CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tài liệu tuyên truyền
Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thương binh, liệt sĩ
Thứ tư 26/07/2023 18:11

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, liệt sĩ - những người đã cống hiến xương máu, hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân. Ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi - đây là thể hiện của sự cảm phục, biết ơn của Người trước những tấm gương anh dũng đã “quyết tử” cho “Tổ quốc quyết sinh”, cũng như nhằm chia sẻ, cảm thông với nỗi đau của thân nhân các gia đình có công với cách mạng.

Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị cho các ban, ngành chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh để tưởng nhớ, tri ân những cống hiến, hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh và thân nhân của họ. Thực hiện chỉ thị của Người, một hội nghị trù bị bao gồm các đại biểu đến từ các cơ quan trung ương và một số khu, tỉnh đã được tổ chức tại Phù Minh (Đại Từ, Thái Nguyên) thống nhất lấy ngày 27/7/1947 là Ngày Thương binh toàn quốc. Từ năm 1955, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi tên thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Nhằm đảm bảo tốt cuộc sống của thương binh, thân nhân các gia đình có công với cách mạng, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh quan trọng như: Sắc lệnh số 20-SL ngày 16/2/1947 quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thương nhân tử sĩ; Sắc lệnh số 58-SL ngày 6/6/1947 tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập để thưởng hoặc truy tặng cho đoàn thể hay những người có công với nước, với dân hoặc tặng cho các nhân vật ngoại quốc đã có công với nước Việt Nam…

Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc viết năm 1968, Người căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, kháng chiến. Người căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”.

Sau khi đất nước thống nhất, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước. Đây là ngày có ý nghĩa quan trọng để đồng bảo cả nước bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng trước những cống hiến, hy sinh to lớn của những thế hệ cha anh đã ngã xuống vì lý tưởng, mục tiêu cao đẹp: Bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc, đem lại hòa bình, hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân.

Tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng là sự kế thừa và phát triển những tư tưởng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”. Truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc đã trở thành nét đẹp văn hóa, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, kết thành sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết, ý chí quyết tâm đánh đuổi quân thù xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan tâm, chăm lo thực hiện chính sách với người có công, Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng cũng như thực hiện công cuộc đổi mới luôn dành những điều kiện tốt nhất nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người có công và thân nhân của người có công với cách mạng.

                   Ngọc Hiền

Các tin liên quan