và nhận phụng dưỡng suốt đời các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và xây dựng "Quỹ đền ơn đáp nghĩa", toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng được hưởng ứng sôi nổi, rộng khắp trong cả nước, thể hiện sâu sắc đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.
+ Về đối ngoại:
Thấu suốt đường lối đối ngoại của Đảng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp quan trọng trên lĩnh vực đối ngoại của đất nước, nổi bật là việc xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ và thúc đẩy Việt Nam gia nhập ASEAN. Bằng những nỗ lực của hai bên, sáng 12/7/1995 (theo giờ Việt Nam), hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ. Tháng 10/1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang New York dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hợp quốc; đồng chí trở thành Nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam đặt chân tới Mỹ. Cùng với xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp cho tiến trình thúc đẩy để Việt Nam gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995.
Đồng chí Lê Đức Anh đã cùng Bộ Chính trị chỉ đạo sát sao các bộ, ngành để mở rộng quan hệ với các nước. Sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, hàng loạt các quốc gia tìm đến Việt Nam để tìm hiểu và hợp tác, đầu tư về kinh tế và khoa học công nghệ. Cũng trong nhiệm kỳ này, thay mặt Nhà nước và Nhân dân ta, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã đi dự một số hội nghị quốc tế quan trọng; thăm chính thức và làm việc với 13 nước trên thế giới; đón tiếp 26 nguyên thủ quốc gia thăm hữu nghị chính thức và nhiều đoàn khách quốc tế tới thăm Việt Nam; tiếp nhận 90 đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài tại Việt Nam và cử 57 đại sứ của nước ta tại các nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; ký quyết định phê chuẩn 1 Hiến chương, 26 Công ước, 5 Hiệp ước, 35 Hiệp định, 3 Nghị định thư giữa Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế; trình Quốc hội phê chuẩn 1 Công ước theo quy định của Hiến pháp (Công ước quốc tế về Luật biển); ủy quyền đàm phán và ký kết một số điều ước quốc tế khác.
4. Đồng chí Lê Đức Anh - một nhân cách đức độ, giản dị, gần gũi, thẳng thắn, chân thành, giàu tình yêu thương con người
- Là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy ở tầm chiến lược, nhưng đồng chí Lê Đức Anh luôn xông xáo, không ngại hiểm nguy, luôn có mặt ở những nơi khó khăn để chỉ đạo cách giải quyết. Trong chiến đấu và trong công việc, Đồng chí rất quyết đoán, thẳng thắn và nghiêm khắc, nhưng trong sinh hoạt đời thường, Đồng chí thương yêu, quan tâm, chăm lo và sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi với cán bộ, chiến sĩ. Là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khi đến thăm đơn vị quân đội, Đồng chí nói chuyện rất thân mật, gần gũi với các chiến sĩ trẻ. Đồng chí luôn động viên, giúp đỡ các cựu chiến binh khắc phục khó khăn; quan tâm chỉ đạo giải quyết tốt các chế độ chính sách.
- Giản dị, tiết kiệm, ghét thói khoa trương hình thức là đức tính vốn có của đồng chí Lê Đức Anh. Nhiều chuyến đi chỉ mình Đồng chí và trợ lý, không muốn những nghi lễ đón tiếp linh đình. Để nắm bắt tình hình thực tế, nhìn rõ những thuận lợi, khó khăn, Đồng chí luôn lắng nghe để nắm bắt tâm tư, tình cảm của Nhân dân; bởi thế khi làm việc với lãnh đạo các địa phương, đơn vị, những ý kiến chỉ đạo của Đồng chí rất sát đáng và phù hợp với thực tiễn. Đồng chí thường xuyên nhắc nhở lãnh đạo địa phương: "Chúng ta làm làm cách mạng để giành chính quyền cho nhân dân, chính quyền của dân, do dân, vì dân"[6]; theo đó, cấp ủy, chính quyền địa phương phải có giải pháp thiết thực để bảo đảm các điều kiện phát triển sản xuất, bảo đảm quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
- Thoát ly và tham gia hoạt động cách mạng từ thời niên thiếu, nhưng Đồng chí luôn nhớ về quê hương với một tình cảm rất sâu đậm. Mỗi lần về quê, Đồng chí thường đi thăm bà con lối xóm, ân cần thăm hỏi cuộc sống, tình hình lao động sản xuất; động viên bà con, họ hàng, con cháu quê nhà chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy tinh thần thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất để phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.
- Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều cống hiến cho Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân; nhưng cũng suốt cuộc đời, Đồng chí sống giản dị và vô cùng thanh bạch. Sống liêm khiết, giản dị đã trở thành thói quen và nếp sống của Đồng chí ở bất kỳ hoàn cảnh, môi trường nào.
***
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, với bao khó khăn, thử thách, đồng chí Lê Đức Anh luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và Nhân dân; đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng như Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định, "là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta"[7],.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Anh là dịp để chúng ta ôn lại, tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của Đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc; tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí; nêu cao ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu của chúng ta.
BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG - TỔNG CỤC CHÍNH TRỊ QĐND VIỆT NAM
[1] Đại tướng Lê Đức Anh, Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 286.
[2] Đại tướng Lê Đức Anh, Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Sđd, tr. 296
[3] Bộ Tổng Tham mưu - Cục Tác chiến, Lịch sử Cục Tác chiến (1945 - 2015), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 475.
[4] Đại tướng Lê Đức Anh và nhiều tác giả, Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 80.
[5] Bộ Tổng Tham mưu - Cục Tác chiến, Lịch sử Cục Tác chiến (1945 - 2015), Sđd, tr. 477.
[6] Đại tướng Lê Đức Anh, Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Sđd, tr. 337.
[7] Đại tướng Lê Đức Anh và nhiều tác giả, Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước, Sđd, tr. 273.