CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tài liệu tuyên truyền
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Mặt trận Việt Minh
Thứ năm 06/05/2021 10:36
Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam biên soạn Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941 - 19/5/2021). Trang thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh giới thiệu toàn văn bản Đề cương này.

1. Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh

Nhận thấy sự chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước có lợi cho cách mạng Việt Nam, ngày 28/01/1941 Nguyễn Ái Quốc về nước (sau hơn 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài). Tháng 5/1941, Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (khóa I) của Đảng ở Khuổi Nậm, Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, quyết định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng - khẳng định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Hội nghị khẳng định: "Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được"[1].

Để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, phải vận dụng phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc cho Nhân dân, nên Mặt trận không thể gọi như trước mà phải dùng tên khác phù hợp hơn với nhiệm vụ cách mạng giai đoạn hiện tại. Bởi vậy, theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các giới…vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.

Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh ra đời thay cho Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương và đặt ra nhiệm vụ giúp đỡ các dân tộc Lào và Campuchia thành lập mặt trận dân tộc của nước mình. Mặt trận Việt Minh lấy lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh làm huy hiệu, khẩu hiệu chính là: phản Pháp - kháng Nhật - liên hoa - độc lập.

Việc quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh là một chủ trương hết sức sáng suốt của Trung ương Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sự phát triển phong trào cách mạng giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

2. Mặt trận Việt Minh với thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945

Về tổ chức: Mặt trận Việt Minh được tổ chức theo hệ thống từ Trung ương đến cơ sở: Ở cấp xã có Ban Chấp hành Việt Minh do các đoàn thể Việt Minh ở làng hay xã cử ra; Ở cấp tổng, huyện (hay phủ, châu, quận); tỉnh, kỳ có Ban chấp ủy Việt Minh của mỗi cấp tương ứng; Ở cấp toàn quốc có Tổng bộ Việt Minh.

Về chủ trương: Mặt trận Việt Minh liên hiệp hết thảy các tầng lớp Nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở; giúp đỡ Ai Lao Độc lập Đồng minh và Cao Miên Độc lập Đồng minh để cùng thành lập Đông Dương Độc lập Đồng minh. Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một Chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng nǎm cánh làm lá cờ toàn quốc.

Mặt trận Việt Minh xác định các chính sách về chính trị (8 điểm), kinh tế (7 điểm), văn hóa (3 điểm), xã hội (5 điểm), ngoại giao (4 điểm) và đối với các tầng lớp nhân dân (10 điểm) là công nhân, nông dân, binh lính, học sinh, phụ nữ, thương nhân, viên chức.

Ngày 6/6/1941, Nguyễn Ái Quốc có thư gửi thư tới đồng bào cả nước, giới thiệu tinh thần Người chỉ rõ cơ hội giải phóng đã đến và nhấn mạnh:"Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng".

Tháng 10/1941, Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, đây là lần đầu tiên một Mặt trận Dân tộc Thống nhất trình bày công khai đường lối, chính sách, phương pháp tiến hành và tổ chức lực lượng đấu tranh để thực hiện mục đích cứu nước của mình.

Ngày 07/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị về sửa soạn khởi nghĩa, tháng 10/1944, Bác Hồ có thư gửi đồng bào cả nước thông báo chủ trương của Đảng triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc. Ngày 22/12/1944, Bác Hồ ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Thực hiện Chỉ thị, một cao trào cách mạng đã xuất hiện ở nhiều nơi; khu giải phóng Việt Bắc gồm 6 tỉnh được thành lập kêu gọi đồng bào dũng cảm tiến lên dưới ngọn cờ của Việt Minh hãy "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".

Ngày 15/3/1945, Việt Minh ra lời kêu gọi kháng Nhật cứu nước, chỉ rõ phát xít Nhật là kẻ thù số một của Nhân dân Châu Á và của cả loài người, kêu gọi: 

"Hỡi quốc dân đồng bào!

Giờ kháng Nhật cứu nước đã đánh. Kíp nhằm theo lá cờ đỏ sao vàng năm cánh của Việt Minh:

Tiến lên!

Xông tới!

Cứu nước, cứu nhà!

Lấy máu đào rửa hận cho Tổ quốc. Ráng hết sức chặt xiềng phá ách, giằng lại giang sơn!

Đánh đuổi giặc Nhật!

Tiễu trừ Việt gian, Pháp gian và Hán gian!

Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!

Chính quyền cách mạng của nhân dân Việt Nam muôn năm!

Nước Việt Nam Cộng hòa Dân chủ muôn năm!"[2]

Ngày 25/3/1945, Việt Minh phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước trên khắp cả nước, Báo Cờ giải phóng số 11(ngày 25/3/1945) đăng lời Hiệu triệu của các đoàn thể cứu quốc trong Việt Minh, phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước. Lời Hiệu triệu nêu rõ cần lãnh đạo, hướng dẫn quần chúng nhân dân chuyển qua các hình thức đấu tranh cao, như: biểu tình chính trị, tiến hành thị uy võ trang, mít tinh công khai giữa đình hay giữa chợ...từ đó, nhiều nơi quần chúng thợ thuyền tự động bãi công, học sinh bãi khóa...

Ngày 14/8/1945, Tổng bộ Việt Minh ra lời Hiệu triệu quốc dân đồng bào nêu rõ: "Phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, quân đồng minh sắp tràn vào Đông Dương, rời Tổng khởi nghĩa đã đánh. Trước cơ hội có một không hai, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh đạo quân Giải phóng Việt Nam, mang xương máu ra đánh đuổi giặc Nhật, đổi lấy tự do, hạnh phúc cho Nhân dân"[3].

Đại hội Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập họp ở Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) trong 2 ngày 16 và 17/8/1945 đã nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa do Đảng Cộng sản kiến nghị, thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca. "Đại hội đã cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, sau này trở thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; trong vòng 2 tuần lễ chính quyền địch hoàn toàn sụp đổ, Ủy ban nhân dân lâm thời được thành lập khắp các địa phương trong cả nước. Ngày 02/9/1945 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

3. Mặt trận Việt Minh tăng cường đoàn kết toàn dân đưa cách mạng vượt qua khó khăn

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp đó, đại biểu Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng đọc lời Hiệu triệu đồng bào cả nước.

Chuyển sang thời kỳ phát triển mới của cách mạng, chính quyền Nhân dân được thành lập từ Trung ương đến các địa phương trong cả nước, Mặt trận Việt Minh không còn làm chức năng chính quyền như trước nữa. Hoạt động của Việt Minh nhằm củng cố và phát triển tổ chức của Mặt trận, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, làm chỗ dựa cho chính quyền và động viên quần chúng tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ đó, những nhiệm vụ ngoại giao tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của lực lượng cách mạng các nước, đấu tranh chống bọn phản động quốc tế trước kia do Việt Minh tiến hành, nay do Chính phủ đảm nhiệm.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước ta đứng trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Thù trong, giặc ngoài; nạn đói, nạn dốt, nội phản, ngoại xâm tấn công tứ phía. Sách lược của ta lúc này là mở rộng Việt Minh bao gồm mọi tầng lớp Nhân dân, chú trọng lôi kéo địa chủ và đồng bào các tôn giáo vào Việt Minh. Nhiệm vụ củng cố và phát triển Việt Minh được đề ra cụ thể, rõ ràng, hết sức phát triển các tổ chức cứu quốc, thống nhất trong toàn kỳ, toàn quốc, sửa lại điều lệ cho thích hợp với hoàn cảnh mới. Tổ chức thêm những đoàn thể cứu quốc vào Mặt trận Việt Minh như Việt Nam công giáo cứu quốc hội (Phật giáo cứu quốc đã có từ trước đó), Việt Nam hướng đạo cứu quốc đoàn. Giúp cho Đảng Dân chủ Việt Nam thống nhất và phát triển để thu hút vào Mặt trận những tầng lớp tư sản, địa chủ yêu nước và tiến bộ... Bản Chỉ thị còn đề ra những nhiệm vụ cụ thể để chấn chỉnh tổ chức và hoạt động của Tổng bộ Việt Minh cũng như các đoàn thể cứu quốc.

Để làm thất bại âm mưu của bọn quân phiệt Trung Quốc "tiêu diệt Đảng Cộng sản", từ ngày 11/11/1945, Đảng ta tuyên bố "giải tán", thực chất là chuyển vào hoạt động bí mật để tránh mũi nhọn tấn công của kẻ thù, chủ động duy trì và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, đưa đất nước vượt qua thác ghềnh nguy hiểm. Từ đó, vai trò của Việt Minh trong đời sống chính trị của đất nước ngày càng được đề cao, trở thành hình ảnh của khối đại đoàn kết các tầng lớp, các đảng phái, tôn giáo, dân tộc và bộ tộc ngày càng thu nhận thêm những tổ chức thành viên mới, những nhân sĩ yêu nước, trí thức cao cấp thuộc các tầng lớp trên của xã hội.

Để ngăn chặn và phân hóa hàng ngũ cả đảng chính trị, phản động bám gót quân Tưởng, Việt Minh ký Tuyên ngôn đoàn kết với Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội; ký thỏa hiệp với Việt Nam Quốc dân đảng; ra Thông cáo chung với Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội về việc giao thiệp với Việt Nam Quốc dân đảng; ký kết thỏa thuận với Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội và Việt Nam Quốc dân đảng về việc lập Chính phủ liên hợp,...;  tự nguyện nhường lại 70 ghế trong Quốc hội cho các tổ chức, đảng phái khác. Điều này thể hiện rõ chính sách đoàn kết dân tộc, có tác dụng lôi kéo những người do dự, kể cả những người vốn có tư tưởng chống đối. Bằng uy tín cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tập hợp được nhiều nhân vật tiêu biểu của chế độ cũ tham gia Mặt trận dân tộc thống nhất.

Những hoạt động yêu nước sôi nổi, chân thành và nhiệt tình của Việt Minh góp phần tích cực vào việc đoàn kết toàn dân chung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng giữ vững chủ quyền dân tộc.

Thông qua các đoàn thể cứu quốc, Mặt trận Việt Minh đã tuyên truyền, vận động quần chúng tự nguyện và hăng hái tham gia các phong trào sản xuất, cứu đói, hũ gạo tiết kiệm, tuần lễ vàng, bình dân học vụ... nhằm phát huy tinh thần yêu nước của Nhân dân để vượt qua những khó khăn về kinh tế, tài chính. Mặt trận cùng các đoàn thể vận động và tổ chức nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, xây dựng Hiến pháp mới, làm cho chính quyền thực sự là của dân, gắn bó với Nhân dân. Do vậy toàn dân đem hết tinh thần và nghị lực quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng. Khối đoàn kết toàn dân đã thực sự trở thành hậu thuẫn vững chắc để chống lại thù trong giặc ngoài.

Nhờ dựa chắc vào khối đoàn kết toàn dân, Nhà nước ta đã thực hiện thành công sách lược khôn khéo, mềm dẻo và linh hoạt. Lúc đầu tạm hoãn và nhân nhượng với quân Tưởng, tập trung chống thực dân Pháp ở miền Nam. Sau khi hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết, ta kịp chuyển sang hòa hoãn với Pháp để gạt nhanh quân Tưởng về nước.

 Đảng ta, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra và thực hiện chủ trương nhất quán là thống nhất bên trong, tìm bạn bên ngoài, tăng cường thực lực cách mạng trên cơ sở dựa chắc vào khối đoàn kết toàn dân được tập hợp trong Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc. Nhờ đó, con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh nguy hiểm, giữ vững chính quyền, chủ động chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thành công này không chỉ nêu lên một mẫu mực về sách lược hòa hoãn, lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù mà còn nêu lên một mẫu mực về sự nhân nhượng có nguyên tắc để củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, làm hậu thuẫn cho việc giữ vững chính quyền cách mạng./.

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG – ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

 

[1] Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7 (1940 -1945), NXB CTQG, H. 2000, tr.113.

[2] Đảng CSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, HN, 2000, tr.534.

[3] Tài liệu Viện Lịch sử Đảng, bản sao lưu lại UBTWMTTQVN

Các tin liên quan