CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tài liệu tuyên truyền
Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học sinh, Sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam (09/01/1950 - 09/01/2025)
Thứ tư 08/01/2025 11:02

Dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và sự chăm lo, dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam đã trải qua 75 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển. Các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam luôn kế thừa và phát huy những truyền thống vẻ vang của các lớp cha anh đi trước, nỗ lực đóng góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ những năm 20 của thế kỷ trước, khi người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, lớp trẻ học đường trong nước đã dấy lên phong trào “tìm đường hướng mới” bàn việc vận động thanh niên tranh đấu và tìm đọc những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc. Học sinh, sinh viên đi đầu trong các cuộc đấu tranh đòi hỏi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu bị mật thám bắt cóc ở Thượng Hải đưa về giam ở Hỏa Lò (Hà Nội); xuống đường đưa tang cụ Phan Châu Trinh; đòi trả tự do cho trí thức trẻ yêu nước Nguyễn An Ninh… tinh thần đó đã cổ vũ cho các cuộc đấu tranh của Nhân dân và thanh niên học sinh trước cách mạng.

 Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Nhân dân và tuổi trẻ Việt Nam sau hơn 80 năm dưới ách nô lệ của thực dân, phong kiến đã trở thành người chủ thực sự của đất nước. Ngay sau ngày độc lập, đông đảo học sinh, sinh viên đã hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tích cực tham gia phong trào “diệt giặc dốt” xóa nạn mù chữ cho đồng bào, trước hết là cho bộ phận không nhỏ trong thanh niên; hàng ngàn học sinh, sinh viên của các trường ở Thủ đô Hà Nội, thành phố Huế… hăng hái, tình nguyện ra các vùng ngoại ô của thành phố, về nông thôn cùng nông dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất để “diệt giặc đói”; đặc biệt trong các đoàn quân “Nam tiến” có trên 2 vạn học sinh, sinh viên các tỉnh Trung bộ, Bắc bộ và Thủ đô Hà Nội đã tình nguyện lên đường chi viện cho các chiến trường phía Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đoàn Thanh niên Cứu Quốc Việt Nam (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của học sinh, sinh viên ngày một dâng cao, tiêu biểu cho tinh thần ấy là cuộc đấu tranh ngày 09/01/1950 của hơn 2.000 học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn đòi thả ngay những học sinh bị bắt và mở lại trường học. Trong cuộc đấu tranh ấy đã có sự hy sinh anh dũng của Trần Văn Ơn… Tin anh Trần Văn Ơn mất đã ngay lập tức gây náo động trong học sinh, sinh viên Sài Gòn. Lễ tang của anh đã biến thành cuộc biểu tình thị uy của trên 5 vạn người tại Sài Gòn và được tổ chức ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Hàng triệu học sinh, sinh viên và Nhân dân đã đeo băng tang truy điệu với lòng tiếc thương và xuống đường tuần hành bày tỏ sự căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên cường chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Với tinh thần đó, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất (tháng 02/1950) tại căn cứ Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09/01 hàng năm là ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam.

Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vai trò của học sinh, sinh viên - thế hệ tri thức trẻ chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Học sinh, sinh viên không chỉ là lực lượng kế thừa mà còn là nhân tố tiên phong, đóng vai trò then chốt thực hiện khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Học sinh, Sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam không chỉ là dịp để thể hiện sự tự hào về những chiến công vẻ vang đã đạt được, mà còn là thời điểm các thế hệ học sinh, sinh viên, cùng Hội Sinh viên Việt Nam nhận thức sâu sắc về trách nhiệm và sứ mệnh thiêng liêng trong kỷ nguyên mới. Thế hệ trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vai trò tiên phong vươn mình mạnh mẽ, khẳng định bản lĩnh, vị thế đất nước trên trường quốc tế, đóng góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kim Thoa