CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tài liệu tuyên truyền
Xây dựng Đảng về tư tưởng theo chỉ dẫn của V.I.Lênin
Thứ tư 22/04/2020 07:08
Xây dựng Đảng về tư tưởng theo chỉ dẫn của V.I.Lênin là nội dung cơ bản, quan trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; đồng thời, cũng là nhiệm vụ quan trọng vừa thường xuyên, vừa cấp bách của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta để Đảng luôn xứng đáng với vai trò tiền phong.

V.I.Lênin tham gia cuộc diễu binh ở Quảng trường Đỏ, Moscow năm 1919. (Ảnh: English Russia)

CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC LÝ LUẬN, TUYÊN TRUYỀN VÀ CỔ ĐỘNG

Công tác tư tưởng là một hoạt động quan trọng của một chính đảng; được cấu trúc bởi công tác lý luận, công tác tuyên truyền và công tác cổ động. Ba hình thức, phương pháp này luôn có mối quan hệ biện chứng chặt chẽ với nhau, bổ sung, hỗ trợ cho nhau.

Chú trọng công tác tư tưởng trong Đảng theo chỉ dẫn của V.I. Lênin chính là thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đúc kết và đưa ra những luận cứ khoa học chính xác để xây dựng cương lĩnh, đường lối; giải thích, giáo dục, truyền bá, cổ động cho hệ tư tưởng, đường lối, chính sách của Đảng, tạo sự thống nhất trong nhận thức và tự giác hành động; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng và cơ quan ngôn luận của Đảng; phê phán các nhận thức lệch lạc, đấu tranh chống lại mọi luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch... Theo V.I.Lênin, "chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong"(1), do đó công tác lý luận có nhiệm vụ chung là nghiên cứu, cung cấp các luận cứ khoa học để xây dựng cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chính sách của Đảng. Vì "không có cương lĩnh thì Đảng không thể tồn tại, với tư cách là một cơ cấu chính trị hoàn chỉnh"(2), cho nên V.I.Lênin khẳng định: "Muốn xây dựng Đảng mà chỉ kêu gào "thống nhất" không thôi thì chưa đủ, mà còn phải có một cương lĩnh chính trị nào đó, một cương lĩnh hành động chính trị"(3). Cương lĩnh tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn Đảng; hình thành tư duy lý luận, nâng cao trình độ tri thức cho giai cấp vô sản, nhân dân lao động để Đảng lãnh đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị và giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền và cổ động, V.I. Lênin chỉ rõ mối liên hệ mật thiết giữa tuyên truyền và cổ động. Trong đó, nhiệm vụ của công tác tuyên truyền là: 1) Tuyên truyền học thuyết xã hội chủ nghĩa khoa học, làm cho giai cấp vô sản hiểu được chủ nghĩa xã hội khoa học (chủ nghĩa Mác), quan niệm đúng đắn về chế độ xã hội, chế độ chính trị và kinh tế, các giai cấp và mối quan hệ giữa các giai cấp để nhận thức đúng đắn nhiệm vụ lịch sử của mình. 2) Tuyên truyền những tư tưởng dân chủ trong quần chúng công nhân, thông qua đó "làm cho người ta thấy rõ được tất cả mọi biểu hiện hoạt động của chế độ chuyên chế, nội dung giai cấp của chế độ đó, sự cần thiết phải lật đổ nó, làm cho người ta thấy rõ được rằng không thể nào đấu tranh thắng lợi cho sự nghiệp công nhân, nếu chưa giành được quyền tự do chính trị, chưa giành được việc dân chủ hóa chế độ chính trị và xã hội"(4). 3) Giải thích, truyền bá cương lĩnh, đường lối, sách lược của Đảng, làm cho giai cấp và nhân dân lao động nhận thức được tính đúng đắn của mỗi văn kiện và tự giác làm theo. 4) Tuyên truyền, giải thích những biến động trong xã hội, những quan điểm lệch lạc, thù địch để không chỉ chủ động chuẩn bị tinh thần mà còn nâng cao tinh thần cảnh giác cho giai cấp vô sản và nhân dân lao động.

Nhiệm vụ của cổ động là: 1) Cả 2 hình thức cổ động kinh tế và cổ động chính trị đều cần bám sát thực tiễn, tiến hành ngang nhau, nội dung phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức để giúp cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động hiểu được những vấn đề về chế độ chính trị, chế độ kinh tế, chế độ xã hội, đối kháng giai cấp, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong công nhân và nhân dân lao động, làm kim chỉ nam cho cuộc đấu tranh giai cấp. 2) Tổ chức những tiểu tổ trong công nhân, giữ mối liên hệ thường xuyên giữa họ với nhóm trung ương để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và cổ động. 3) Xuất bản, phổ biến sách báo trong công nhân; tổ chức công tác thông tin, in và rải truyền đơn cổ động, thúc đẩy hoạt động cách mạng trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động. 4) Thành lập một tờ báo chính trị cho toàn nước Nga, vì "thành lập một Đảng, mà không tổ chức ra một tờ báo nhất định làm cơ quan đại diện đúng đắn cho Đảng đó, thì trong một chừng mực lớn việc thành lập đó sẽ chỉ là một lời nói suông mà thôi"(5). Thực tế là, không thể tiến hành cuộc đấu tranh chính trị, không thể bày tỏ ý kiến về mọi vấn đề chính trị và càng không thể nào tổ chức được các lực lượng cách mạng, đưa các lực lượng ấy vào kỷ luật để tiến hành sự nghiệp cách mạng thành công, "nếu tất cả những vấn đề đó không được thảo luận trên một cơ quan ngôn luận trung ương, nếu không xây dựng được một cách tập thể, một số hình thức và quy tắc tổ chức công tác, nếu trách nhiệm của mỗi đảng viên trước toàn đảng không được quy định, thông qua cơ quan ngôn luận trung ương"(6).

Xuất phát từ thực tiễn, những chỉ dẫn của V.I Lênin về việc Đảng phải chú trọng thực hiện ba hình thức của công tác tư tưởng: lý luận, tuyên truyền và cổ động, nhất là thành lập một cơ quan ngôn luận trung ương chính là nhằm truyền bá chủ nghĩa xã hội và tư tưởng đấu tranh giai cấp trong công nhân để "những tư tưởng đó bắt rễ sâu hơn vào một giới được rèn luyện hơn, và phải làm cho đội tiên phong ấy của phong trào công nhân Nga và của cách mạng Nga thấm nhuần những tư tưởng đó"(7). Đồng thời, cũng theo V.I Lênin, để lãnh đạo cách mạng thành công, Đảng nhất thiết phải hoạt động ở bất cứ nơi nào có quần chúng và người cách mạng phải biết tự nguyện chấp nhận mọi hy sinh, vượt qua những trở ngại để tiến hành tuyên truyền và cổ động hiệu quả, với một tinh thần bền bỉ, dẻo dai, nhẫn nại để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

 hiệu quả của công tác tư tưởng phụ thuộc vào trình độ lý luận chính trị, lập trường giai cấp, bản lĩnh chính trị, tư tưởng và tình cảm cách mạng của người làm công tác tư tưởng, cho nên, cán bộ làm công tác tư tưởng phải là những người tiên phong về tư tưởng, lý luận. Điều đó có nghĩa là "nhà tư tưởng" chỉ xứng đáng với danh hiệu nhà tư tưởng khi nào họ đi trước phong trào tự phát, chỉ đường cho nó, khi nào họ biết giải quyết, trước những người khác, tất cả các vấn đề lý luận, chính trị, sách lược và các vấn đề về tổ chức mà "những yếu tố vật chất" của phong trào húc phải một cách tự phát". Vì thế, theo V.I Lênin, Đảng cần phải xây dựng đội ngũ những người làm công tác tư tưởng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; phải thường xuyên nâng cao trình độ lý luận - chính trị, tư tưởng, lập trường giai cấp công nhân cho đội ngũ làm công tác tư tưởng...

CHỦ ĐỘNG ĐẤU TRANH CHỐNG CHỦ NGHĨA CƠ HỘI, BA PHẢI VÀ CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

Là lãnh tụ của giai cấp công nhân quốc tế, V.I. Lênin chỉ rõ nghĩa vụ thiêng liêng của những người mácxít là phải bảo vệ lý luận chủ nghĩa Mác, đấu tranh quyết liệt chống chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa cơ hội, xét lại, ba phải và những mưu toan xuyên tạc, hạ thấp lý luận…; coi đây là quy luật phát triển của mỗi đảng cộng sản. Muốn giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này, mỗi Đảng phải có phương pháp đấu tranh phù hợp, đúng mức trên cơ sở đi sâu nghiên cứu thực tiễn, hiểu rõ sự tình để đưa ra phương pháp đấu tranh phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nước mình.

Vì chủ nghĩa cơ hội không mang màu sắc chủ nghĩa cộng sản; cơ hội chính trị gắn chặt với chủ nghĩa cá nhân, cơ hội về đạo đức, lối sống, cho nên phải đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong Đảng. Chủ nghĩa cơ hội có 2 khuynh hướng hữu khuynh và tả khuynh. Nhìn bề ngoài, cả 2 khuynh hướng có vẻ đối lập nhau, song chúng đều giống nhau là thù địch với chủ nghĩa Mác, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Còn chủ nghĩa ba phải là tư tưởng và hoạt động có tính chất biệt lập của một nhóm người kém tính Đảng, kém ý thức tổ chức, những kẻ cơ hội và cá nhân chủ nghĩa không khi nào bộc lộ chủ kiến, quan điểm riêng của mình… những người này bất chấp nguyên tắc, bất chấp phải trái, rất nguy hiểm, thường tạo thành bè phái, làm chia rẽ trong nội bộ Đảng, phá hoại tính thống nhất và sức mạnh của Đảng...

Cụ thể, theo V.I. Lênin, để Đảng vững mạnh và phát triển, phải thường xuyên liên tục, không được lơi là cuộc đấu tranh chống: 1) Những kẻ cơ hội chính trị, những kẻ "hy sinh lợi ích căn bản của quần chúng cho lợi ích tạm thời của một số hết sức ít công nhân, nói cách khác tức là sự liên minh giữa một bộ phận công nhân với giai cấp tư sản để chống lại quần chúng vô sản"(8). 2) Những kẻ cái gì cũng cho là đúng, cũng tán thưởng, không có quan điểm chính trị rõ ràng, luôn ngả nghiêng, dao động, không kiên định nguyên tắc cơ bản trong đường lối của Đảng, gây bè cánh trong Đảng. 3) Những kẻ sẵn sàng quỳ gối, uốn lưỡi cho vừa lòng và hợp với quan điểm của cấp trên và quần chúng, hòng tăng phiếu ủng hộ trong các dịp bầu cử. 4) Những kẻ kém ý thức tổ chức, cá nhân chủ nghĩa, "những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hóa, không trung thực, nhu nhược, và những người mensêvích, tuy "bề ngoài" đã được phủ một lớp sơn mới, nhưng trong tâm hồn thì vẫn là mensêvích"(9). 5) Những kẻ cơ hội tìm mọi cách chui vào Đảng cùng với những phần tử cơ hội cũ trong Đảng tạo thành một thế lực đáng kể trong Đảng, làm giảm sức mạnh, uy tín và thanh danh của Đảng…

Đi liền cùng đó, Đảng còn phải chủ động đấu tranh với những nhận thức lệch lạc trong Đảng, trong giai cấp vô sản và nhân dân, bởi: "Cái chủ yếu trong học thuyết của Mác là đấu tranh giai cấp. Người ta vẫn thường hay nói và hay viết như thế. Nhưng điều đó không đúng. Sự không đúng ấy thường đưa đến những sự xuyên tạc chủ nghĩa Mác theo lối cơ hội chủ nghĩa, những sự giả mạo chủ nghĩa Mác, nhằm làm cho chủ nghĩa Mác trở thành điều có thể chấp nhận được đối với giai cấp tư sản... Kẻ nào chỉ thừa nhận có đấu tranh giai cấp không thôi, thì kẻ đó vẫn chưa phải là một người mácxít, kẻ ấy có thể vẫn chưa thoát khỏi khuôn khổ tư tưởng tư sản và chính trị tư sản. Đóng khung chủ nghĩa Mác trong thuyết đấu tranh giai cấp là cắt xén, xuyên tạc chủ nghĩa Mác, thu nó lại thành cái mà giai cấp tư sản có thể tiếp nhận được"(10).

Thực hiện tốt các nhiệm vụ này, Đảng đã loại bỏ được nhiều phần tử cơ hội, loại trừ những người không đủ tiêu chuẩn, những kẻ phiêu lưu, khiêu khích ra khỏi Đảng, làm cho Đảng thực sự là một đội ngũ thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự có sức mạnh, đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu thực hiện đường lối mới tương xứng với nhiệm vụ chính trị mới, được quần chúng tín nhiệm và ủng hộ.

VẬN DỤNG VÀO THỰC TẾ Ở VIỆT NAM

Ngay từ khi mới thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chú trọng công tác  xây dựng Đảng về tư tưởng để không chỉ vận dụng sáng tạo mà còn không ngừng phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng đường lối, đề ra những chủ trương, kế sách phù hợp, lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ, phát triển đất nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Trong 90 năm xây dựng và trưởng thành, trên cơ sở định hướng chính trị tư tưởng đúng là điều kiện tiên quyết đảm bảo thực hiện thắng lợi đường lối cách mạng của Đảng; là mục tiêu hàng đầu, có ý nghĩa sống còn đối với công tác tư tưởng của Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác tư tưởng, coi công tác tư tưởng là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Xác định công tác tư tưởng là trách nhiệm của toàn Đảng, Nhà nước, của từng cấp ủy, chính quyền và của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, công tác xây dựng Đảng về tư tưởng được triển khai nghiêm túc, thường xuyên trong Đảng và hệ thống chính trị đã tạo nên sự thống nhất nhận thức chính trị của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận trong xã hội.

Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng đã góp phần chăm lo bồi dưỡng giáo dục cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tuyên truyền và chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; đồng thời, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng, phòng và chống sự "tự diễn biến" "tự chuyển hóa" trong nội bộ… Trên cơ sở đó, Đảng đã tập hợp mọi lực lượng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của dân tộc và thời đại, tận dụng thời cơ và điều kiện thuận lợi để vượt qua thách thức, trở ngại, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị của cách mạng, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng, phòng và chống sự "tự diễn biến" "tự chuyển hóa" trong nội bộ...

Để "tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội"(11), cùng với việc tăng cường cơ sở vật chất và các phương tiện kỹ thuật cho công tác tư tưởng theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ, trong Đảng cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, Ban Chỉ đạo 35, cơ quan chức năng các cấp, trực tiếp là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng, thực hiện tốt phương châm "toàn Đảng làm công tác tư tưởng" gắn với thực hiện nghiêm Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới". Trong đó, công tác tư tưởng phải đi trước một bước, chủ động nắm bắt diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, những vấn đề thời cuộc liên quan đến đất nước để kịp thời thông tin chính thống, định hướng nhận thức trong nội bộ và nhân dân, tạo sự thông suốt, ổn định về tư tưởng, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.

Hai là, chú trọng công tác lý luận, tiếp tục nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, coi nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là yêu cầu cơ bản và bức thiết để nâng cao tính chiến đấu của công tác tư tưởng. Đồng thời, đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, cập nhật tri thức lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, trang bị tư duy biện chứng, phương pháp luận khoa học cho cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý để nhận thức và hành động đúng, vận dụng vào thực tiễn. Qua đó, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực thực tiễn, sự kiên định, vững vàng của mỗi cán bộ, đảng viên trong chủ động, ứng phó linh hoạt chống lại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trong mọi tình huống.

Ba là, đổi mới công tác tuyên truyền và cổ động gắn với phát huy vai trò tổng hợp của các cơ quan báo chí, truyền thông, đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và vai trò, trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng. Trong đó, chủ động, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các binh chủng làm công tác tư tưởng từ Trung ương đến địa phương, với các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị theo hướng bám sát thực tiễn, tích cực, chủ động, gắn lý luận với thực tiễn, thống nhất giữa nói và làm, xây đi đôi với chống, lấy giáo dục, thuyết phục và nêu gương làm trọng tâm trong tổ chức thực hiện để tạo thế trận rộng khắp, chặt chẽ trong đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" để rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn tiền phong, gương mẫu nói chung, những người làm công tác tư tưởng nói riêng xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, là người gieo niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ. Theo đó, mỗi người tự làm công tác tư tưởng cho chính mình, gia đình, người thân và làm tư tưởng cho nhân dân ở mọi nơi, mọi thời điểm để không chỉ nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch mà còn chủ động phòng và chống, ngăn ngừa nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, thiết thực xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng./.

_____________________

(1) V.I. Lênin: Toàn tập, bản Tiếng Việt, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1975, t.6, tr.32.

(2) V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.20, tr.417.

(3) V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.21, tr.327.

(4), (7) V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.559-560, 558-559.

(5), (6) V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.241, 241.

(8) V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.26, tr.307-308.

(9) V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t. 44, tr.154.

(10) V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.33, tr.42.

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương, H, 2016, tr.200.

TS. Văn Thị Thanh Mai - Ban Tuyên giáo Trung ương   

Tạp chí  của Ban Tuyên giáo Trung ương