Chuyển đổi số là giải pháp cốt yếu thúc đẩy phát triển KT-XH. Xác định mục tiêu này, năm 2022, ngành TT&TT tỉnh đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều nền tảng số khác nhau, góp phần thúc đẩy phát triển 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Năm qua, ngành TT&TT tỉnh đã hoàn thành việc chuyển đổi IPv6 cho 100% cổng/trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành và cổng thông tin điện tử của tỉnh. Mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II được triển khai, kết nối đến 48 cơ quan, đơn vị (sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố), và kết nối đến 159/159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh đã kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, phục vụ nhu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh và huyện đã kết nối liên thông phục vụ các phiên họp 4 cấp từ trung ương đến cấp xã. Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh đã kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ…
Sở TT&TT bàn giao hệ thống QR code hỗ trợ thuyết minh tại 7 cụm tháp Chăm cho Bảo tàng tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Cùng thời gian này, ngành TT&TT tỉnh đã cấp 442 chữ ký số chuyên dùng cá nhân và 7 chữ ký số chuyên dùng tổ chức, 71 sim PKI cho các cá nhân. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 3.800 chữ ký số chuyên dùng cá nhân, 712 chữ ký số chuyên dùng tổ chức, và hơn 600 sim PKI cho các cá nhân; 100% các cơ quan nhà nước, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp xã và cá nhân lãnh đạo từ cấp phòng trở lên để thực hiện ký số văn bản điện tử gửi, nhận trên môi trường mạng thay thế văn bản giấy. 100% cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện, xã được cấp tài khoản thư điện tử công vụ tỉnh để thực hiện trao đổi công việc, gửi nhận văn bản điện tử. Cổng dịch vụ công của tỉnh cung cấp 2.135 dịch vụ công trực tuyến, vận hành tại địa chỉ https:// dichvucong.binhdinh.gov.vn.
Năm qua, ngành TT&TT cũng đã triển khai thí điểm nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới “Make in VietNam Gomeet” trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, 22/22 sở, ban, ngành và 11/11 UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử và an toàn thông tin năm 2022. Nhờ đó, đến cuối năm 2022, 159/159 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại 1.176 thôn/xóm với trên 4.350 người tham gia.
Đi đôi với công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để thúc đẩy chuyển đổi số thì giải pháp an toàn thông tin mạng cũng là vấn đề được ngành đặc biệt quan tâm. Trong năm, ngành đã thường xuyên thực hiện rà soát, xử lý lỗ hổng “Log4Shell”, các lỗ hổng bảo mật ảnh hưởng cao và nghiêm trọng theo khuyến nghị của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT); ban hành văn bản nhắc nhở các cơ quan đơn vị tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng trong thời gian diễn ra các ngày lễ lớn của dân tộc, triển khai chiến dịch rà quét mã độc trên không gian mạng đối với phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt cấp độ hệ thống thông tin (cấp độ 3) đối với 2 hệ thống thông tin, gồm: Hệ thống thông tin trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và hệ thống thông tin dịch vụ công và một cửa điện tử tỉnh. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh xây dựng, hoàn thiện phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ đối với hệ thống thông tin do đơn vị quản lý...
Năm 2023, ngành TT&TT tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT để thúc đẩy chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực. Để hoàn thành “sứ mệnh” này, đơn vị tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số đến nhiều tầng lớp nhân dân. Đồng thời, hoàn thiện các văn bản chính sách, thể chế liên quan để tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị phát động phong trào thi đua về thực hiện chuyển đổi số tỉnh đến năm 2030; bộ chỉ số (KPI) đô thị thông minh tỉnh Bình Định; phát triển hạ tầng băng rộng cố định cáp quang đến các thôn, làng; phủ sóng kết nối mạng băng thông rộng ở các vùng lõm.
Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT, cho biết: Tới đây chúng tôi sẽ khuyến khích các DN viễn thông thí điểm triển khai mạng thông tin di động 5G; xây dựng hệ thống kho dữ liệu số dùng chung của tỉnh, tích hợp đầy đủ các dữ liệu về kinh tế, tài chính, đầu tư, tài nguyên đất, giá, dịch vụ… của các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của tỉnh. Phát triển các nền tảng, hệ thống phục vụ cho phát triển kinh tế số, xã hội số, nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, định danh và xác thực điện tử. Thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin đối với hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chính quyền số và đô thị thông minh của tỉnh. Tăng cường sử dụng chữ ký số cá nhân, để cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh, đảm bảo giá trị pháp lý của các văn bản điện tử, tích hợp chữ ký số vào cổng dịch vụ công để người dân, DN thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng.
TRỌNG LỢI - Nguồn Báo Bình Định