Đêm ngày 09/3/1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, Thường vụ Trung ương Đảng họp và quyết định phát động cao trào chống Nhật mạnh mẽ làm tiền đề tiến lên tổng khởi nghĩa. Chủ trương của Đảng trong Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12/3/1945 thể hiện sự chỉ đạo nhạy bén của Trung ương Đảng đối với phong trào cách mạng cả nước trong bước ngoặt lịch sử, giúp cho các địa phương phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong chuẩn bị và phát động khởi nghĩa vũ trang
Từ tháng 3 đến đầu tháng 8/1945, khí thế cách mạng vô cùng khẩn trương và sôi sục. Tất cả các địa phương trong tỉnh đều có các tổ chức cơ sở của Việt Minh. Ngày 13/8/1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Hồng quân Liên Xô và Đồng minh, chiến tranh thế giới thứ II kết thúc. Ngay hôm đó, tại Hội nghị Tân Trào, trong Lời hiệu triệu toàn Đảng, Trung ương Đảng kêu gọi: “Các đồng chí phải sáng suốt trong lãnh đạo và cương quyết hy sinh trong cuộc chiến đấu để giành độc lập cho Tổ quốc”. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi Thư kêu gọi quốc dân: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng lên, đem sức ta mà giải phóng cho ta. Chúng ta không được chậm trễ”.
Thôn An Sơn, Hoài Nhơn, nơi Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh họp bất thường ngày 18/8/1945 (Ảnh tư liệu).
Đứng trước thời cơ lịch sử, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của các địa phương trong tỉnh liên tiếp nổ ra. Tại Quy Nhơn, sáng ngày 23/8/1945, cả Quy Nhơn sục sôi khí thế cách mạng. Hàng ngàn công nhân, lao động và các tầng lớp khác cờ giong trống thúc rầm rập tiến về sân vận động Quy Nhơn. Tại sân vận động Quy Nhơn, trước hơn 10.000 người, đại biểu của Ủy ban khởi nghĩa đứng lên hiệu triệu quần chúng nhất tề xông lên khởi nghĩa. Sau đó, quần chúng có các đội tự vệ cứu quốc đi đầu, chia thành 2 đoàn chiếm 2 mục tiêu quan trọng là đốc bộ đường (dinh công sứ cũ) và tòa đốc lý (tòa sứ cũ), rồi hợp điểm chiếm trại bảo an tỉnh. Ở đốc bộ đường, tỉnh trưởng Phạm Phú Tiết xin nạp ngay ấn tín, thanh kiếm lệnh cùng toàn bộ hồ sơ, tài sản và các công sở cho nhân dân… Ủy ban khởi nghĩa điện ra lệnh các tri phủ, tri huyện và chỉ huy các đồn bảo an trong tỉnh phải giao ngay chính quyền cho Việt Minh. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Quy Nhơn tạo điều kiện thuận lợi và cổ vũ mạnh mẽ nhân dân các phủ, huyện nổi dậy giành chính quyền toàn tỉnh.
Tại Bình Khê (Tây Sơn), sáng ngày 24/8/1945, hơn 3.000 quần chúng có tự vệ cứu quốc dẫn đầu, sôi sục tiến về huyện lỵ; quần chúng chiếm huyện đường, buộc tri huyện giao chính quyền cho Việt Minh. Tại Phù Mỹ, chiều ngày 24/8/1945, gần 3.000 quần chúng với vũ khí thô sơ đã tổ chức mít tinh tại sân vận động phủ, sau đó chuyển thành tuần hành vũ trang tiến về phủ đường thu sổ sách, ấn tín và công sở. Tại Hoài Ân, ngày 26/8/1945, trước cuộc mít tinh của 3.000 đồng bào, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện được thành lập; sau đó huy động lực lượng tước vũ khí đồn bảo an An Lão. Tại Hoài Nhơn, ngày 29/8/1945, tại sân vận động Bồng Sơn, hơn 5.000 quần chúng tham gia cuộc mít tinh thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ Hoài Nhơn. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cũng diễn ra và giành thắng lợi ở các địa phương khác như: Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn,... Đến ngày 31/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã thắng lợi trong toàn tỉnh. Ngày 03/9/1945, tại sân vận động Quy Nhơn, gần 30.000 người gồm đại biểu Việt Minh toàn tỉnh, đồng bào các giới và dân tộc, các tôn giáo cùng nhân dân Quy Nhơn, với hơn 1.000 tự vệ cứu quốc và tự vệ sắt tham gia mít tinh chào mừng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa.
Thắng lợi của Cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Bình Định là kết quả tổng hợp của các nhân tố khách quan và chủ quan, là sự chỉ đạo tài tình của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự cổ vũ mạnh mẽ của cuộc Tổng khởi nghĩa của cả nước. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung.
Ngọc Hiền