CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tài liệu tuyên truyền
Bình Định với tinh thần: “Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh” trong Chiến dịch Xuân năm 1975
Thứ sáu 29/03/2024 15:13

Từ cuối năm 1974 đến đầu năm 1975, cục diện chiến trường miền Nam có sự chuyển biến hết sức nhanh chóng theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng nước ta. Nhận thấy thời cơ đã đến, Bộ Chính trị đã họp bàn và hạ quyết tâm chiến lược: Giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, nếu thời cơ xuất hiện sớm hơn sẽ giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975.

Chấp hành chủ trương và quyết tâm chiến lược của Đảng, Đảng bộ, quân và dân Bình Định đã sát cánh cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng bước vào Chiến dịch Xuân năm 1975 với khí thế cách mạng tiến công sôi nổi và kịp thời phối hợp với chiến trường Tây Nguyên, Bình Định là địa phương mở màn Chiến dịch Xuân năm 1975 trên chiến trường Khu V. Tại Bình Định, rạng sáng ngày 04/3/1975, ta đánh sập cầu 12, cắt đường 19, tạo thế chia cắt chiến lược giữa đồng bằng miền Trung và Tây Nguyên. Sư đoàn 3 Sao Vàng kiềm chân toàn bộ Sư đoàn 22 ngụy trên tuyến đường 19, hỗ trợ đắc lực và tạo thế cho quân và dân Bình Định dồn dập tấn công, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn bộ máy ngụy quyền, giải phóng và giành quyền làm chủ liên hoàn từng mảng lớn từ bắc vào nam tỉnh, lập hành lang và bàn đạp cho cuộc tổng công kích giải phóng thị xã Quy Nhơn. Từ ngày 06 - 23/3/1975, quân và dân toàn tỉnh tiêu diệt 12 đại đội và hàng chục trung đội, loại hơn 4.500 tên địch, giải phóng hoàn toàn 20 xã, mở ra vùng làm chủ liên xã và liên huyện. Trước sức ép mạnh mẽ của ta, địch lui về lập tuyến phòng thủ vùng ven và trung tâm thị xã Quy Nhơn, hình thành dải phòng ngự nhằm buộc ta phải đột phá từ xa để chúng có thời gian củng cố lực lượng.

Chiều ngày 24/3/1975, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội họp quyết định tổng tấn công, tổng khởi nghĩa giải phóng toàn tỉnh. Khẩu hiệu hành động là: “Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”, “Tất cả cho đánh đổ chính quyền địch”. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Thường vụ Tỉnh ủy, từ ngày 25 - 28/3/1975, các lực lượng vũ trang và quần chúng huyện Hoài Nhơn dồn dập tiến công tiêu diệt địch, buộc địch phải tháo chạy, đến 10 giờ ngày 28/3/1975, quận lỵ Bồng Sơn (Hoài Nhơn) được giải phóng. Hoài Nhơn là địa phương được giải phóng đầu tiên của tỉnh trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975. Trong khí thế cách mạng sôi sục đó, quân và dân các địa phương trong tỉnh cùng tổng tiến công và nổi dậy và giành thắng lợi, cụ thể: 8 giờ ngày 31/3/1975, giải phóng quận lỵ Phù Mỹ; 9 giờ ngày 31/3/1975, giải phóng quận lỵ Phù Cát; 10 giờ ngày 31/3/1975, giải phóng quận lỵ Bình Khê; 12 giờ ngày 31/3/1975, ta làm chủ quận lỵ An Nhơn; 12 giờ 30 phút ngày 31/3/1975, giải phóng quận lỵ Tuy Phước; 15 giờ ngày 31/3/1975, giải phóng quận lỵ Vân Canh. Tại thị xã Quy Nhơn, 20 giờ ngày 31/3/1975, đội biệt động Quy Nhơn bắt liên lạc, phối hợp với Tiểu đoàn 50, đặc công Đ30, Đ20 của ta đánh chiếm, cắm cờ trên tiền sảnh Tòa hành chính ngụy quyền tỉnh và Trung tâm tiểu khu Bình Định, cơ quan đầu não về chính trị, hành chính, quân sự của địch. Đây là thời điểm giải phóng thị xã Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định. Sau thắng lợi vẻ vang này, Đảng bộ, quân và dân Bình Định tiếp tục đóng góp sức người, sức của cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Toàn cảnh thành phố Quy Nhơn. Ảnh: Dũng Nhân

Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, sau ngày giải phóng, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bình Định đã bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại tỉnh nhà. Trải qua 49 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá. Năm 2023, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,61%, xếp thứ 6/14 tỉnh, thành phố miền Trung; tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 13.828 tỷ đồng, vượt 1,3% so với dự toán năm; quy mô kinh tế của tỉnh đạt 117.668,8 tỷ đồng, xếp thứ 5/14 tỉnh, thành phố miền Trung (tăng 2 bậc so với trước Đại hội Đảng bộ XX tỉnh); GRDP bình quân đầu người đạt 78,1 triệu đồng, xếp thứ 6/14 tỉnh, thành phố miền Trung (tăng 1 bậc so với trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn.

Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bình Định (31/3/1975 - 31/3/2024) là dịp để toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân ôn lại trang sử hào hùng của Đảng bộ và Nhân dân Bình Định; từ đó tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của quê hương, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh đã đề ra, đưa Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung.

                                                                                                     Ngọc Hiền