CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tài liệu tuyên truyền
Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 - 1/7/2020): Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa!
Thứ ba 30/06/2020 15:03
Với trọng trách Tổng Bí thư đầu tiên thời kỳ đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh xác định rõ đổi mới phải có nguyên tắc, phải kiên trì mục tiêu chủ nghĩa xã hội bằng con đường phù hợp với quy luật khách quan; phải tăng cường và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân để từng bước tháo gỡ khó khăn, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các đại biểu dự Đại hội Đảng VI - Đại hội "Đổi mới" của Việt Nam diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15-18/12/1986. Ảnh TTXVN

Việt Nam tiến hành đổi mới trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đầy khó khăn, thách thức, với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật", đồng chí Nguyễn Văn Linh với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã cùng Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị trên cơ sở nghiêm khắc kiểm điểm sự lãnh đạo của mình, phân tích những sai lầm, khuyết điểm để cụ thể hóa, thể chế hóa và hiện thực hóa đường lối đổi mới, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới. Một trong những nguyên nhân tạo nên những "đột phá" đó và cũng chính là dấu ấn của đồng chí thời kỳ này là chú trọng công tác tư tưởng của Đảng, để Đảng không ngừng nâng cao và hoàn thiện sự lãnh đạo của mình.

TRƯỚC HẾT PHẢI ĐỔI MỚI TƯ DUY VÀ SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

Đại hội VI (12/1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam - đại hội của đổi mới đã chỉ rõ: "Những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo kinh tế - xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng - tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân"[1]. Vì thế, để lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước một cách toàn diện, để không ngừng nâng cao và hoàn thiện sự lãnh đạo của mình với tư cách là hạt nhân lãnh đạo toàn xã hội, trước hết Đảng phải tự đổi mới, phải tiến hành cuộc cách mạng về công tác xây dựng Đảng.

Trong đổi mới công tác xây dựng Đảng, nhận thức sâu sắc rằng: "Để tiến hành công cuộc đổi mới ở bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội, cần phải chuẩn bị trước về cơ sở lý luận. Sự khám phá về lý luận phải là tiền đề và điều kiện cơ bản làm cơ sở cho sự đổi mới trong hoạt động thực tiễn"[2], Đảng xác định trong đổi mới tư duy, thì trước tiên phải đổi mới tư duy lý luận, phải nâng cao hơn nữa trình độ lý luận Mác - Lênin trong toàn Đảng, để vận dụng đúng đắn và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Thực tế cho thấy là, việc "nôn nóng muốn bỏ qua các bước quá độ cần thiết là một sai lầm không kém phần tai hại"[3], cho nên, "phương pháp tư duy đúng đắn không thừa nhận sự cường điệu hóa, nhấn mạnh mặt này coi nhẹ mặt kia"[4] và càng không được phủ nhận những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, "phủ nhận những thành tựu lý luận và quan điểm đúng đắn của Đảng, phủ nhận các quy luật phổ biến của cách mạng xã hội chủ nghĩa, trái lại cần tiếp tục hoàn chỉnh và phát triển thêm những thành tựu đó"[5]. Vì thế, để nâng cao trình độ lý luận, một trong những yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là đội ngũ cán bộ, đảng viên phải ra sức "học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, khai thác kho tàng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các đồng chí lãnh đạo của Đảng; đồng thời, học tập những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn cách mạng trong nước và tham khảo những thành tựu phát triển lý luận của các đảng anh em"[6].

Về lý luận, trong nhiều bài viết, bài phát biểu, đồng chí cùng Trung ương Đảng đã chỉ ra tình trạng Đảng vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ về đặc điểm và những quy luật của thời kỳ quá độ, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam, nhất là chưa thừa nhận quy luật sản xuất hàng hoá đang tồn tại khách quan, nên chưa vận dụng được vào việc chế định chủ trương, chính sách kinh tế, tạo đà cho kinh tế phát triển. Vì thế, Đảng chủ trương đổi mới toàn diện cả kinh tế và chính trị, song đặt trọng tâm vào đổi mới kinh tế"[7]. Tuy nhiên, muốn đổi mới thành công, nhất là "việc đổi mới chính trị phải tiến hành tích cực nhưng vững chắc để mang lại kết quả thực tế, không gây ra sự mất ổn định về chính trị và làm phương hại đến toàn bộ công cuộc đổi mới nói chung"[8], thì phải thấm nhuần quan điểm đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà chính là thay đổi cách làm năng động hơn, sáng tạo hơn, phù hợp với tình hình đất nước và thời đại, song vẫn phải giữ vững nguyên tắc cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, trong đổi mới công tác xây dựng Đảng, phải quan tâm củng cố chất lượng sinh hoạt Đảng từ cơ sở đến Trung ương, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh thực sự, là hạt nhân của quần chúng; vì rằng, theo đồng chí, từng người lớn, nhỏ trong đời đều phải có "bước ngoặt" và cán bộ, đảng viên phải chứng minh được sự vững vàng của mình mỗi khi đứng trước bước ngoặt của đời mình.

Nói về công tác cán bộ và yêu cầu cán bộ phải gắn lý luận với thực tiễn, khi làm việc về triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VI "Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng"(31/10/1988), đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nhấn mạnh: "Mấy năm qua, nhìn chung chúng ta còn coi nhẹ và chưa thực hiện tốt việc quy hoạch cán bộ. Đảng ta đào tạo được nhiều cán bộ có kiến thức lý luận (cả khoa học xã hội và khoa học kỹ thuật) nhưng lại thiếu kiến thức thực tiễn, thoát ly thực tế, không gắn bó với cơ sở, do đó chất xám để lãng phí rất lớn và không phát huy được tác dụng vào sản xuất. Ngược lại, nhiều cán bộ gắn bó với phong trào quần chúng, sâu sát thực tiễn lại không được đào tạo, bồi dưỡng cả về lý luận chính trị và kiến thức quản lý kinh tế"[9].

PHÁT HUY DÂN CHỦ SONG KHÔNG CHẤP NHẬN ĐA NGUYÊN, ĐA ĐẢNG

Tiến hành đổi mới, chịu tác động bởi tình hình thế giới, trong Đảng xuất hiện một số biểu hiện hoài nghi, dao động ở một số người; thậm chí có người tuyên truyền quan điểm đa nguyên, đa đảng. Với bản lĩnh chính trị và tư duy sắc sảo và nhạy bén, đồng chí Nguyễn Văn Linh cho rằng, việc một số người cổ vũ cho đa nguyên ý kiến trong Đảng và trong xã hội chính là "sự chệch hướng", bởi đa nguyên sớm muộn cũng sẽ dẫn đến tình trạng đa đảng, thành lập đảng đối lập. Vì thế, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa VI, đồng chí nhấn mạnh: "Đảng phải nghiêm túc soát xét lại mình với tinh thần phê phán sâu sắc, siết chặt lại đội ngũ, tăng cường tính giai cấp, tính tiền phong để giữ được vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn xã hội, đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên".

Tiếp đó, với bản lĩnh và sự nhạy cảm chính trị, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị sớm đề ra những nguyên tắc chỉ đạo đổi mới tại Hội nghị Trung ương 6 khóa VI, bảo đảm để sự nghiệp đổi mới không đi chệch hướng. Theo đó, Đảng kiên định thực hiện đổi mới, kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin - nền tảng tư tưởng của Đảng - chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nhưng tuyệt đối không xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa, không xa rời con đường đã lựa chọn, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị để, một mặt, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước; mặt khác, phê phán quan điểm, khuynh hướng phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, âm mưu đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.

Đầu năm 1989, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá VI đã tuyên bố dứt khoát: "Không chấp nhận chế độ đa nguyên", song vấn đề này tạm lắng xuống chưa được bao lâu thì trong Đảng lại khởi lên vấn đề "đa nguyên ý kiến"; trong đó, có một số người đã tán thành quan điểm này. Khi đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh từng nói rất đúng bản chất vấn đề này rằng, nhìn bề ngoài thì "đa nguyên ý kiến" có vẻ nhẹ nhàng hơn nên nó dễ "hấp dẫn" hơn, song về bản chất, sớm muộn cũng sẽ dẫn tới đa đảng, thành lập đảng đối lập, vì thế, nó sẽ phá vỡ nguyên tắc "tập trung dân chủ" - nguyên tắc quan trọng về tổ chức và sinh hoạt Đảng, gây ra tình trạng bè phái trong Đảng. Vì thế, Đảng phải thật sự dân chủ, phát huy dân chủ, phải khuyến khích và lắng nghe ý kiến mọi người, thậm chí cả những ý kiến "nghịch tai" để chắt lọc những ý kiến đúng nhưng phải trên cơ sở tập trung dân chủ; đồng thời, phải đấu tranh chống dân chủ hình thức, cực đoan, dân chủ tư sản, bởi dân chủ "đa nguyên", "đa nguyên ý kiến" chính là sự phản ánh tương quan lực lượng giai cấp về chính trị.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Linh, phải thực hiện dân chủ, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực; làm cho dân chủ trở thành "lực đẩy" của sự nghiệp cách mạng, song dân chủ phải gắn liền với tăng cường kỷ cương, pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân. Dân chủ phải có lãnh đạo và lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ, trên cơ sở phát huy dân chủ; phải thực hiện cho được khẩu hiệu "lấy dân làm gốc", để không chỉ khơi dậy sức dân, nhất là trong lĩnh vực kinh tế mà còn phải tập trung khắc phục tình trạng "những biểu hiện mất dân chủ, thiếu dân chủ còn đầy rẫy khắp nơi, nhiều tiếng kêu oan ức của người dân vẫn chưa được giải quyết"[10].

Không phải ngẫu nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Linh lại "viết nhiều bài báo nêu sự việc cụ thể, và tổng kết thành "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Bài học cũ, nhưng vẫn mang giá trị cho đến tận ngày nay.  Đây cũng là bài học mà chúng ta phải đấu tranh kiên quyết để thực hiện, bởi đó là "sức mạnh cơ bản của công cuộc cách mạng, công cuộc xây dựng đất nước"[11]. Theo đồng chí: Dân chủ có nghĩa là trước hết người dân phải được biết, được thông tin và có thông tin cặn kẽ. Phải cho dân biết thì dân mới bàn được; và trong khi bàn, phải bàn thật và bàn sâu để có thể đưa ra được sự lựa chọn chính xác. Từ được bàn, người dân mới làm một cách tự giác, mới xem mọi công việc cách mạng là việc của chính mình, vì mình. Dân biết, dân bàn, dân làm thì mới có thể đi đến kiểm tra và giám sát được. Cho nên, ở đâu, cấp ủy và cán bộ, đảng viên nào coi nhẹ, né tránh, thậm chí không chịu sự kiểm tra, giám sát của dân thì ở nơi đó, ở người đó, nhất định là có tình trạng quan liêu và hiện tượng biến chất. Với ý nghĩa đó, nếu dân chủ nghĩa là dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra thì suy rộng ra là, để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, trước hết phải dân chủ trong Đảng; trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho đến các tổ chức Đảng ở cơ sở phải làm gương mẫu trong việc thực hiện dân chủ.

Thực tế, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã không chỉ "nêu ra" mà còn "kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc - đổi mới nhưng luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"[12]

Một trong những đóng góp quan trọng của đồng chí trong những năm đổi mới chính là tiếp tục phát triển đường lối của Đại hội lần thứ VI của Đảng để đề ra những quyết sách mới trong các Văn kiện Đại hội lần thứ VII; trong đó, có việc nhất trí với ý kiến xác định rõ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Chủ trương đưa vấn đề này ra toàn Đảng thảo luận đã thêm một lần cho thấy tầm tư duy sắc sảo và nhạy bén của đồng chí Nguyễn Văn Linh và luận điểm này, sau đó đã được đại hội Đảng bộ các cấp đến Đại hội toàn quốc của Đảng đều nhất trí thông qua.

 BÁO CHÍ, VĂN HÓA, VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CŨNG PHẢI ĐỔI MỚI

Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, khi bàn về lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, văn học nghệ thuật, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nhấn mạnh rằng: Với quan điểm dám nhìn vào sự thật, chúng ta hãy xem mình đang ở thế phòng ngự hay tấn công, chủ động hay bị động. Trong khi Mỹ đang thúc đẩy chiến lược "diễn biến hoà bình" trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, nghệ thuật; khi kẻ thù vừa ngấm ngầm vừa công khai tấn công hòng làm băng hoại tinh thần yêu nước các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, thì muốn đổi mới toàn diện và triệt để trên mặt trận này, chúng ta phải làm gì, nếu không phải là phải xác định rõ nguyên tắc tư tưởng chỉ đạo nghiêm túc, chặt chẽ. Bởi thực tế cũng cho thấy là, nếu không có sự chỉ đạo kịp thời và chặt chẽ và nếu không làm được như vậy, thì nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc "sẽ là một mớ lai căng hổ lốn".

Cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa này là thử thách, khó khăn và lâu dài, cho nên đòi hỏi cần phải có những tác phẩm văn học tương xứng với lịch sử hào hùng của dân tộc; và đây cũng là một yêu cầu đặt ra nghiêm túc đối với lĩnh vực này.

Một trong những vấn đề quan trong đối với công tác tư tưởng cũng được đồng chí Nguyễn Văn Linh đặc biệt quan tâm, đó là coi trọng giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên đi liền với việc chống chủ nghĩa cá nhân, phê phán nghiêm khắc những hiện tượng tham nhũng, suy thoái về phẩm chất đạo đức, tiêu cực, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên, kể cả đảng viên cao cấp… Vì thế, trước tình hình có nhiều biểu hiện trì trệ, quan liêu, tham nhũng, cửa quyền trong xã hội, với bút danh N.V.L, đồng chí đã viết loạt bài báo "Những việc cần làm ngay" đăng trên báo Nhân dân[13]; đã phát huy sức mạnh to lớn của báo chí và dư luận xã hội theo đúng tinh thần và ý nghĩa của bài học lớn "dân là gốc", để đưa cuộc đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực ra công khai, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội...

Những bài báo cập nhật thông tin đó không chỉ khơi dậy một luồng sinh khí mới trong xã hội, phát động phong trào cả nước chống tiêu cực, công khai và dân chủ mà còn thúc đẩy nhân dân, đảng viên và công luận đấu tranh phê phán sự trì trệ, bảo thủ, dối trá, cường quyền và bất công. Loạt bài báo "Những việc cần làm ngay" đã nêu gương nói thẳng, nói thật, nói đi đôi với làm, tập trung sức giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, góp phần làm trong sạch bộ máy của cơ quan Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, theo đồng chí: "Các báo từ Bắc chí Nam đã đưa ra những vụ việc sai phạm rất lớn. Nhưng sau đó, phần nhiều là một sự im lặng đáng sợ. Mong rằng từ nay phải "đổi mới", chấm dứt tình trạng này"[14].

Trong một bài báo, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã viết: "Có người có trách nhiệm đã chỉ trích: Biết bao nhiêu việc cần làm, sao lại phải hăng hái chống tiêu cực như vậy? Sao không chuyên tâm nói tới những chuyện tích cực? Vài trăm tấn tỏi, mấy vị mang hộ chiếu ngoại giao đi buôn... có gì là ghê gớm. Phê và tự phê công khai chỉ làm rối lòng dân, làm cản trở công việc của cán bộ lãnh đạo... (có lẽ cũng nên xem xét kỹ động cơ và thái độ của cách đặt vấn đề theo kiểu này!). Đành trái lời khuyên, tôi bèn viết tiếp vì thấy cần quá. May thay, chỉ vài ngày sau dư luận rộng rãi khắp cả nước hưởng ứng bằng nhiều cách đúng đắn, đáng mừng, đáng khâm phục" và "Cần đưa ngay nhân tố mới lên lấn dần tiêu cực, nhưng đồng thời phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới thực sự có chỗ đứng, giống như nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên vậy"[15]… Thực tế, loạt bài báo "Những việc cần làm ngay" của đồng chí đã "vượt ra ngoài khuôn khổ những bài báo" bình thường mà trở thành một phong cách làm việc - phong cách nói đi đôi với làm, đã nói là làm của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Dưới tầm nhìn chiến lược của đồng chí Nguyễn Văn Linh, đấu tranh chống tiêu cực là một nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng trong quá trình đổi mới, là một bộ phận của đổi mới. Do đó, phải đấu tranh chống tiêu cực, phải khắc phục tình trạng "im lặng đáng sợ" thì mới "dọn đường cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và các nghị quyết của Đảng", nhằm đưa nước nhà khỏi cảnh khó khăn, đi đến ổn định tình hình mọi mặt, làm cho dân bớt khổ, ngày càng được hạnh phúc. Đồng chí yêu cầu các cấp ủy, bộ, ngành, hệ thống báo, đài, các cơ quan chức năng… phải phối hợp vào cuộc để cùng chống tiêu cực; phải kiểm tra và kịp thời và đưa ra ánh sáng những vụ tiêu cực làm sai, gây oan ức cho nhiều người, nhất là những vụ lớn, liên quan đến nhiều người, nhiều cơ quan trong hệ thống chính trị. Trong cuộc đấu tranh đó, cùng với việc phanh phui và xử lý thật nghiêm về mặt Nhà nước, về mặt Đảng và truy tố trước pháp luật những tiêu cực là việc thúc đẩy tinh thần tự phê bình và phê bình, chống tham ô, tham nhũng, ức hiếp nhân dân... của mỗi người; đồng thời, cũng là dịp để phát huy quyền dân chủ, quyền công dân của quần chúng…

Đề cao và phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, ngày 25/5/1988, tại buổi làm việc của Ban Bí thư Trung ương Đảng với các nhà báo trong nước, đồng chí đã nói rõ quan điểm của mình về hai loại ý kiến "tô hồng" và "bôi đen". Theo đồng chí, báo chí không nên một chiều ca ngợi, tô hồng, chỉ nói toàn cái hay, cái đẹp và báo chí chống tiêu cực lại càng không phải chỉ đăng tin, bài bôi đen chế độ mà quan trọng hơn là báo chí phải góp phần đẩy lùi bóng tối, làm cho ánh sáng chói chang hơn, giống như người trồng lúa, phải nhổ cỏ, bắt sâu thì lúa mới lên xanh được. Vì thế, để đổi mới, thì chống tiêu cực mới là một mặt của vấn đề, một mặt khác nữa là phải không thể xem nhẹ việc nghiên cứu và biểu dương, cổ vũ nhân tố tích cực, những gương điển hình tốt của cá nhân và tập thể xuất hiện ở nhiều nơi trên đất nước…

*

Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới, dẫn lại lời tâm sự này của đồng chí để thêm một lần những cán bộ, đảng viên của Đảng nói chung, những người làm công tác tư tưởng nói riêng nhận thức và xác định rõ hơn trách nhiệm của mình trong mọi mặt công tác, để công tác tư tưởng thực sự luôn đi trước, dẫn đường, đáp ứng được yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng đòi hỏi, đó là: "Trong quá trình hoạt động cách mạng trước đây, tôi đã từng viết báo và làm công tác tuyên huấn. Lúc đó, tôi rất tâm đắc với câu tổng kết nôm na cho dễ nhớ về phương pháp công tác của lĩnh vực hoạt động này: "Điều, nghiên, phân, tổng, phổ, tuyên, văn, giáo, huấn, hành". (Điều tra, nghiên cứu, phân tích, tổng kết, phổ biến, tuyên truyền, văn hoá - văn nghệ, giáo dục, huấn luyện, hành động). Tôi cho rằng đó là mục đích và con đường để đạt tới mục đích của công tác tư tưởng nói chung, công tác báo chí nói riêng"[16].

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về dân là gốc và lấy dân làm gốc, coi nhân dân là cội nguồn sức mạnh của Đảng, luôn gần dân, tin dân và vì dân. Ở cương vị nào đồng chí cũng luôn xác định phải kiên trì lấy dân làm gốc và kiên trì thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Thực hiện đường lối đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh vừa chú trọng thực hiện những quan điểm cơ bản có ý nghĩa chiến lược, vừa quan tâm "những việc cần làm ngay" kết hợp chặt chẽ nói và làm. Những bài viết trên báo Nhân dân ký tên N.V.L có ý nghĩa chỉ đạo sâu sắc, kịp thời khắc phục bệnh quan liêu, trì trệ, vô cảm trong lãnh đạo, quản lý ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực...

TS. Văn Thị Thanh Mai

Đỗ Thị Thanh Tám (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)

Nguồn Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 27

[2] Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1988, t.1, tr.33

[3] Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1988, t.1, tr.35

[4] Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1988, t.1, tr.36

[5] Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1988, t.1, tr.37

[6] Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1988, t.1, tr.43

[7] Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1988, t.3, tr.17

[8] Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1988, t.3, tr.17

[9] Báo Nhân dân, ngày 1/11/1988

[10] Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1988, t.2, tr.298

[11] Nguyễn Văn Linh - Người cộng sản kiên trung, sáng tạo, nhà lãnh đạo có uy tín lớn, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.166

[12]Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: Điếu văn tại Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Văn Linh, ngày 29/4/1998

[13] Từ ngày 25/5/1987 đến ngày 28/9/1990 có 27 bài báo "Những việc cần làm ngay" của đồng chí Nguyễn Văn Linh, bút danh N.V.L đăng trên báo Nhân dân

[14] Nguyễn Văn Linh: Những việc cần làm ngay, Báo Nhân dân, ngày 26/5/1987

[15] Nguyễn Văn Linh: Những việc cần làm ngay, Báo Nhân dân, ngày 10/7/1987

[16] Nguyễn Văn Linh - Người cộng sản kiên trung, sáng tạo, nhà lãnh đạo có uy tín lớn, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.213-214