CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tài liệu tuyên truyền
Kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Sư đoàn BB3-Đoàn Sao Vàng(2/9/1965 - 2/9/2020): Nhân dân Bình Định - Bộ đội Sao Vàng: Biểu tượng sáng ngời của tình quân dân “cá - nước”
Thứ ba 01/09/2020 14:34
Được sinh ra từ cái nôi Bình Định “thượng võ và quật khởi”, giàu truyền thống cách mạng, trong thời kỳ gian khổ, ác liệt của cách mạng miền Nam, nhân dân Bình Định chính là chỗ dựa vững chắc, nơi chi viện sức người, sức của, là người đỡ đầu, là nguồn sức mạnh lớn lao cho Sư đoàn xây dựng, chiến đấu và chiến thắng.

Cách đây 55 năm, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn khó khăn, ác liệt. Đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và chư hầu vào miền Nam, mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc, chuyển cuộc chiến tranh từ chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" sang chiến lược "Chiến tranh cục bộ", nhằm ngăn chặn đà sụp đổ của quân ngụy Sài Gòn. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên chiến trường, thực hiện Nghị quyết của Thường vụ Đảng ủy Quân khu 5, ngày 2/9/1965, tại khu rừng Bà Bơi, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, Sư đoàn Bộ binh 3 được thành lập, mang biệt danh "Sư đoàn Sao Vàng".

Di tích lịch sử Rừng Bà Bơi- Nơi thành lập Sư đoàn 3 Sao Vàng.

Ngay sau thành lập, Sư đoàn 3 - Sao Vàng đã viết nên trang sử đầu tiên của mình bằng trận đối đầu với Sư đoàn kỵ binh bay của Mỹ, lập nên chiến công vang dội ở thung lũng Thuận Ninh. Trải qua hai mùa khô đánh Mỹ (1965 - 1966 và 1966 - 1967), Sư đoàn đã phối hợp với quân và dân Bình Định lập nên những chiến thắng xuất sắc ở Hoài Nhơn, An Lão, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát... đánh bại nhiều cuộc hành quân "tìm diệt" với quy mô lớn và làm thất bại các biện pháp chiến lược "trực thăng vận", "thiết xa vận" của quân viễn chinh Mỹ. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, Sư đoàn đã cùng với quân dân Bình Định lập nên những chiến công oanh liệt, đánh quỵ Lữ đoàn "kỵ binh thiết giáp" 173 Mỹ, phá tan kế hoạch "bình định" nông thôn, góp phần cùng quân dân cả nước làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ. Tiếp sau đó, Sư đoàn đã cùng quân dân Bình Định, Quảng Ngãi lập nên những chiến thắng vẻ vang, đánh bại Sư đoàn A-mê-ri-cơn Mỹ, Sư đoàn "Mãnh Hổ" Nam Triều Tiên và Sư đoàn 22 chủ lực ngụy, hỗ trợ cho quần chúng phá tan hàng nghìn ấp chiến lược, hàng trăm khu dồn, giải phóng một vùng rộng lớn Bắc Bình Định.

Chiến công nối tiếp chiến công, trong những năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sư đoàn đã bám đất, bám dân, kiên cường chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, cùng quân dân Bình Định tiếp tục lập nên những chiến công mới trên đường 19, tạo điều kiện cho chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng; kết thúc số phận của Sư đoàn 22 ngụy, giải phóng tỉnh Bình Định ngày 31/3/1975. Sư đoàn được thay mặt quân và dân Khu 5 hành tiến vào phía nam đập tan tuyến phòng ngự của địch ở Phan Rang, giải phóng tỉnh Phước Tuy và Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, góp phần làm nên thành công chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Hơn một năm sau ngày thống nhất đất nước, tháng 6/1976, Sư đoàn được lệnh cấp tốc ra bảo vệ biên giới phía Bắc, đã cùng quân, dân các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang bảo vệ vững chắc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Những khẩu hiệu hành động như mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn: "Quyết sống chết không phụ nghĩa đồng bào Bình Định", "Quyết không để một người dân, một tấc đất Hoài Ân rơi vào tay giặc"… và cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã làm đúng như vậy. Những hình ảnh thấm đẫm tình cảm máu thịt giữa nhân dân Bình Định và Bộ đội Sao Vàng luôn là biểu tượng sáng ngời của tình quân dân "cá - nước". Các mẹ làng An Thái - Hoài Nhơn đã dàn hàng ngang chặn xe tăng Mỹ không cho tiến vào làng để bảo vệ bộ đội; hay bác Tư, bác Bảy, chị Hòa, chị Đức đã đặt anh thương binh ngồi trong chiếc chum rồi đổ khoai khô lên trên, vượt qua ba tầng lính Mỹ đưa về đội phẫu thuật của đơn vị. Và hàng trăm thương binh khác của Sư đoàn đã ra khỏi vòng vây của kẻ thù bằng tình thương, lòng dũng cảm và trí thông minh của đồng bào.

Đã 48 năm trôi qua nhưng bà Võ Thị Đào (86 tuổi, hiện ở thôn Gia An, xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn) vẫn kể với chúng tôi rất rành mạch về câu chuyện người lính Sư đoàn 3 Sao Vàng bị thương, nằm kiệt sức dưới hầm công sự vì máu ra nhiều, miệng khô cứng, thều thào kêu nước...

Bà Đào cho biết, khoảng giữa tháng 8/1972, bà cùng 3 người phụ nữ khác ở Gia An là Nguyễn Thị Khanh, Võ Thị Lạc và Võ Thị An đi chợ Tam Quan mua lương thực tiếp tế cho chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng) đang đóng quân trong làng. Trên đường về đến xóm 1 thì gặp trận càn dữ dội của địch. Khi đi ngang qua hầm công sự của bộ đội Sư đoàn 3 Sao Vàng, bà nghe có tiếng rên la vọng ra. Bà cùng 3 người phụ nữ cùng nhảy xuống hầm tìm đến nơi có tiếng rên la. Biết chiến sĩ của ta bị thương, mặc dù trong mưa bom bão đạn nhưng không ai sợ, mà rất bình tĩnh khôn khéo thay nhau dìu người thương binh ra khỏi hầm, rồi vượt qua làn đạn, đến một căn hầm bí mật an toàn. Tại đây, sau khi xé áo băng bó vết thương, bà Đào thấy người chiến sĩ giải phóng kiệt sức vì máu ra rất nhiều, miệng khô cứng và liên tục đòi nước. Trong lúc nguy cấp, cả 4 người đều không biết tìm nước ở đâu. Lúc này, bà Đào cảm thấy bầu ngực mình căng tức, thế là bà nghĩ đến vắt sữa mình thay nước. Vừa uống anh thương binh vừa nghẹn ngào nói: "Em sẽ không bao giờ quên giây phút này, ly sữa này của chị đã sinh ra em lần hai", bà Đào cho biết. Sau này, bà Đào mới biết người thương binh ấy là Trung đội trưởng Lã Viết Quang (thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng). Hôm đó đang cùng du kích địa phương xung trận chống càn, bảo vệ xã Hoài Châu thì bị đạn pháo của địch làm bị thương. Sau đó, anh Quang được chuyển lên tuyến trên, rồi ra miền Bắc trị thương.

Có thể nói, ngay từ khi mới ra đời, Sư đoàn 3 - Sao Vàng luôn nhận được sự giúp đỡ, đùm bọc và chở che của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định. Mối quan hệ giữa Sư đoàn 3 với quân dân Bình Định là mối quan hệ máu thịt, thắng lợi cùng hưởng, khó khăn cùng sẻ chia. Như đồng chí Tô Đình Cơ - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã từng nói: "… Nếu không có Bình Định thì không có Sư 3 và nếu không có Sư 3 thì không ra Bình Định". Chính sự hy sinh to lớn ấy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định đã giúp Sư đoàn đứng vững, trưởng thành và chiến thắng.

Chặng đường 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Sư đoàn đã tham gia đánh trên 5.600 trận, tiêu diệt và làm tan rã hơn 15 vạn tên địch, bắn cháy và phá hủy hàng trăm máy bay, hàng ngàn xe quân sự và phương tiện chiến tranh của địch. Sư đoàn và 3 trung đoàn, 4 tiểu đoàn, 10 đại đội và 17 cán bộ, chiến sĩ vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Để có được những thành tích đó, hơn 22.000 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đã anh dũng hy sinh (trong đó có trên 18.000 liệt sỹ đã hy sinh tại chiến trường Bình Định).

                                                                           Bùi Quốc Sự 

Các tin liên quan